Giải pháp đẩy lùi, đánh bật hàng giả, hàng lậu đang làm đau đầu các nhà quản lý nên xem ra cuộc chiến này khó có hồi kết. Hiện tại, giới tội phạm sử dụng công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi để đối phó với những cơ quan chức năng. Đó là những băn khoăn của những người làm công tác chống hàng gian hàng giả tại buổi “Tổng kết 10 năm công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại của Ban chỉ đạo 127 TPHCM” diễn ra ngày 19-8.
Trưng bày hàng thật, hàng giả tại lễ tổng kết của ban chỉ đạo 127 vào sáng 19-8 |
- Xử phạt vi phạm trên 7.800 tỷ đồng
Hiện nay có quốc gia cung cấp tới 65% hàng giả cho nước Mỹ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là địa chỉ tiêu thụ tới 83% hàng giả có xuất xứ từ nước ngoài, gồm đủ chủng loại, từ cây kim, sợi chỉ, cho tới những mặt hàng điện tử, điện máy, hàng tiêu dùng cao cấp… Tại Việt Nam, theo số liệu Bộ Công thương, trong năm 2010 có 13.079 vụ buôn bán hàng lậu, hàng cấm; 12.507 vụ hàng giả, hàng kém chất lượng; 11.083 vụ vi phạm giá. Những vi phạm trong năm gây nhiều thiệt hại cho kinh tế Việt Nam. Điều đáng ngạc nhiên ở chỗ, không ít những mặt hàng Việt Nam thừa khả năng gia công, sản xuất, nhưng hàng giả vẫn tràn ngập.
Ban chỉ đạo 127 TPHCM cho biết, trong 10 năm qua đã thanh, kiểm tra 532.296 vụ. Trong đó, khởi tố điều tra 988 vụ, chuyển Viện kiểm sát nhân dân truy tố 111 vụ. Theo đó, tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 7.808 tỷ đồng.
- Còn lắm gian nan...
Công tác đấu tranh chống tội phạm ngày càng khốc liệt, gian truân. Hành lang pháp lý còn khe hở nên tội phạm vẫn còn đất sống. Chính điều này đã khiến cho công việc thực thi pháp luật của cơ quan chức năng liên quan gặp nhiều khó khăn. Dẫn chứng về vấn đề này, ông Vũ Hồng Nam, Công an TPHCM, cho rằng: việc cho các doanh nghiệp tự in hóa đơn như hiện nay khiến cho công tác điều tra, xử lý nan giải hơn so với quy định trước đây (doanh nghiệp in hóa đơn theo mẫu của cơ quan thuế). Bên cạnh đó, nhà nước mở rộng cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp cũng khiến công tác truy tìm tội phạm kinh tế khó khăn hơn.
Trước thực tế đã nêu, nhiều kiến nghị trong công tác thực thi các văn bản quy phạm pháp luật được đưa ra. Chẳng hạn theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP, “đồ chơi trẻ em nguy hiểm, có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe, tới an ninh, trật tự, an toàn của xã hội là mặt hàng cấm kinh doanh”, tuy nhiên, tại điều 18 của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP chỉ xử phạt các đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em nguy hiểm như những hàng hóa cấm kinh doanh khác. Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị Ban chỉ đạo 127 Trung ương kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2008/NĐ-CP theo hướng xử phạt thật nặng đối tượng kinh doanh đồ chơi trẻ em nguy hiểm.
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Phó đội trưởng Đội Kiểm soát hải quan Cục Hải quan TPHCM, với chủ trương tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, có khoảng 90% doanh nghiệp đều thông quan điện tử là tờ khai luồng xanh (doanh nghiệp tự khai rồi nhận hàng). Không ít đối tượng đã lợi dụng điều này để khai sai tên các mặt hàng có thuế suất cao, nhằm trốn thuế. Khi hải quan phát hiện, doanh nghiệp lấp liếm… khai nhầm, để bổ sung khai lại. Trong trường hợp này nếu không đủ cơ sở pháp lý chứng minh doanh nghiệp gian lận thì hải quan không xử phạt được.
Như vậy, người tiêu dùng trước mắt nên tự tìm cách bảo vệ mình, tẩy chay hàng giả, hàng kém chất lượng. Đúng như khẳng định của bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban chỉ đạo 127 TPHCM: Cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại sẽ được thực hiện tốt hơn khi có sự ủng hộ tích cực của mỗi người dân, theo đúng tinh thần “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.
THI HỒNG
Sáng 19-8, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra thị trường đồ chơi ở 16 cửa hàng bán lẻ dọc tuyến phố Hàng Mã và Lương Văn Can, phát hiện dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đồ chơi đĩa bay Tosy của Việt Nam. Loại đồ chơi giả này nhái y hệt cả bao bì của đĩa bay Tosy. Các đĩa bay giả này quảng cáo tính năng bay quay trở lại, trong khi đây là một tính năng đã được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Việt Nam và Hàn Quốc cho đĩa bay Tosy của Công ty CP Robot Tosy của Việt Nam. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng kiểm tra và thu giữ hàng ngàn đồ chơi nhập lậu không có tem hợp chuẩn, không có hóa đơn chứng từ, đồ chơi mang tính bạo lực như súng, kiếm… và đa số xuất xứ từ Trung Quốc. TH. HÀ |
Theo SGGP
0 nhận xét