Gần đây, liên tục có những vụ giết người thân xảy ra, đặc biệt là những vụ chồng giết vợ dã man khiến dư luận hết sức quan tâm, lo lắng. Một câu hỏi được đặt ra: ai là người có nguy cơ trở thành nạn nhân của kẻ giết người và làm sao để phòng tránh?
Liên tục tuyên các án tử hình
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, có hàng chục vụ giết người thân, đặc biệt là giết vợ đã được tòa tuyên án tử hình.
Gần đây nhất, hôm 23/8/2011, TAND tối cao tại TPHCM đã xử phúc thẩm vụ án “giết người” của bị cáo Nguyễn Văn Hây (SN 1972, ngụ Định Quán, Đồng Nai) và tuyên án tử hình.
Có với chị Trần Thị H. ba con chung nhưng Hây luôn nghi ngờ vợ có quan hệ với người khác. Lúc 19 giờ ngày 5/9/2010, Hây uống rượu, gây sự với vợ. Khi chị H. đi ngủ, Hây dùng cây đánh và hắt xăng vào giường phóng hỏa khiến chị H. và một đứa con tử vong, nhà cháy trụi.
Ngay trước đó chưa đầy 1 tuần, hôm 18/8, TAND TPHCM xử lưu động tại quận Tân Bình đã tuyên phạt án tử hình đối với Nguyễn Ngọc Trãi (SN 1962, ngụ quận Phú Nhuận) về tội “Giết người”.
Nguyên nhân do mâu thuẫn nên Trãi bị vợ đuổi ra khỏi nhà và yêu cầu chấm dứt hôn nhân. Tức giận, Trãi đã mua 40 lít xăng sát hại vợ là chị Lan Anh một cách dã man. Chị Lan Anh được đưa đi cấp cứu và chết hai ngày sau đó tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sáng ngày 5/7, TAND tỉnh Đăk Nông đã tuyên phạt tử hình đối với bị cáo Vòng A Sầu (SN 1972, trú thôn 5, xã Quảng Tín, huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông) về tội “Giết người”. Nạn nhân là chị Lê Thị Hồng Phượng (SN 1974, vợ cũ bị cáo).
Mặc dù đã ly hôn nhưng A Sầu vẫn thường xuyên liên lạc, về nhà sống với chị Phượng và thuyết phục nối lại tình xưa. Trong một lần đi nhậu, A Sầu nghe tin đồn chị Phượng có “bồ nhí” nên về nhà kiếm cớ gây gổ với chị Phượng và xảy ra cãi vã dẫn đến xô xát. Lúc này, A Sầu cầm một cây búa bổ củi đòi đánh chị Phượng thì chị Phượng cũng cầm dao thách A Sầu đánh lại.
Thấy vậy, A Sầu đã giằng con dao trên tay chị Phượng và chém một nhát vào cổ khiến chị Phượng chết ngay tại chỗ. Để phi tang, A Sầu đã lôi xác nạn nhân ra gốc cà phê sau nhà cắt đầu bỏ vào bao tải mang ra vườn cà phê nhà chị họ cách đó 5km bỏ, còn phần thân mang ra vứt xuống giếng hoang nằm cạnh một ngôi miếu thờ trong thôn.
Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ án chồng giết vợ đã được đem ra xử và kết cục là kẻ giết người lãnh án tử hình. Ngoài ra, còn rất nhiều những vụ án giết vợ khác mà người chồng sau đó đã tự tử.
Đa phần các cặp vợ chồng đến với nhau là do tự nguyện, và điều trớ trêu là, cho đến khi án mạng xảy ra, họ vẫn còn yêu thương nhau, nếu không phải từ cả hai phía thì ít nhất cũng là từ một người chồng hoặc vợ. Vậy thì tại sao họ lại có thể đang tâm giết chết người thân yêu, hay nói ngược lại, tại sao họ lại có thể bị chính người thân yêu giết hại?
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đẩy những người này thành kẻ giết vợ, trong đó có một phần lỗi từ chính nạn nhân |
Tìm lỗi từ phía nạn nhân
Giết người là một tội ác dã man, trong đó giết người thân lại càng là tội lỗi không thể tha thứ. Tuy nhiên, xét về khía cạnh nào đó, trong những vụ thảm án đó thì nạn nhân không phải là không có lỗi.
Trao đổi với VnMedia, thượng tá Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Tội phạm học (Học viện Cảnh sát Nhân dân) cho biết, kết quả của một cuộc nghiên cứu sắp được công bố cho thấy, trừ những vụ giết người với mục đích cướp của, còn lại hầu hết các nạn nhân của những vụ giết người đều có lỗi.
Theo thượng tá Nguyễn Minh Đức, lâu nay, khi điều tra các vụ án, người ta đều tập trung tìm và phân tích nguyên nhân từ phía hung thủ mà quên mất, hoặc không đặt vấn đề về việc tìm nguyên nhân từ phía nạn nhân.
Thực tế cho thấy, những vụ giết người thân hầu hết đầu xuất phát từ những mâu thuẫn từ trước, hoặc xảy ra trong quá trình xô xát, mà nạn nhân đóng vai trò rất lớn trong việc kích thích thần kinh, kích động bản tính cục cằn, côn đồ của hung thủ.
Có rất nhiều trường hợp do người vợ có quan hệ bất chính, đối xử với chồng vượt quá phạm vi đạo đức, thuần phong mỹ tục của người Việt, nhưng khi bị phát hiện lại có thái độ thách đố, coi thường chồng, dẫn đến người chồng không chịu đựng nổi và đã ra tay giết vợ.
Nhóm nguyên nhân thứ hai, là do người chồng vốn đã có tính cách sống buông thả, hung bạo, thường xuyên đánh đập vợ con, mất định hướng lối sống nhưng người vợ lại bị tác động bởi truyền thống phương Đông, chịu nhịn nhục mãi và không chia sẻ với người thân, không tố cáo với chính quyền hoặc đoàn thể... Cho đến khi không chịu đựng nổi thì lại bung ra, có những hành vi vi phạm pháp luật trước, nhưng cuối cùng trở thành nạn nhân.
Một nguyên nhân nữa cũng thường hay xảy ra, đó là cách cư xử “quá đáng”, ích kỷ, nói năng cạnh khóe làm đau đớn, hạ nhục người thân... dẫn đến kích thích thần kinh của đối tượng, khiến đối tượng không nhịn nổi và ra tay giết người. Hoặc cũng có rất nhiều trường hợp là khi người thân bí bách, đau khổ về mặt tinh thần, tình cảm nhưng không được giúp đỡ mà lại đổ thêm dầu vào lửa...
Xưa nay, người Việt rất coi trọng sự tin tưởng. Tuy nhiên, niềm tin được đặt không đúng chỗ, mù quáng, thiếu cảnh giác là nguyên nhân gây ra nhiều vụ án mạng đau lòng. Nhiềutrường hợp, nạn nhân đã quá tin tưởng vào người làm công hoặc mới quen biết, cũng có người biết người thân nghiện ngập, cờ bạc... nhưng vẫn chủ quan, tin tưởng cho vay mượn nhiều tiền bạc, cho ngủ lại qua đêm, quan hệ mật thiết... tạo điều kiện cho kẻ thủ ác ra tay và cuối cùng, trở thành nạn nhân của kẻ giết người.
Những kẻ thủ ác trước sau đều sẽ phải đền tội, nhưng trước hết, mỗi người đều nên tự biết bảo vệ tính mạng của mình để không trở thành nạn nhân của kẻ giết người.
Theo Thượng tá Nguyễn Minh Đức, điều cần nhất trong cuộc sống là lối sống đúng mực và biết kiềm chế, tránh xung đột. Khi phát hiện người thân có tâm trạng buồn bực, cáu giận thì cần tỏ thái độ thông cảm, chia sẻ, động viên, giúp đối tượng giải tỏa tâm lý. Còn nếu bản thân có khúc mắc, bị đối xử bất công, cần tâm sự, chia sẻ với người thân hoặc tìm sự giúp đỡ từ các tổ hoà giải.
Khi xảy ra xung đột, đừng bao giờ dùng những hành động, lời nói để thách đố người khác. Một cử chỉ, một lời nói không đúng cũng có thể kích thích thần kinh, biến một người đang bình thường thành kẻ giết người.
Điều cuối cùng, niềm tin phải được đặt đúng chỗ, đúng người.
VnMedia
0 nhận xét