Hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam/dioxin lần thứ hai đã khai mạc tại Hà Nội vào sáng 8-8, đúng dịp 50 năm (10.8.1961-10.8.2011) thảm họa da cam ở Việt Nam. Hội nghị có sự tham dự của hàng trăm đại biểu của gần 25 quốc gia ở 5 châu lục. Họ là những nạn nhân chất độc ca cam, nạn nhân của chiến tranh hóa học và nhiều nhà khoa học, luật gia, nhà hoạt động nhân đạo, môi trường…
Ông Trần Xuân Thu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết với hơn 4,8 triệu người phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân của 80 triệu lít chất độc hóa học mà quân đội Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam từ năm 1961 đến 1971, đã gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.
Thầy giáo Chu Quang Đức (Hà Nội) vượt lên nỗi đau da cam để trở thành
giáo viên dạy tin học ở Trường THPT Mê Linh (Hà Nội)
giáo viên dạy tin học ở Trường THPT Mê Linh (Hà Nội)
Ông Thu cho biết chiến tranh đã chấm dứt 36 năm nhưng nhiều điểm nóng chất độc dioxin vẫn tồn tại và hằng ngày, hằng giờ đang tác động đến sức khỏe người dân. Cho đến nay, chất độc da cam là hợp chất nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Chúng gây đột biến gien và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: “Nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được nhiều nước quan tâm và trở thành nỗi đau chung của toàn nhân loại”.
Ông André Bouny, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Ủng hộ nạn nhân chất da cam Việt Nam và vụ kiện ở New York, cho rằng hiện nay ở Việt Nam, thế hệ thứ 3 và thứ 4 đang bị ảnh hưởng bởi chất dioxin. Họ là con cháu của các cựu binh và dân thường bị phơi nhiễm tuy vẫn có cơ thể và tinh thần khỏe mạnh nhưng lại sinh ra những đứa trẻ không có hình hài của con người.
Với vai trò là một điều phối viên Ban Vận động cứu trợ và Trách nhiệm chất độc da cam Việt Nam tại Mỹ, bà Jeanner Mirer, cho biết: Tại Mỹ, hàng triệu người đang kêu gọi chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về hậu quả do họ gây ra. Ban Vận động cứu trợ và Trách nhiệm chất độc da cam đang xây dựng một chiến dịch quốc gia nhằm hối thúc Quốc hội Mỹ tài trợ chương trình y tế và phục hồi chức năng cộng đồng toàn diện cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và tiến hành “chữa lành” tất cả các điểm nóng nhiễm độc. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh để giành công lý. Đây là cuộc chiến tranh ta phải giành chiến thắng”- bà Jeanner Mirer quả quyết.
Ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Anh - Việt, người được đông đảo người dân Việt Nam biết đến qua sáng kiến ký tên đòi công lý, chia sẻ: “Tôi và các cộng sự sẽ tiếp tục thu thập chữ ký để ủng hộ vụ kiện và sẽ đồng hành với các nạn nhân đến cùng”.
Bài và ảnh: NGỌC DUNG
NLĐ
0 nhận xét