Vị trí bộ trưởng Bộ GD-ĐT luôn được coi là một thách thức lớn từ xưa đến nay. Vô vàn vấn đề phát sinh ở lĩnh vực này cần những “tư lệnh” ngành giải quyết. Trong số các vấn đề nóng của ngành giáo dục, lâu nay xã hội luôn lo âu về bài toán mất cân đối nhân lực trong tương lai. Xã hội lo lắng tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” sẽ trở lại; lo về những ngành học nông - lâm - thủy sản èo uột do thiếu chỉ tiêu trong khi đất nước rất cần... Đây là vấn đề SGGP đặt ra với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. * PV: Đúng là không thể trách học sinh hiện nay đổ xô vào các ngành “nóng” như kinh tế, tài chính, ngân hàng... vì đó là sự lựa chọn ngành học theo nhu cầu xã hội. Nhưng có những ngành không hấp dẫn thí sinh lại vô cùng quan trọng, ví dụ ngành sư phạm vốn là ngành cốt tử để nâng cao chất lượng giáo dục. Vậy theo Bộ trưởng cần có chính sách gì? * Bộ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Tỷ lệ thi sư phạm hiện không đến nỗi quá thấp nhưng đúng là số thí sinh giỏi thi vào sư phạm không nhiều, mà đó là điều ngành giáo dục rất khao khát. Chúng ta vẫn phải tôn trọng quyền lựa chọn nghề nghiệp của các em, không thể bắt buộc được, chỉ có thể bằng chính sách khuyến khích, hỗ trợ để thu hút các em. * Nhưng chính sách hiện nay không còn đủ sức hấp dẫn nữa? * Đúng như dư luận đặt ra là chính sách hỗ trợ (miễn học phí cho sinh viên sư phạm) chưa thỏa đáng, không đủ sức hấp dẫn. Điều đó đúng nhưng để thỏa đáng thì cũng không thể tùy tiện được. Chính sách của một sinh viên sư phạm so với chính sách của một bà mẹ Anh hùng, một thương binh, người lính ở Trường Sa sẵn sàng đổ máu vì Tổ quốc phải có sự hợp lý, không thể mất tương quan được. Tất cả những điều xã hội bức xúc đều đúng cả nhưng khi nói đến một chính sách cụ thể đòi hỏi phải có sự hài hòa. Đất nước qua chiến tranh, rất nhiều đối tượng phải ưu tiên bằng chính sách xã hội, sinh viên sư phạm cũng chỉ là một đối tượng chứ không phải là tất cả. * Hiện nay, số thí sinh thi vào các ngành hàng hải, chế biến nông thủy sản cũng ngày càng ít, điều đó gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế biển đảo của đất nước. Theo ông, cần có chính sách gì để thu hút thí sinh vào những ngành nghề này? * Việt Nam là nước nông nghiệp, lại có bờ biển dài. Đảng và Nhà nước cũng đang có chiến lược biển đảo nên việc thu hút nhân lực vào ngành nông - lâm nghiệp, thủy hải sản bao gồm cả nuôi trồng chế biến, giống... là vấn đề hết sức quan trọng. Trong đó đặc biệt là lĩnh vực về giống vì ai cũng biết, làm chủ được giống là điều hết sức căn bản trong nông nghiệp. Nhưng thực tế việc chiêu sinh các ngành nghề này hiện nay rất khó khăn, phải tính lại. Nhưng một mình ngành giáo dục cũng không tính được. Cần phải tính để làm sao những ngành này phải có thu nhập tốt, chỉ có vậy mới có thể hút thí sinh. Có người nói cần có chính sách học phí, học bổng đối với các ngành nghề này. Nhưng theo tôi điều đó không ổn. Cái chính là việc làm, thu nhập, tương lai của những ngành nghề này. Mặt khác, tôi cho rằng ngành giáo dục còn phải làm điều quan trọng hơn cả chính sách học phí, học bổng, đó là dạy - học thế nào để nâng cao được tình yêu nghề, tình yêu đất nước cho các em, có ý thức trách nhiệm. * Nhưng không dễ để khơi gợi điều đó, thưa Bộ trưởng? * Tôi đã từng chứng kiến nhiều cháu vào Nghĩa trang Trường Sơn hoặc ra Trường Sa về thì có ngay sự thay đổi. Vì vậy, Bộ GD-ĐT rất muốn TƯ Đoàn phối hợp để tổ chức tăng cường trải nghiệm thực tiễn cho học sinh, thanh thiếu niên. Khi đã có nhận thức đúng thì các em sẽ tự nguyện gắn bó với nghề nào đó. Nó giống như một sứ mệnh được trao cho họ chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề thu nhập. Cho nên, chúng ta cần khơi gợi sự tự nguyện trong các em, chứ không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách. Không phải sự tự nguyện đã giảm trong học sinh của chúng ta. Hình ảnh những sinh viên tình nguyện chẳng hạn, không ai ép buộc, không cần chính sách gì nhưng các em vẫn tham gia rất tự nguyện. * Xin cảm ơn Bộ trưởng! PHAN THẢO |
SGGP
0 nhận xét