Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển |
Ngày 30-6, tại TP Cần Thơ, Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp với lãnh đạo sở GD-ĐT 11 tỉnh ĐBSCL để giải quyết sự cố 11 tỉnh khu vực này bắt tay nhau chấm điểm nới lỏng các môn tự luận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì cuộc họp này kết luận: Việc lãnh đạo các hội đồng thi ngồi lại với nhau, thảo luận hướng dẫn đáp án của bộ là không sai, thậm chí là động cơ tốt để vận dụng nhiều điểm giống nhau, giúp việc chấm thi thống nhất, không sai so với đáp án của bộ. Tuy nhiên, việc ra văn bản có phần giảm nhẹ yêu cầu so với đáp án của bộ là sai. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Bộ đánh giá đây là sai sót nghiệp vụ chứ không phải là động cơ bắt tay nhau để nâng điểm”.
Dư luận đã thấy trước nhận định này của Bộ GD-ĐT và bộ cũng rất mong muốn kết thúc xì-căng-đan này trước kỳ thi ĐH-CĐ. Tuy nhiên, cách giải quyết sự cố này của Bộ GD-ĐT cho thấy sự lúng túng, du di và thiếu khoa học.
Ngày 23-6, chính Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã công nhận rằng việc 11 tỉnh ĐBSCL liên minh với nhau chấm nới điểm thi các môn tự luận có chuẩn thấp hơn yêu cầu của bộ là trái với quy chế thi, không đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, gây bức xúc trong xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định rằng sẽ tiến hành xử lý vụ việc theo đúng quy trình, trên tinh thần xử lý nghiêm khắc vụ việc.
Vậy sự cố này do sai sót nghiệp vụ hay động cơ? Có thực đây chỉ là sai sót về nghiệp vụ, còn động cơ thì tốt? Một chuyên gia giáo dục cho rằng nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là nhận định ngược và cho rằng chính vì động cơ không tốt mới dẫn đến sai về nghiệp vụ. Động cơ không tốt của 11 sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL là chạy đua theo thành tích, vì ai cũng thấy với đáp án mở, điểm thí sinh được nâng lên rõ rệt. Điều này Bộ GD-ĐT cũng đã thừa nhận.
Cuộc chạy đua theo thành tích kiểu phản giáo dục này gây bức xúc ngay trong các giáo viên chấm thi. Chúng tôi có trong tay “Biên bản thống nhất đáp án - biểu điểm chấm thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn” của Sở GD-ĐT Cần Thơ được lập ngày 7-6. Biên bản này có sự tham dự của các chuyên viên, được lập sau cuộc họp với 10 tỉnh khác, trong đó thống nhất lại cụ thể hơn cách chấm điểm, đã làm một số giám khảo lo lắng, băn khoăn. Ví dụ, ý kiến của cô Kim Hoa cho rằng chấm thoáng như vậy, bỏ qua cả lỗi chính tả, rồi sẽ dạy các em ra sao? Hoặc ý kiến khác của thầy Vinh yêu cầu “Làm sao có lợi cho học trò…”. Trong biên bản này còn nhiều nội dung cho thấy có sự phối hợp chấm thi nhịp nhàng với các tỉnh khác. Vậy sự liên minh này chỉ vì “động cơ tốt”, chỉ sai sót về mặt nghiệp vụ? Không, đó thực sự là một cuộc chạy đua theo thành tích có kế hoạch, có tính toán.
Việc xử lý của Bộ GD-ĐT như vậy không thuyết phục được dư luận xã hội. Đó là kiểu xử lý “cho qua”. Cách xử lý như vậy sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho ngành giáo dục, góp phần phá sản phong trào “hai không” của chính ngành giáo dục phát động. Lẽ ra, trong vụ việc này, Bộ GD-ĐT phải tiến hành chấm thẩm định, đánh giá lại đáp án của bộ, đáp án mở của 11 tỉnh ĐBSCL rồi mới có thể đưa ra hướng xử lý khoa học, thuyết phục.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đã không làm như vậy mà tìm cách giải quyết nhanh vụ việc nhằm xoa dịu dư luận.
Lưu Nhi Dũ
Theo NLĐ
0 nhận xét