Lính biên phòng giữ cuộc sống bình yên, giáo viên gieo chữ giúp người dân xóa nghèo đói. Mũi Lũng Cú không chỉ là khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn là nơi gieo mầm tình yêu và cuộc sống
Lũng Cú - Hà Giang, vùng đất cực Bắc của Tổ quốc, gợi lên nhiều cảm xúc thiêng liêng đối với những người thậm chí chưa từng đặt chân tới đây. Phần đất kiêu hùng ấy trong hình dung của không ít người là nơi heo hút, chỉ có vài mái nhà của đồng bào H’Mông, Lô Lô và bóng áo xanh bộ đội biên phòng. Tôi cũng từng nghĩ chỉ những người sinh ra và lớn lên ở Lũng Cú hoặc được giao nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mới có lý do và sức mạnh tinh thần để gắn bó với mảnh đất ấy nhưng khi đến đây thì mới biết mình nhầm.
Bước ngoặt cuộc đời
Đến Lũng Cú, tôi được nghe nhiều về chuyện một sĩ quan biên phòng người H’Mông lập nghiệp, định cư rồi lấy vợ, sinh con trên mảnh đất phên giậu này. Lý Mí Dình chỉ là một trong số rất nhiều con em dân tộc H’Mông vào lính biên phòng rồi được giao bảo vệ chính mảnh đất quê hương mình.
Quê ở xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn - Hà Giang (cách Lũng Cú khoảng 50 km), Lý Mí Dình nổi tiếng học giỏi nhất trong các bạn trẻ người H’Mông cùng trang lứa vốn chỉ quen với việc vào rừng lấy củi, làm nương. Với đồng bào H’Mông, chuyện được đi học đã khó, nói gì đến học giỏi, lại tốt nghiệp cả THPT! Chàng trai H’Mông học giỏi năm nào nay đã là trung úy, trạm trưởng Trạm Biên phòng Lũng Cú, nhớ lại: “Tôi làm lớp phó học tập suốt 3 năm THPT và đến năm lớp 12 thì được kết nạp Đảng”.
Học xong phổ thông, Dình nộp hồ sơ đăng ký thi ngành sư phạm toán của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ trước đến nay, ở Đồng Văn dường như chỉ mới có Dình là “liều mạng” như vậy. Tuy nhiên, giấc mơ trở thành giáo viên toán của Dình đã không thành vì năm đó, anh thi thiếu 1,5 điểm để trúng tuyển. Dù vậy, với người dân Phố Cáo, Dình cũng đã làm được một “kỳ tích” và đến nay, anh vẫn là niềm tự hào của họ.
Vợ chồng Lý Mí Dình - Bùi Thị Hằng và cô con gái gần 1 tuổi ở Lũng Cú
Khỏi phải nói chàng trai H’Mông luôn ấp ủ giấc mơ gieo chữ trên mảnh đất còn khát kiến thức của quê hương mình tiếc rẻ như thế nào. Thế rồi, bước ngoặt rẽ ngang cuộc đời Dình khi một vị lãnh đạo Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Hà Giang trực tiếp đến gặp và khuyên anh vào lính biên phòng. Sau 2 năm đi lính nghĩa vụ, Dình được cử theo học Trường Trung cấp Biên phòng. Anh đã tốt nghiệp trường này loại ưu rồi trở thành cán bộ của Trạm Biên phòng Lũng Cú.
Có một điều mà Dình không ngờ tới là chính cuộc sống của người lính quân hàm xanh đã mang lại cho anh một mối tình đẹp, lãng mạn và một tổ ấm ngay nơi anh được giao trọng trách giữ gìn lá cờ thiêng liêng nơi cực Bắc của Tổ quốc.
“Công thức kinh điển”
Ngoài những người lính quân hàm xanh, các thầy cô giáo tình nguyện “cõng chữ” lên vùng đất heo hút, đặc biệt khó khăn Lũng Cú là một mảnh ghép quan trọng của cuộc sống nơi đây. Lính biên phòng giữ cho cuộc sống bình yên, giáo viên gieo chữ giúp người dân xóa đi nghèo đói. Giữa họ có sợi dây liên hệ kỳ lạ.
Chuyện tình yêu và xây dựng gia đình giữa lính biên phòng và giáo viên vùng cao luôn cảm động và kỳ diệu, nó đã trở thành “công thức kinh điển” giúp những miền biên viễn của Tổ quốc luôn được sưởi ấm bởi không chỉ ý chí mà còn là tình yêu của những con người đầy nghị lực. Dẫu vậy, chuyện tình của cô giáo Bùi Thị Hằng, một giáo viên người Kinh, quê ở Hưng Yên - nơi cách Lũng Cú hơn 500 km, với chàng lính biên phòng người H’Mông Lý Mí Dình vẫn là minh chứng thuyết phục, hùng hồn cho một Lũng Cú không chỉ thiêng liêng mà còn lãng mạn.
Trước khi đến Lũng Cú, cô giáo Bùi Thị Hằng chưa hề hình dung được cuộc sống khắc nghiệt ở mảnh đất chỉ có núi đá tai mèo luôn chực chờ. Hằng tâm sự: “Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm xong, tôi xung phong lên Lũng Cú ngay. Khi đến đây, tôi phải tập làm quen với cuộc sống hoàn toàn mới, phải tập đi xe qua những con đường chạy dọc dãy núi đá ngoằn ngoèo, tập làm quen với khí hậu khắc nghiệt và thiếu thốn đủ thứ”.
Ban đầu, Hằng chỉ xung phong đến Lũng Cú với mục đích thử sức nhưng rồi cô giáo sinh năm 1984 này yêu mảnh đất miền cực Bắc Tổ quốc lúc nào không hay. Lũ trẻ người H’Mông hồn nhiên, đỉnh núi Lũng Cú - nơi đặt cột cờ Tổ quốc mà buổi nào lên lớp chỉ cần nhìn qua ô cửa nhỏ là Hằng cũng nhìn thấy, cứ ám ảnh cô giáo trẻ. Hết 2 năm công tác, Hằng tiếp tục xin ở lại để “có thêm kinh nghiệm”.
Cột cờ Lũng Cú - biểu tượng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Lần gặp gỡ tình cờ với anh lính biên phòng Lý Mí Dình là bước ngoặt lớn trong cuộc sống của cô giáo Hằng. “Ít giáo viên lên đây có được nhiều thứ như tôi, có một người yêu chân thành, giản dị, một người chồng tốt bụng và giờ là một gia đình nhỏ hạnh phúc”- Hằng không giấu giếm những thứ “được nhận” từ khi đến với Lũng Cú. Hằng cho biết ngay từ lần đầu tiên gặp Dình, cô đã thấy ở chàng trai H’Mông này một sự tin cậy. Chị Mai Thị Thanh Hòa, đồng nghiệp ở Trường Tiểu học Lũng Cú của cô giáo Hằng, nói về mối tình “Kinh - H’Mông” duy nhất ở mảnh đất phên giậu Tổ quốc: “Các cô giáo người Kinh lên đây thường chọn chồng người Kinh, ít ai chọn chồng sinh ra và lớn lên ở vùng cao như Hằng. Đây có thể coi là trường hợp đầu tiên”.
Còn với Hằng, cô chỉ suy nghĩ đơn giản: “Tôi không quan tâm anh Dình là người dân tộc gì. Tôi yêu anh ấy ở con người và đức tính. Dù khi yêu, gia đình, nhất là mẹ tôi, cũng không muốn con lấy chồng xa vì bà cũng hiểu cuộc sống nơi đây thiếu thốn và khó khăn thế nào”. Xác định lấy chồng bộ đội biên phòng, cô giáo Hằng cũng đã coi Lũng Cú là nhà, biên giới là quê hương như khẩu hiệu của bao chiến sĩ biên phòng nơi địa đầu Tổ quốc.
An cư lạc nghiệp
Không hiểu sao chuyện tình “Kinh - H’Mông” của trung úy Lý Mí Dình và cô giáo Bùi Thị Hằng cứ ám ảnh tôi khi đứng dưới chân ngọn cờ Lũng Cú. Bùi Thị Hằng kể rằng trước khi cưới, một lần anh Dình đưa cô lên cột cờ Lũng Cú. Trên đỉnh núi đặt ngọn cờ có thể nhìn được bao quát quang cảnh khắp mảnh đất biên cương này. Dù đã vài năm sống ở đây nhưng Hằng tâm sự rằng lần nào lên cột cờ, cô cũng có một cảm xúc đặc biệt.
Lần Dình đưa cô giáo Hằng lên cột cờ Lũng Cú chính là lúc anh nói lời cầu hôn. “Anh Dình là người rất chân thành, thông thường khi hỏi cưới một ai đó những người đàn ông thường hứa hẹn những điều xa xôi nhưng anh Dình lại nói rất thật thà rằng nếu đồng ý lấy anh, nhiều khó khăn và vất vả sẽ chờ đợi chúng tôi ở phía trước.
Tâm sự của anh khiến tôi thực sự xúc động. Anh Dình cũng không sinh ra và lớn lên ở Lũng Cú, dù quê anh cũng gần nơi này nhưng anh muốn chúng tôi sẽ xây dựng cuộc sống ở đây không chỉ vì khẩu hiệu của các chiến sĩ biên phòng - “đồn là nhà, biên giới là quê hương” - mà còn vì tình yêu thực sự với mảnh đất này”- Hằng nhớ lại. Cô giáo người vùng xuôi đã đáp lại lời cầu hôn của trung úy Dình bằng một cái nắm tay thật chặt.
Sau 2 năm yêu nhau, đầu năm 2009, trung úy Lý Mí Dình và cô giáo Bùi Thị Hằng đã tổ chức đám cưới ở ngay nơi họ gặp nhau lần đầu tiên. Đám cưới dưới chân cột cờ Lũng Cú ấy thực sự là một câu chuyện cổ tích ở nơi biên giới xa xôi này. Đó là một đám cưới giản dị đến không ngờ nhưng cũng mang lại cho đôi uyên ương nhiều cảm xúc đặc biệt.
Kết quả của mối tình đẹp “Kinh – H’Mông” ấy chính là cô bé Lý Thị Minh Hồng đã gần 1 tuổi. “Sau khi có con, tôi cảm thấy thực sự gắn bó với mảnh đất này và không muốn rời xa nó nữa”- cô giáo Hằng kể về dự định an cư lạc nghiệp ở cực Bắc Tổ quốc.
Hạnh phúc nơi đỉnh cao Ngoài vợ chồng Lý Mí Dình - Bùi Thị Hằng, tại mũi Lũng Cú còn có hai gia đình nữa có chồng là bộ đội biên phòng và vợ là giáo viên. Cuộc sống ở nơi đây dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng được họ ví von là “hạnh phúc nơi đỉnh cao”. Rõ ràng những con người mà tôi gặp đang sống bình yên, hạnh phúc ở nơi xa nhất về phía Bắc của đất nước, nơi được gọi là địa đầu Tổ quốc. Hạnh phúc ấy họ cảm nhận được ngay cả khi sống trong một mái nhà đơn sơ chưa đầy 20 m2 như vợ chồng Dình và Hằng. “Mỗi năm chỉ có vài ngày phép, những cặp vợ chồng định cư ở Lũng Cú tranh thủ về quê. Thế nhưng với chúng tôi, khi đi xa nơi đang làm việc và sinh sống, chúng tôi càng cảm nhận đó chính là một phần máu thịt của mình” – cô giáo Bùi Thị Hằng thổ lộ. |
Bài và ảnh: MẠNH DUY
Theo NLĐ
0 nhận xét