Theo báo giới địa phương, tòa án Công lý Pháp, một tòa án đặc biệt có quyền xét xử bộ trưởng tại Pháp chính thức yêu cầu thẩm phán điều tra bà Lagarde về cáo buộc “đồng lõa biển thủ và lạm dụng công quỹ” khi bà còn làm Bộ trưởng Tài chính Pháp. Hai tội danh này được đánh giá là nghiêm trọng hơn nhiều so với cáo buộc “lạm dụng quyền hành”.
Cuộc điều tra đặc biệt này được mở ra sau khi các công tố viên cáo buộc bà Christine Lagarde lạm dụng quyền hành khi can thiệp vào phiên tòa xét xử vụ tranh chấp giữa thương gia Bernard Tapie với Ngân hàng Credit Lyonnais vào năm 2007.
Bà Christine Lagarde chính thức bị điều tra. |
Vụ tranh chấp bắt nguồn từ việc Tapie liên hệ với ngân hàng, yêu cầu giới chủ ngân hàng giúp ông ta bán công ty Adidas (là sở hữu của thương gia này trong giai đoạn 1990-1993). Credit Lyonnais với vai trò người môi giới trả cho Tapie khoản tiền đã đề xuất, nhưng sau đó bán lại công ty trên với giá cao hơn gấp đôi. Kết quả là Tapie yêu cầu phía ngân hàng phải đền bù cho ông ta khoản lợi nhuận trên và nhận được nó sau 15 năm kiện tụng.
Nếu tất cả chỉ đơn giản như vậy thì vụ kiện trên chắc chắn cũng không thu hút được nhiều sự chú ý của công luận. Vấn đề là ở chỗ, theo ý kiến của giới Tư pháp, Bộ trưởng Tài chính Lagarde giải quyết vụ tranh chấp trên theo cách trái với luật pháp của nước Pháp, đơn giản được quy là “vượt quá các quyền hạn của mình”.
Theo các điều tra viên, bà Lagarde giang tay hỗ trợ Tapie để ông này nhận được khoản tiền 285 triệu euro từ ngân sách quốc gia thay vì phải giao vai trò phán xét này cho các thẩm phán làm trọng tài.
Trong khi đó, bà Lagarde vẫn một mực bác bỏ cáo buộc và tự tin tuyên bố rằng, vụ điều tra này không thể lung lay được chiếc ghế tân Giám đốc IMF của bà.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, dù với khả năng không cao song nếu bên điều tra tìm được các bằng chứng cấu thành tội phạm, khả năng bà Lagarde phải rời bỏ IMF vẫn có thể xảy ra.
Bích Diệp (theo New York Times, AP)
Theo Đất Việt
0 nhận xét