Hiện, giới phân tích và dư luận đang tồn tại hai luồng quan điểm đồng tình và phản đối với sự việc này.
“Tôi nghĩ chẳng công cụ nào lại mạnh như làm mất giá USD”, nhà kinh tế Kenneth S. Rogoff tại ĐH Havard nói: “Đó là một đòn kích thích ngắn hạn tốt. Toàn bộ ngành công nghiệp Mỹ sẽ hài lòng nếu đồng tiền mất giá dần dần”.
Nhiều chuyên gia cho rằng USD yếu đem lại nhiều nguồn lợi cho kinh tế Mỹ, đặc biệt là khiến cỗ máy xuất khẩu của Mỹ được vận hành trơn tru. |
Chuyên gia kinh tế Robert Dye, công ty PNC Financial Services Group Inc. bình luận, USD trượt giá hiện đang có những ảnh hưởng khá tốt đối với kinh tế Mỹ. Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này đạt ngưỡng 1.300 tỷ USD, cao hơn nhiều so với thời điểm bắt đầu trượt giá năm 2002 là 697 tỷ USD.
Giới phân tích nhận định, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ tăng trưởng mạnh phần lớn là do nhu cầu ngày càng cao của thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil đối với các sản phẩm chế biến và thực phẩm có xuất xứ từ Mỹ.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế kiêm Chủ tịch công ty tư vấn IHS Global Insight, ông Nigel Gault lại phân tích, mức tăng trưởng này ¼ là bắt nguồn từ sự trượt giá của USD. Chuyên gia Mark Zandi của Moody’s Analytics cũng đánh giá, 1/3 nguyên nhân tăng trưởng là do USD yếu đi khiến giá hàng hóa của Mỹ ở nước ngoài giảm nên doanh số và lợi nhuận đều tăng. Tuy giá nguyên liệu thô và năng lượng nhập khẩu cũng tăng nhưng xuất khẩu tăng có thể giúp doanh nghiệp Mỹ cải thiện sản xuất.
IHS Global Insight dự tính, nếu USD tiếp tục trượt giá trong hai năm tới thêm 20%, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sẽ cao hơn thời điểm hiện tại khoảng 12% vào năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp còn khoảng 5,3%.
Người lao động Mỹ cũng tỏ ra hân hoan vui mừng, nhất là khi cả chuyện nhà cửa lẫn tiền bạc đều tốt lên. Thị trường nhà đất sẽ ổn định hơn do USD kém hấp dẫn giới đầu tư trên toàn cầu nên những khoản đầu tư từng khiến thị trường nhà đất Mỹ trở nên bất ổn cũng không còn được ưa chuộng. Tình hình làm ăn của doanh nghiệp Mỹ được cải thiện nhờ đồng USD yếu, thâm hụt thương mại giảm cũng khiến tỷ lệ người lao động có việc làm tăng lên đáng kể. Người lao động vẫn đủ tiền mua sắm nhờ hàng giá rẻ từ Trung Quốc vì NDT được neo vào đồng USD nên hàng hóa Trung Quốc vẫn không đắt thêm nếu USD mất giá.
Một số doanh nghiệp Mỹ hy vọng USD tiếp tục mất giá so với NDT. Ông Daniel DiMicco của hãng Nucor Corp. cho rằng, bên cạnh chính sách neo giá nghiêm ngặt đồng nội tệ nhằm làm lợi cho lĩnh vực xuất khẩu và cản trở hàng hóa nhập khẩu vào thị trường, Trung Quốc cũng dự trữ nhiều USD nhất thế giới. Do vậy, USD mất giá sẽ khiến giá trị tài sản của nước này giảm mạnh, thậm chí phải bán tháo USD.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia lên tiếng cảnh báo, USD mất giá quá mức có thể khởi động vòng xoáy tăng giá và tăng lương, đây là manh nha và tiền để của nạn lạm phát, gây mất lòng tin của giới đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Mỹ sau hàng thập kỷ thâm hụt thương mại và đống nợ Chính phủ khổng lồ.
Chuyên gia Mark Zandi cho rằng, USD lao dốc quá lâu sẽ kéo theo hàng loạt những vấn đề bất lợi và biểu hiện rõ nhất là các nhà đầu tư nước ngoài lũ lượt rút khỏi thị trường cổ phiếu, trái phiếu và các thị trường khác của Mỹ.
Ngoài ra, đồng USD tiếp tục trượt giá gây áp lực lạm phát và đẩy lãi suất cho vay tăng, hàng hóa nhập khẩu đắt đỏ hơn, đẩy giá cả trong nước không ngừng leo thang. Thậm chí đây không phải là tin vui với những người dân Mỹ đi du lịch nước ngoài.
Do vậy, một số chuyên gia nhận định, nguy cơ lạm phát cận kề sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ ngừng cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khiến USD có thể tăng giá trở lại trong thời gian tới.
Theo Đất Việt
0 nhận xét