ĐBSCL là vùng chăn nuôi và sản xuất nông thủy sản lớn nhất cả nước, cung cấp nguồn nguyên liệu xuất khẩu chủ lực. Dù có lợi thế lớn về nông nghiệp nhưng lâu nay ĐBSCL vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh để làm giàu. Một trong những hạn chế cơ bản là do việc liên thông, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn rời rạc. Do đó tình trạng lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu luôn xảy ra, ảnh hưởng đến người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu.
Xuất khẩu tôm sú, thế mạnh ở ĐBSCL. |
- Thất thoát hơn 10%
Đến giữa tháng 8-2011, giá lúa khô tại ĐBSCL loại thường dao động từ 6.950 - 7.050 đồng/kg, lúa dài khoảng 7.050 - 7.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện có giá khoảng 9.200 - 9.300 đồng/kg, tùy chất lượng và địa phương. Đây là mức giá kỷ lục vụ lúa hè - thu trong gần 20 năm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm đến giữa tháng 8-2011 nước ta đã xuất khẩu được 4,8 triệu tấn gạo, đạt 2,26 tỷ USD.
Liên kết để hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ và xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản là mục tiêu đặt ra từ lâu. Song, việc này đến nay vẫn còn mang tính chắp vá, rời rạc.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: Lúa gạo là mặt hàng thế mạnh của ĐBSCL, gần đây giá cả tăng cao ngất ngưởng nhưng giá trị trong chuỗi sản xuất vẫn mong manh và nông dân hưởng lợi rất thấp. Việt Nam là một trong số ít quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gạo, tuy nhiên các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn ở dạng bán gạo “trắng”, thị trường chưa ổn định, không có gạo đặc sản và thiếu thương hiệu nên giá trị mang lại không cao.
Chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, xuất khẩu lúa gạo nước ta xoay quanh các đầu mối “nông dân - thương lái - doanh nghiệp”, cùng sự tham gia của các nhà máy xay xát, cơ sở lau bóng… Đây là chuỗi sản xuất đã hình thành nhiều năm, nhưng đến nay hầu như không có phương thức hợp tác thỏa đáng, chặt chẽ. Điều này còn phản ánh cơ cấu sản xuất manh mún nhỏ lẻ. Hầu hết nông dân sau khi thu hoạch xong bán thẳng cho thương lái và thương lái mang lúa đến nhà máy xay xát. Nhiều cơ sở xay xát lúa gạo không có kho tồn trữ nên không mua lúa trực tiếp của nông dân. Việc xay xát gạo được thực hiện thành hai giai đoạn, trước hết xay xát vỏ lúa. Sản phẩm trung gian sau đó chuyển tới các nhà máy xay xát lớn hơn để sản xuất gạo trắng, nếu xuất khẩu phải đưa đi lau bóng…
Từ nhiều công đoạn trên, kéo theo tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch hơn 10%, tương ứng với nửa tỷ USD mất đi mỗi năm. Khắc phục vấn đề này, Chính phủ đã chỉ đạo và có những hỗ trợ nhất định để các tỉnh đầu tư vào hệ thống thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, mở rộng kho chứa lúa gạo… song quá trình thực hiện rất chậm.
- Đối mặt nhiều rủi ro
Cá tra, ba sa cũng là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng do thiếu liên thông- liên kết nên việc phát triển ngành này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Nếu như trước đây tỷ lệ hao hụt trong nuôi cá chỉ 10% - 20%, nay hao hụt tăng lên 30%, thậm chí 40% - 50%. Căng thẳng nhất là nguồn nguyên liệu lúc thừa - lúc thiếu khiến việc sản xuất và xuất khẩu luôn bị động. Cụ thể thời điểm tháng 3, tháng 4-2011, giá cá tra liên tục tăng đến mức kỷ lục 28.000 - 28.800 đồng/kg, buộc nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc tạm ngưng hoạt động vì không đủ nguyên liệu. Tuy nhiên sang tháng 5-2011 đến nay, giá cá rớt thê thảm chỉ còn 21.000 - 22.000 đồng/kg, người nuôi kêu bán không ai mua dù chấp nhận lỗ nặng.
PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chua chát: “Cá tra là sản phẩm độc quyền của Việt Nam trên thế giới, đáng lẽ chúng ta phải chủ động về giá bán, nhưng do thiếu liên kết, cạnh tranh nội bộ… nên phát sinh tình trạng bán phá giá, bán theo kiểu “nô lệ” một cách đáng trách”.
Tại các tỉnh ven biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre… đã hình thành những vùng nuôi tôm sú lâu năm. Nhưng khi hỏi chuyện liên kết ai cũng lắc đầu.
Ông Võ Hồng Ngoãn, “vua tôm” ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, phân tích: “Trong chuỗi giá trị của nghề nuôi tôm, doanh nghiệp luôn cầm cán, còn nông dân cầm lưỡi. Khâu đầu vào các nhà sản xuất con giống, thức ăn, cung ứng thuốc… bỏ túi lợi nhuận đầu tiên. Đầu ra đến lượt doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hưởng lợi, trong khi đó người nuôi luôn phụ thuộc, ranh giới lời lỗ rất bấp bênh. Ngoài ra nơi đây còn đối mặt với dịch bệnh như vụ tôm năm 2011 đã đẩy hàng loạt hộ nuôi vào cảnh trắng tay”.
“Chính phủ nên khuyến khích đẩy mạnh việc đa dạng hóa nông nghiệp, đầu tư hiện đại hóa chuỗi giá trị lúa gạo. Cần hỗ trợ nông dân thông qua các hiệp hội, hợp tác xã, giúp họ tiếp cận và tham gia khâu tồn trữ lúa… để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng giá lúa gạo vụ hè - thu tăng đột ngột đã làm nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lỗ nặng. Chuyện thua lỗ này đã phản ánh đúng thực trạng kinh doanh “ăn xổi, ở thì” và sự thiếu liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”. |
Cao Phong - Huỳnh Lợi
SGGP
0 nhận xét