|
Quốc hội Nhật Bản ngày hôm qua (30/8) đã bỏ phiếu bầu chọn ông Yoshihiko Noda trở thành Thủ tướng mới của đất nước mặt trời mọc. Tuy nhiên, không giống như nhiều nhà lãnh đạo khác, tân Thủ tướng Noda được cho là sẽ phải đối mặt với một kỳ trăng mật đầy sóng gió khi trước mặt ông là rất nhiều thách thức lớn.
Ngay khi ngồi vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Nhật Bản, cựu Bộ trưởng Tài chính 54 tuổi sẽ phải bắt tay ngay vào việc tìm kiếm những biện pháp nhằm hàn gắn mối quan hệ rạn nứt trong Đảng Dân chủ cầm quyền, vạch ra các chính sách cho việc tái thiết đất nước sau thảm hoạ động đất - sóng thần - hạt nhân, đồng thời tìm cách tháo gỡ những khó khăn về kinh tế của đất nước.
Thách thức trong nội bộ đảng cầm quyền
Thách thức trong nội bộ đảng cầm quyền
Di sản mà người tiền nhiệm Naoto Kan để lại cho tân Thủ tướng Noda là một nền kinh tế chồng chất những khó khăn như: tình trạng giảm phát, đồng yên tăng giá, nợ công gấp hai lần GDP... Ông Noda sẽ cần phải có một đội ngũ đắc lực và các đồng minh trong đảng của mình trước khi muốn bắt tay vào giải quyết bất kỳ thách thức nào.
Các nhà phân tích tin rằng, điều kiện tiên quyết trên chính là cái mà ông Noda đang thiếu. Nếu không thay đổi được tình hình này thì chính phủ của tân Thủ tướng Noda sẽ khó có khả năng giải quyết được những vấn đề kinh tế và xã hội cấp bách.
Tiến sĩ Jeff Kingston, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á thuộc trường Đại học Temple Nhật Bản, nhận định: "Ông Noda không có được một nền tảng ủng hộ vững chắc trong đảng của mình. Việc ông được bầu chọn vào vị trí Thủ tướng mới của Nhật Bản chỉ là do kết quả của một sự thoả hiệp giữa hai phe phái trong đảng. Vì thế, tôi cho rằng, ông Noda đang đứng ở một vị trí bất lợi. Sự kỳ vọng vào ông thấp. Và nói chung, trong suốt 5 năm qua, người dân Nhật Bản đã học được một điều là họ không nên chờ đợi quá nhiều vào sự thay đổi lãnh đạo"
Cuộc bầu cử chức thủ tướng vừa rồi là cuộc đua chính giữa ba đối thủ: Bộ trưởng Tài chính Noda, Bộ trưởng Thương mại Banri Kaieda và cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara. Ông Kaieda là người được ông Ozawa ủng hộ trong khi ông Maehara ở phía đối lập với ông Ozawa. Ông Ozawa là một trong những nhân vật quyền lực nhất nhưng cũng đầy tai tiếng trong đảng DPJ. Ông này thậm chí còn được ví là “thủ lĩnh trong bóng tối” của DPJ. Chính vì thế, Bộ trưởng Tài chính Noda đã được chọn như là một giải pháp trung hoà nhằm tránh tạo ra một sự chia rẽ sâu sắc đảng.
Nhiệm vụ trước mắt và quan trọng nhất của của ông Noda lúc này là phải khôi phục sự đoàn kết trong đảng và lập nên một nền tảng ủng hộ vững chắc cho mình. Để làm được điều đó, ông Noda cần phải xử lý khéo léo cuộc đấu đá giữa những người ủng hộ và những người chống ông Ozawa.
Tân Thủ tướng Noda mới đây đã có một số động thái chứng tỏ quyết tâm giải quyết tình trạng đấu đá trong nội bộ đảng. Trước khi thành lập nội các mới vào thứ Sáu tới (2/9), hoặc có thể là thứ Hai tới (5/9), tân Thủ tướng Noda đã bàn đến việc chọn ông Azuma Koshiishi, một nghị sĩ cấp cao của DPJ, vào vị trí Tổng thư ký của đảng. Koshiishi là người có mối quan hệ thân thiết với ông Ozawa.
Tân Thủ tướng Noda đã chọn ông Koshiishi dù trước đó ông này cùng với ông Ozawa không ủng hộ cho ông Noda trong cuộc bầu cử vừa rồi. Động thái này chính là một trong những nỗ lực của ông Noda nhằm khôi phục tình đoàn kết trong nội bộ đảng DPJ.
Bản thân ông Koshiishi cũng là một chính khách có ảnh hưởng. Ông này hôm qua cho biết, sau khi cân nhắc kỹ, ông quyết định sẽ cố gắng đến mức tối đa để khôi phục lại sự hài hoà, đoàn kết trong một đảng từng ở trên bờ vực của sự “nổ tung” vì mâu thuẫn trong nội bộ.
Để cân bằng các phe phái trong đảng, tân Thủ tướng Noda cũng tính đến chuyện chọn cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử vừa rồi và cũng là người chống ông Ozawa gay gắt, vào vị trí chịu trách nhiệm về chính sách của DPJ.
Thách thức từ người dân
Trong một cuộc thăm dò dư luận trên toàn quốc của nhật báo Yomiuri Shimbun số ra hồi đầu tuần, chỉ có 9% người dân ủng hộ ông Noda so với 12% ủng hộ ông Kaieda và 48% ủng hộ ông Seiji Maehara. Chưa hết, sau thảm hoạ động đất-sóng thần-hạt nhân, uy tín của chính phủ Nhật Bản cũng giảm sút nghiêm trọng.
Vì thế, tân Thủ tướng Noda chắc chắn sẽ phải tìm cách nâng cao hình ảnh của mình trong mắt công chúng Nhật Bản.
Sự nghiệp của ông Noda cũng đang ở thế bấp bênh khi công chúng Nhật Bản đang mất dần niềm tin vào đảng DPJ. Năm 2009, đảng DPJ từng gây chấn động đất nước Nhật khi giành chiến thắng trước Đảng Dân chủ Tự do (LDP) - một đảng cầm quyền suốt nhiều thế kỷ ở đất nước này. Khi đó, người dân đặt rất nhiều kỳ vọng vào DPJ. Tuy nhiên, hai năm trôi qua với hai đời thủ tướng và ông Noda là thủ tướng thứ ba cùng với một loạt scandal, người dân xứ sở mặt trời mọc dường như đã bị vỡ mộng với đảng DPJ.
Uy tín của DPJ đã giảm xuống thấp hơn cả đảng đối lập chính LDP. Nếu tân Thủ tướng Noda tiếp tục thất bại như hai người tiền nhiệm trước, đảng DPJ chắc chắn sẽ thua trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Theo VnMedia
0 nhận xét