Việc chây ì trong khắc phục hậu quả không chỉ ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội
Sau gần 2 năm có kết luận của đoàn thanh tra do Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì, đến nay, việc khắc phục các sai phạm tại dự án cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp sạch nằm trên địa bàn xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn-TPHCM do Công ty Cổ phần Khánh Đông (gọi tắt là Công ty Khánh Đông) làm chủ đầu tư hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.
Chiếm “đất vàng” rồi bỏ lãng phí
Từ khi UBND TPHCM cho phép Công ty Khánh Đông thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp sạch tại xã Xuân Thới Sơn, đến nay đã gần 10 năm nhưng chủ đầu tư không hoàn chỉnh dự án về hạ tầng, giao thông, chưa thỏa thuận đền bù đất với các hộ dân, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan thuế… Đánh giá về sự chây ì này, UBND huyện Hóc Môn cho biết: Ngay khi triển khai dự án, Công ty Khánh Đông đã không có thiện chí đền bù đất cho các hộ dân đối với phần diện tích thuộc quy hoạch cây xanh, công trình công cộng trong dự án nên công tác bồi thường kéo dài ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân.
Nhiều nhà xưởng trong cụm công nghiệp được chủ đầu tư xây không đúng quy hoạch, sau đó cho thuê
Đến nay, công ty chỉ đền bù 11 ha/39 ha nằm trong dự án, dù công ty nhiều lần nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ công tác đền bù với người dân nhưng lại không đưa ra đơn giá đền bù và phương án cụ thể. Do việc đền bù chậm nên khi triển khai xây dựng nhà xưởng đã gây ngập úng cho nhiều hộ dân quanh khu vực chưa được đền bù. UBND TP yêu cầu công ty phải xây dựng ngay đoạn cống hộp thay thế kênh tiêu đi ngang dự án nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.
Thực tế, chủ đầu tư chỉ chú tâm xây dựng nhà xưởng cho thuê kiếm lợi, thậm chí xây sai và lố so với quy hoạch đề ra. Kết quả khảo sát của UBND huyện cho thấy toàn bộ 20 nhà xưởng tại khu B3 đến B5, B8 đến B10, B11 đến B13, B15 đến B17 không xây dựng theo mẫu và vị trí của bản đồ quy hoạch, công ty còn “xóa sổ” cả đường nội bộ để xây 2 nhà xưởng cho thuê. Ngoài ra, từ tháng 1-2002 đến cuối năm 2008, công ty này không ký hợp đồng thuê đất cho toàn bộ diện tích và không thực hiện nghĩa vụ đóng tiền thuê đất cho Nhà nước dù giá thuê đất chỉ 3.250 đồng/m2/năm.
Biện pháp mạnh với chủ đầu tư
Việc chây ì trong khắc phục hậu quả của chủ đầu tư không chỉ ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội cho địa phương. Bởi toàn bộ 39 ha đất nằm dọc Quốc lộ 22 là “đất vàng” đã bị chủ đầu tư phá nát quy hoạch, loang lổ da beo, gây ô nhiễm cục bộ…
Trước vụ việc này, Thường trực UBND huyện Hóc Môn vừa có công văn kiến nghị xử lý sau thanh tra đối với cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp sạch Công ty Khánh Đông làm chủ đầu tư. Theo đó, đề xuất UBND TP điều chỉnh giảm quy mô diện tích từ 39 ha xuống còn 21 ha; thu hồi 18 ha nằm dọc Quốc lộ 22 trong dự án mà đến nay chủ đầu tư chưa sử dụng (trong đó có 12,5 ha đã đền bù cho các hộ dân) để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP quản lý, tổ chức đấu thầu mời các nhà đầu tư có năng lực đầu tư xây dựng thành khu trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ của huyện. Riêng phần diện tích chủ đầu tư đã đền bù sẽ được bồi hoàn lại.
Trong vòng 12 tháng, kể từ tháng 7-2011, công ty này phải lập lại quy hoạch khu đất 21 ha để điều chỉnh, thực hiện tiếp các công trình như khu xử lý nước sạch, khu xử lý nước bẩn, khu chứa rác, cây xanh cách ly…, đồng thời thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với cơ quan thuế theo quy định. Trong thời gian lập quy hoạch xin điều chỉnh, Công ty Khánh Đông không được mở rộng diện tích xây dựng và kiến nghị TP không cấp mới đăng ký kinh doanh và hoạt động cho các công ty thuê nhà xưởng của chủ đầu tư. Nếu quá thời hạn quy định, Công ty Khánh Đông vẫn chây ì thì kiến nghị UBND TP xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Nợ tiền thuê đất hơn 1 tỉ đồng Trở lại đây sau 3 năm kể từ khi Báo Người Lao Động có bài viết “Cụm công nghiệp phá nát quy hoạch” (số ra ngày 19-5-2008), chúng tôi ghi nhận tình trạng nhà xưởng vẫn như cũ, hạ tầng chưa hoàn chỉnh, chưa có bất cứ một công trình công cộng nào hay khu xử lý chất thải... Riêng tiền thuê đất và nghĩa vụ tài chính, theo thống kê của UBND huyện Hóc Môn, tính từ năm 2007 đến năm 2010 là 1,4 tỉ đồng nhưng cuối tháng 11-2010, công ty này chỉ nộp 200 triệu đồng. |
Bài và ảnh: THU HỒNG
Theo NLĐ
0 nhận xét