Mặc dù vàng trộn vonfram chưa thấy xuất hiện ở thị trường các tỉnh phía Nam, nhưng tại Hội thảo “Vàng nguyên liệu pha tạp chất và giải pháp phòng tránh”, do Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM” (SJA) tổ chức ngày 8/7, cho thấy, doanh nghiệp và người tiêu dùng đang khốn đốn trước nạn vàng pha tạp chất xuất hiện nhiều trên thị trường trong thời gian qua.
Vàng 24k dễ bị “độn” nhất
Anh Đức, một thợ kim hoàn lâu năm có cơ sở sản xuất tại TP.HCM, cho biết từ tháng 4/2011, cơ sở sản xuất của anh đã mua phải một số vàng nguyên liệu, vàng 24k có trộn lẫn tạp chất. “10 lượng vàng có tạp chất mà chúng tôi mua phải, sau phân kim chỉ còn chưa đầy 8 lượng vàng”, anh Đức cho biết. Tạp chất được trộn vào loại vàng này đó là các hỗn hợp của các kim loại: Os, Ir, Ru thuộc nhóm Platin.
Sau khi đã phân kim, những chất này có màu xám đen. Do những chất này có tỉ trọng cao hơn vàng nên giới gian lận đã trộn lẫn những loại này để “ăn gian” tuổi vàng.
Ông Hồ Trọng Thảo, Phó Phòng kinh doanh Công ty D.C, cũng tiết lộ, thời gian qua, nhiều người dân các tỉnh phía Nam đã mua phải vàng nữ trang 24k có “độn” các chất nói trên. Các sản phẩm này chủ yếu là nhẫn 4 số, nhẫn tròn trơn. Những loại vàng miếng có thương hiệu vì được kiểm tra kỹ nên gần như không thể độn các kim loại thuộc nhóm Platin vào.
Máy móc cũng… bó tay
Máy móc hiện đại cũng khó phát hiện loại bột siêu nặng được pha trộn tinh vi trong vàng. Ảnh: P.Nhi |
Thời gian đầu mới xuất hiện, vàng trộn bột siêu nặng có khi được pha đến 30% hỗn hợp, nhưng nay các đối tượng gian lận đã giảm thành phần hỗn hợp này xuống còn khoảng 10%, 15%, nên càng khó phát hiện. Các cách thử vàng thông thường hiện nay như cân tỷ trọng và một số máy đo quang phổ gần như... bó tay.
Theo ông Trần Hải, Ban Khoa học kỹ thuật SJA: “Loại bột này rất nguy hiểm, nó có tỉ trọng cao và không tạo hợp kim với vàng, nên hỗn hợp này khi cho vào vàng nóng chảy thì bị chìm vào trong vàng nên máy đo quang phổ rất khó phát hiện, và cả phương pháp đo tỉ trọng cũng không phát hiện được. Bên cạnh đó, khi lẫn vào vàng, miếng vàng không bị vỡ ra như khi trộn các nguyên tố khác mà vẫn rất dẻo, màu sắc gần như không hề thay đổi, nên nhận biết bằng cảm quan là rất khó”.
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA thông tin, SJA đã gửi mẫu thử có chứa các kim loại Os, Ir, Ru đến Trung tâm 3 (Thuộc Bộ KHCN) để kiểm định, nhưng các máy thử của Trung tâm này chỉ phát hiện được các loại tạp chất thông thường như: Ag, Pd, Fe, Cu, Mn, Cr, Zn… Và dù là vàng đã pha những kim loại nói trên nhưng kết quả thử nghiệm vẫn cho ra kết quả đó là vàng 98,58%. “Gần như kết quả vẫn là vàng 9999”, ông Dưng nói. Trông vào…thợ kim hoàn
Tuy nhiên, sau thời gian “sống chung” với vàng giả, nhiều thợ kim hoàn và đơn vị kinh doanh đã tìm ra những cách riêng để nhận diện loại vàng giả này. “Đánh bóng vàng lên thì sẽ thấy các hạt cứng nhỏ màu xám trắng nổi lên trên bề mặt hoặc dùng 2 loại a xít để tẩy nhẹ, dùng kính lúp để phát hiện các đốm trắng; dùng máy quang phổ XRF 5000 để soi chiếu”, ông Đậu Quang Bích cho biết.
Còn ông Trần Hải thì cho rằng, phải dùng kính lúp 12x (loại xem kim cương), dùng lửa để cháy hoặc nấu hường thì cũng có thể nhận diện. Tuy nhiên, với hầu hết những người đã gặp phải vàng giả loại này đều cho rằng, cách nhanh nhất để nhận diện là “bẻ đôi” miếng vàng để thấy lõi ở bên trong. “Những người thợ kim hoàn có kinh nghiệm có thể khoan một lỗ nhỏ để bột của lõi vàng rơi ra, mới biết chính xác được là vàng có trộn hỗn hợp ba kim loại thuộc nhóm Platin hay không”, anh Thành, một người thợ kim hoàn tại Quận 8, cho biết.
Vàng giả đi theo con đường nhập lậu Theo các chuyên gia trong ngành, loại vàng trộn các kim loại thuộc nhóm platin này chủ yếu đi qua con đường nhập lậu. Bởi hiện tại, công nghệ làm giả vàng ở Việt Nam chưa thể đạt đến trình độ tinh vi như đã nói, và nguồn nguyên liệu để làm giả (3 kim loại Os, Ir, Ru) rất hiếm trên thị trường Việt Nam. |
Theo Đất Việt
0 nhận xét