Ảnh mang tính minh họa |
Thời gian qua, thường xuất hiện các vụ giả danh cán bộ công chức (CBCC), cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) công an, để làm tiền doanh nghiệp, người dân. Nhiều người tự xưng là cán bộ các ngành gặp trực tiếp hoặc gọi điện thoại đến tổ chức, doanh nghiệp, người dân yêu cầu cơ sở mua sách, tài liệu tập huấn với giá cắt cổ; đồng thời “hăm dọa” nếu không mua tài liệu sẽ bị thanh tra của ngành kiểm tra.
Táo tợn hơn, nhiều đối tượng còn sắm sửa cảnh phục, súng ống đứng trên đường chặn người tham gia giao thông để vòi vĩnh. Số khác liều hơn, mặc thường phục, tự cho mình là cảnh sát hình sự, để cướp trắng trợn hoặc tống tiền người dân.
Không hề có thẻ ngành, giấy giới thiệu nhưng người dân vẫn bị “lòe”, vô tình trở thành con mồi béo bở cho những kẻ giả dạng. Có thể, trong cuộc sống thường nhật, họ đã có lúc va chạm với một bộ phận CBCC, CB-CS chưa có văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp. Tác phong, lời nói, đạo đức của đội ngũ CBCC này chưa chuẩn nên trong tâm thức mỗi người, hình ảnh “người đầy tớ” của dân có khi còn méo mó. Điều này vô tình tạo cơ sở cho niềm tin của người dân vào những trường hợp mạo danh - phản chiếu hình ảnh méo mó trên. Chính trong đội ngũ CBCC, CB-CS còn nhiều người làm việc thật mà như giả đã khiến cho cái giả nảy nở ngang nhiên đến mức… giống như thật!
Việc mạo danh làm ảnh hưởng xấu đến ngành bị mạo danh, xúc phạm đến nhiệm vụ cao quý của các CBCC, CB-CS có lương tâm, đạo đức trong hoạt động công vụ. Nhưng ngoài những lời cảnh báo, khuyến cáo của ngành bị mạo danh về các trường hợp trên như kiểu la làng “tôi bị giả danh”, dường như, các ngành cũng chưa có các cuộc rà soát về thực trạng văn hóa công sở, đạo đức nghề nghiệp của chính cán bộ ngành mình.
Bên cạnh công tác CCHC, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đã đến lúc các ngành cũng cần xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị chân, thiện, mỹ trong các hoạt động của mình; xây dựng các chuẩn mực giao tiếp, ứng xử trong hoạt động công vụ cũng như xây dựng các chuẩn mực trong việc chấp hành pháp luật nhà nước, kỷ cương hành chính, kỷ luật công tác đối với cán bộ trong công sở…
Đi đôi với việc nghiêm trị những kẻ táo tợn giả danh CBCC, CB-CS, cần thẳng thắn phê bình, loại bỏ những “con sâu” - những CBCC, CB-CS sử dụng quyền hạn của mình để làm những việc ngoài bổn phận phục vụ nhân dân; người thật nhưng làm việc không thật trong các ngành. Nếu nước vẫn đục, cò sẽ vẫn béo và tất nhiên, không tránh khỏi những con chim trời thừa cơ hội kiếm ăn.
MẠNH HÒA
Theo SGGP
0 nhận xét