Xiếc Việt Nam ngày càng gặt hái được nhiều thành công trên đấu trường quốc tế. Đây là cơ hội tốt để loại hình nghệ thuật này xuất ngoại, mở rộng thị trường biểu diễn. Tuy nhiên bên cạnh cơ hội, vẫn còn nhiều thách thức…
- Cơ hội rộng mở
So với một số loại hình nghệ thuật khác, xiếc có lợi thế rất lớn trong việc tiếp cận khán giả, bởi ngôn ngữ của loại hình này ai xem cũng hiểu. Chính vì điều này mà những năm gần đây, một số đơn vị nghệ thuật xiếc đã đẩy mạnh hoạt động xuất ngoại.
Đoàn Nghệ thuật Xiếc TPHCM mỗi năm đều đặn đi biểu diễn ở lãnh thổ Đài Loan từ 3 đến 6 tháng với hàng trăm suất diễn, thu hút hàng chục ngàn lượt khán giả. Gần đây, đoàn còn được mời sang Nhật và được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Gần đây, ở các cuộc liên hoan, cuộc thi, xiếc Việt luôn gặt hái được những thành công vang dội.
Tiết mục “Sức mạnh đôi tay” của Giang Quốc Cơ - Giang Quốc Nghiệp (Đoàn Nghệ thuật Xiếc TPHCM). |
Trong đó, tiết mục Đu siêu nhân của Liên đoàn xiếc Việt Nam từng đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ III tại Tây Ban Nha; Sức mạnh đôi tay của anh em Giang Quốc Cơ, Giang Quốc Nghiệp (Đoàn Nghệ thuật Xiếc TPHCM) liên tục đoạt giải nhất ở Liên hoan Tài năng xiếc trẻ 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia; huy chương vàng ở Liên hoan Xiếc quốc tế 2010 tại Hà Nội và mới đây, đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan Xiếc mùa hè 2011 ở Cuba.
Với những thành công này, hứa hẹn ngày càng có nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ xiếc Việt Nam xuất ngoại trình diễn tài nghệ diễn xiếc của mình.
- Những thách thức
Theo nhìn nhận của một số nghệ sĩ xiếc, lâu nay, các tiết mục xiếc của Việt Nam được chọn lưu diễn ở nước ngoài đa phần là những trò khéo, những tiết mục gọn nhẹ, ít khi có những tiết mục, chương trình hoành tráng. Về nhân lực, chúng ta không thiếu, nếu cần thiết, vẫn có thể mời gọi một số chuyên gia nước ngoài cộng tác. Nhưng cái khó lớn nhất là kinh phí, thực tiễn cho thấy trong một số tiết mục xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam khi được đầu tư lớn, đã gặt hái được thành công lớn. Trong đó có thể kể đến tiết mục Đu siêu nhân hay chương trình xiếc Làng tôi…
Với chương trình Làng tôi, các nghệ sĩ xiếc đã phải mất 5 năm miệt mài luyện tập mới trình làng, tạo được tiếng vang và liên tục được mời lưu diễn ở nước ngoài. Còn với Đoàn Nghệ thuật Xiếc TPHCM – một đơn vị cũng liên tục được mời lưu diễn ở Pháp, Đài Loan (Trung Quốc)… thì sao?
Nhạc sĩ Hồ Văn Thành, trưởng đoàn cho biết: “Tuy được mời lưu diễn ở nước ngoài nhiều, nhưng về lâu dài, chúng tôi rất lo lắng. Ở Pháp, đoàn chúng tôi đã diễn được 9 năm và chuyến lưu diễn vào cuối năm nay sẽ là lần thứ 10, cho nên đòi hỏi trong từng tiết mục, chương trình và cả âm nhạc, trang phục, chúng tôi cũng phải tự làm mới mình, nếu không rất dễ gây nhàm chán cho khán giả. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta phải đầu tư nhiều hơn cho nghệ thuật xiếc. Bởi hiện nay, xiếc Việt Nam không chỉ tạo tiếng vang ở Đông Nam Á, châu Á mà ngay cả châu Âu, chúng ta cũng được các đối tác, giới chuyên môn và đông đảo công chúng đánh giá cao…”.
Có thể nói, trước những thành công bước đầu đã mở ra cơ hội lớn nhưng cũng kèm theo thách thức lớn cho các nghệ sĩ xiếc Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Chính vì thế, trong tương lai rất cần sự tiếp sức, đầu tư đúng mức của các ngành, các cấp để xiếc Việt ngày càng tỏa sáng hơn nữa.
Có thể nói, trước những thành công bước đầu đã mở ra cơ hội lớn nhưng cũng kèm theo thách thức lớn cho các nghệ sĩ xiếc Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. Chính vì thế, trong tương lai rất cần sự tiếp sức, đầu tư đúng mức của các ngành, các cấp để xiếc Việt ngày càng tỏa sáng hơn nữa.
ĐỖ HẠNH
SGGP
0 nhận xét