Ảnh mang tính minh họa (Internet) |
Bên lề Hội nghị nhóm làm việc chuẩn bị cho Hội nghị những người đứng đầu cảnh sát biển châu Á diễn ra tại Hà Nội, Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Việt Nam có cuộc trao đổi với báo chí.
Bám biển
Ông Lĩnh cho hay: “Cảnh sát biển mới hình thành, từ 28/8/1998, đến nay mới hơn 10 năm, để đào tạo được cả lực lượng thì rất khó. Bộ Quốc phòng rất quan tâm tìm những người thực sự có năng lực để thực hiện nhiệm vụ, cho phép cảnh sát biển tìm nhân lực khác trong nước như Bộ Công an, các trường ĐH, làm nghề phù hợp với cảnh sát biển thì có thể tìm. Bộ Quốc phòng sẽ làm việc với các bộ khác để xin người”.
Lực lượng hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, song còn phải phấn đấu nhiều, nhất là đào tạo con người, trình độ ngoại ngữ khi làm việc với các nước.
Thời gian qua, trên thực tế, việc ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên vùng biển chủ quyền bị bắt giữ, đòi tiền chuộc diễn ra ngày càng nhiều. Tình hình an ninh biển Đông phức tạp, hoạt động đánh cá, thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam bị đe dọa…
Trên biển, nhất là ngư dân, vừa qua có nhiều phức tạp. Xuất phát từ nhận thức đó là trách nhiệm của mình, cảnh sát biển tổ chức lại phương thức hoạt động của mình để duy trì sự có mặt càng nhiều ngày càng tốt, nhất là các vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước.
“Mấy vấn đề đặt ra bao gồm ngư dân thấy có cảnh sát biển, yên tâm hơn, nhất là khi có tình huống, sẽ giúp đỡ, ứng cứu bà con. Nếu ngư dân vượt ra ngoài vùng biển thì cũng cảnh báo, lưu ý bà con không nên sang vùng biển đó, đánh bắt ở vùng biển của mình. Khi nào Bộ Nông nghiệp có văn bản ký kết hợp tác khai thác thủy sản với các nước thì bà con ta sang yên tâm”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
- Việc bảo vệ với hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí thì sao, thưa ông? Khi nước khác có ý định thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam, cảnh sát biển sẽ làm thế nào?
Bảo vệ thăm dò tài nguyên dầu khí trên vùng biển Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi. Thời quan qua, PVN có liên hệ chặt chẽ. Bộ Quốc phòng giao cho quân chủng hải quân là lực lượng nòng cốt, tổng chỉ huy bảo vệ hoạt động dầu khí của mình.
Nếu nước ngoài đến thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã là chủ quyền của mình, mình bảo vệ đến cùng. Chúng ta không có chuyện nhún nhường. Đây không phải là vùng biển chồng lấn, tranh chấp gì cả, mà của Việt Nam.
Việt Nam là thành viên UNCLOS, ta làm đúng trách nhiệm của nước thành viên, và yêu cầu nước khác cũng làm như vậy. Đã là thành viên phải thực hiện cho đúng UNCLOS.
- Nếu họ định đặt giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chúng ta phải làm thế nào, thưa ông?
Đặt giàn khoan, đương nhiên anh vi phạm chủ quyền của tôi được quốc tế công nhận. Chúng ta sẽ bằng mọi cách để không để việc này xảy ra, bằng mọi phương thức: đấu tranh pháp lý, ngoại giao… với sự tham gia của tất cả lực lượng, huy động sức mạnh tổng lực của các đơn vị, bằng mọi biện pháp có thể theo luật.
-Trừ việc nổ súng trước?
Đúng vậy. Giải quyết bằng phương pháp hòa bình. Giải quyết vấn đề trên quan điểm tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN.
Đáp ứng 30-40% nhu cầu
- Thưa ông, với một bờ biển dài và vùng biển rộng, việc đầu tư các thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác bảo vệ biển và thực thi quản lý biển của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam như thế nào?
Chính phủ rất đầu tư, dù kinh tế khó khăn nhưng vì nhiệm vụ giữ gìn an ninh biển, thực thi hoạt động trên biển. Việt Nam muốn xây dựng nền kinh tế mạnh trên biển phải có lực lượng bảo vệ, mà cảnh sát biển đóng vai trò tương đối quan trọng duy trì an ninh trật tự.
Hiện Chính phủ đầu tư trang bị về phương tiện tàu thuyền ngày càng hiện đại hơn, càng ngày càng đảm bảo tàu có lượng giãn nước lớn hơn để hoạt động xa bờ, dài ngày, và trong điều kiện thời tiết rất phức tạp. Chính phủ cũng trang bị máy bay để thực hiện tuần thám cho hết thềm lục địa của Việt Nam.
- Thực chất, chúng ta đáp ứng được bao nhiêu phần trăm so với nhu cầu?
Vùng biển của ta diện tích gấp ba lần đất liền. Với lực lượng hiện có, ta gặp rất nhiều khó khăn: số lượng và chủng loại phương tiện hoạt động trên biển. Hiện tại đáp ứng được 30-40% yêu cầu, thời tiết phức tạp thì càng khó khăn hơn.
Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam tăng cường tuần tra kiểm tra trên biển, duy trì sự có mặt trên biển. Tuy nhiên, với vùng biển xa, chúng ta chưa thể đi hết được, chưa duy trì sự có mặt thường xuyên được.
Trang bị của ta còn hạn chế, chưa đảm bảo đi ở vùng biển xa, trong thời tiết phức tạp như gió cấp 9-10 hoặc đi dài ngày trên biển. Chúng ta đang phấn đấu. Chính phủ cũng đang có định hướng đầu tư thêm.
Sắm tàu lớn, máy bay cho cảnh sát biển
- Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Chính phủ đang giao cho chúng tôi lập đề án phát triển giai đoạn hai, xây dựng mô hình hoàn chỉnh của cảnh sát biển. Chúng ta sẽ tăng cường trang bị thiết bị cho cảnh sát biển.
Nhu cầu thì nhiều, nhưng đáp ứng thì từng bước theo mức phát triển của nền kinh tế. Chúng ta đâu chỉ có mỗi lực lượng cảnh sát biển để chăm lo, còn bao nhiêu chỗ phải đầu tư, bao nhiêu việc phải giải quyết. Khả năng kinh tế được tới đâu thì sẽ lo tới đấy.
Chúng ta chọn lọc những gì cần nhất, cấp bách nhất thì đầu tư trước. Một, trang bị tàu thuyền. hai là máy bay, để nâng cao tầm hoạt động và hiệu quả bao quát tốt hơn. Ba là con người.
Chúng ta chọn lọc những gì cần nhất, cấp bách nhất thì đầu tư trước. Một, trang bị tàu thuyền. hai là máy bay, để nâng cao tầm hoạt động và hiệu quả bao quát tốt hơn. Ba là con người.
Con người đã đào tạo, chủ yếu lấy từ quân chủng hải quân, rồi các đơn vị khác của Bộ Quốc phòng, cho phép lấy người của các đơn vị, các trường khác có đào tạo ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển. Chúng ta từng bước trình độ năng lực của anh em lên, xác định cái gì cần thì liên kết với các trường…
Về thiết bị, trước mắt, chúng ta lo đầu tư tàu có độ giãn nước lớn, hoạt động dài ngày. Có như vậy thì mới có thể duy trì sự có mặt của cảnh sát biển trên biển thường xuyên được, mới bám được dân. Ra dăm bữa nửa tháng, 20 ngày rồi về thì không thể bám được.
Tới đây, đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 2.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp: gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.
0 nhận xét