Có những người phụ nữ may mắn được chồng yêu thương dù không hoặc chưa sinh được con. Nhưng đối với gia đình chồng, họ là một gánh nặng; còn đối với bản thân, đó là một nỗi đau không dễ chia sẻ.
Không sinh được con thì khổ...
Chị N.T.H gốc miền Tây lên TP HCM học ĐH và quen anh qua sự giới thiệu của bạn bè. Cảm cô gái nghèo tính tình hiền lành, chịu thương chịu khó, anh đã cưới chị dù mẹ anh không ưng ý lắm. Sau ngày cưới, chị về làm dâu nhà anh ở quận 9 và đi dạy ở quận 1. Ngoài giờ dạy chính thức, chị dạy thêm ở trung tâm đến tận 21 giờ. Cơm nước có mẹ chồng nấu, do đó chị cố gắng làm mọi việc khác trong nhà vì không muốn nghe những lời nói bóng gió của cô em chồng.
Chị có thai ba tháng. Vợ chồng chưa kịp vui thì chị đã bị sẩy thai sau lần trượt chân khi lau cầu thang. Chị đã khóc rất nhiều sau lần làm mẹ hụt ấy nhưng rồi nhờ sự động viên, an ủi của anh, chị đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó.
Thế nhưng từ lần đó đến hai năm sau chị vẫn không thể có thai lại. Gia đình anh gần như không còn kiên nhẫn hơn được, mẹ chồng nói với chị về việc buông tha anh để anh có thể lấy người khác. Trách nhiệm của người con trai duy nhất trong gia đình đè nặng, cộng thêm những lần thụ tinh trong ống nghiệm thất bại khiến anh trở nên trầm tư, ít nói cười. Chị nuốt nước mắt vào trong, ý nghĩ chia tay anh xuất hiện ngày càng thường trực.
Có con là niềm khát khao của nhiều gia đình. Ảnh minh họa |
Cũng rơi vào trường hợp như chị H. nhưng hiện giờ chị T.T.D đã chia tay chồng và đang một mình nuôi con. 18 tuổi, chị D. trót dại với một người. Khi chị biết có thai cũng là lúc anh ta đi lao động ở nước ngoài. Mẹ chị phải giấu khổ đau đùm bọc mẹ con chị. Hai năm sau chị tình cờ gặp anh. Bất chấp sự ngăn cản của gia đình vì chị có con riêng, anh vẫn cưới chị và cùng chăm sóc đứa con trai nhỏ của chị. Đó quả thật là những năm tháng hạnh phúc. Anh yêu thương con trai chị bằng tình thương của một người cha thực thụ. Có điều gia đình anh lại không thế. Họ muốn có đứa cháu ruột thịt, là con của anh sinh ra.
Hôn nhân càng trở nên khó khăn khi cưới nhau nhiều năm mà chị vẫn không có thai được dù bác sĩ nói không có vấn đề gì. Vốn không đồng ý cho anh cưới chị, việc chị không sinh con bị gia đình chồng hiểu lầm do chị sợ anh thương con ruột hơn con riêng của vợ nên không chịu sinh nữa.
Nhìn anh vất vả giải thích, bênh vực mẹ con chị, chị lại thêm đau khổ, thấy có lỗi và mắc nợ anh. Nhưng đòi chia tay thì anh khăng khăng không đồng ý. Năm năm sống trong tình yêu và sự bao bọc của anh, chị mang ơn anh nhiều lắm. Vì vậy, ngày mẹ anh ốm liệt giường, bà cầm tay con trai trăng trối: “Mẹ chỉ có mong muốn duy nhất là con hãy làm sao để có đứa con mang dòng máu của dòng họ mình. Con của người ta, con có yêu thương mấy rồi đến lớn nó cũng tìm về cội nguồn của nó... Con hãy hứa cho mẹ yên tâm nhắm mắt...”. Nhìn anh nước mắt lưng tròng, đau đớn gật đầu với mẹ, chị hiểu mình nên làm gì...
Sau khi lo đám tang và 100 ngày cho mẹ chồng, chị để lại một bức thư cho anh rồi lẳng lặng dắt con ra đi. “Anh có đi tìm nhưng mình cương quyết không đồng ý. Mình không thể để anh mang tiếng bất hiếu. Ba năm rồi, bây giờ anh đã có con với người phụ nữ khác. Thỉnh thoảng anh cùng vợ ghé thăm mẹ con mình... Mình thật sự mừng cho anh...”, chị D. nhẹ nhàng nói.
Bi kịch hơn trường hợp của c H. và D., một người phụ nữ sống ở phố chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội), đã treo cổ tự tử tại nhà riêng với lý do “hy hữu”... không muốn sinh con. Buổi tối ngày 3/7, tại một ngôi nhà trên phố chùa Bộc, su khi đi ăn giỗ ở quê nội ngoài ngoại thành về, anh L. vào nhà, gọi mãi không thấy vợ đâu, lên phòng ngủ trên tầng hai thì đau đớn phát hiện ra vợ mình đã treo cổ tự tử.
Theo lời kể của một người hàng xóm nhà anh L. thì trước khi tự tử chị H. (vợ anh L.) có để lại hai bức thư tuyệt mệnh. Trong những bức thư thấm đẫm nước mắt được chị H. viết ra có đoạn chị viết về nỗi đau đớn, dằn vặt, và quyết định tự tử vì áp lực từ việc sinh con: “Bố mẹ ơi, con không thể sống tiếp trên cõi đời này nữa vì con không dám sinh con. Họ hàng nhà anh L., gia đình nào cũng có một người ngớ ngẩn, con sợ con của con cũng thế nên con không thể sinh em bé được, nếu như thế sẽ khổ cho cả con của con nữa.
Không có em bé, con và anh L. vẫn sống vui vẻ, bình thường nhưng người đời không để chúng con yên. Ai cũng giục, ai cũng hỏi làm con thấy cuộc sống căng thẳng, không thể sống nổi. Chết đi con sẽ thấy vui vẻ hơn, thanh thản hơn là sống mà không có em bé…”.
Được biết cách đây khoảng 3 năm, chị H. cũng đã có lần uống thuốc ngủ tự tử nhưng được một gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời. “Có lẽ do suy nghĩ nhiều quá về sức ép của việc sinh nở nên chị H. không chịu được mà hành động như vậy”, một người thân trong gia đình cho biết.
Lời dị nghị, bàn tán không đúng đôi khi biến thành những con dao vô hình làm cho nhiều cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa ly dị, nhất là những cặp vợ chồng mâu thuẫn về việc có con thì những lời bàn tán “như đổ thêm dầu vào lửa” hậu quả sẽ khó lường.
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn cho rằng: “Với những cặp vợ chồng có trục trặc về việc có con thì nên đưa nhau đi khám và điều trị theo khoa học. Và nhất là nên bình tĩnh, vững vàng, tin tưởng động viên nhau trước những lời đàm tiếu không tốt, để cùng vượt qua”.
Nhiều phụ nữ áp lực với vấn đề con cái. Ảnh minh họa |
... sinh được con cũng không hết khổ
Người xưa có câu “Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” có nghĩa dù của cải có nhiều, cuộc sống sung túc, giàu có, cơ ngơi bề thế cũng không bằng có con gái đầu lòng, vì con gái đầu lòng đỡ đần, đảm đang gánh vác được nhiều công việc, giúp đỡ bố mẹ. Tuy nhiên ngày nay nhiều đức ông chồng tỏ ra hớn hở hơn nếu vợ sinh được con trai đầu lòng. Mặc dù miệng vẫn luôn nói “con nào cũng là con” thế nhưng khi vợ đi siêu âm biết là con gái, không ít các đức ông chán nản bỏ bẵng luôn cả vợ và con.
Cưới chồng được hai tháng thì chị Hiền (Hà Nội) có thai. Cả nhà bên nội bên ngoại đều mừng hớn hở, riêng anh Minh chồng chị thì đi đâu cũng khoe rằng vợ có bầu, nhất định sẽ đẻ được một cậu con đẹp trai như bố nó. Mỗi khi nghe anh nói vậy chị chỉ cười vì nghĩ anh háo con quá nên mới thế.
Rồi ngày đi siêu âm cũng đến, thật ra trong tâm chị thì dù sinh con trai hay gái gì thì cũng là con, chị chỉ mong con khỏe mạnh là vui lắm rồi. Nghĩ thế nào thì làm thế ấy, vừa nhận được kết quả siêu âm chị mang thai bé gái, chị cười vui vẻ bước ra nói với anh: “Con gái anh à! Em bé khỏe mạnh”. Tưởng anh cũng sẽ xuề xòa vui mừng vì con nào cũng con nhưng khác với suy đoán của chị, anh hỏi đi hỏi lại chị đến mấy lần, anh còn đề nghị chị đi khám lại xem phải chính xác không hay do bác sĩ nhầm lẫn.
Những ngày sau đó anh tỏ ra chán chường và chẳng hỏi han quan tâm gì đến chị như trước kia. Mẹ anh thấy vậy cũng khuyên răn con trai: “Mới có đứa đầu, đứa sau đẻ con trai, con gái đầu lòng xưa nay vẫn tốt nhất”. Nghe mẹ nói anh cũng chẳng buồn đáp trả mà lại lầm lũi xách xe đi nhậu với bạn tới say khướt mới về nhà.
Nhiều lần vợ chồng cãi nhau, anh vô lí bảo: “Đẻ con gái thì tự nuôi đi chứ khóc lóc gì?”. Tưởng anh giận dỗi nói thế, không ngờ cả những ngày chị sinh con, anh cũng cư xử như người dưng, không thèm màng tới. Mặc cho mẹ chị và mẹ anh ở bệnh viện, anh chẳng thèm ngó ngàng gì tới chị. Nhìn chồng người ta bồng con, dỗ con chị chỉ biết ứa nước mắt nhìn con mình và thương cho số phận của mình.
Nhiều ông chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với vợ vì không sinh được con trai. Ảnh minh họa |
Còn chị Hiền (Khánh Hòa) thì thảm hơn khi ba lần sinh của chị đều là ba nàng công chúa. Nhà chẳng khá giả gì mấy, vỡ kế hoạch một đứa đã là quá rồi nên mặc dù bị chồng chửi đánh chị vẫn quyết tâm không sinh đẻ gì nữa.
Vậy là từ ngày biết chị đi đặt vòng, chồng chị ra sức chửi bới đánh đập vợ con. Hàng xóm khuyên răng thì anh lớn tiếng lý sự: “Tôi làm gì có con, làm nhiều, lũ con gái mai mốt cưới chồng nó cuốn gói về nhà chồng, chả có nghĩa lý gì”.
Chị Hiền một mình tất tảo nuôi con mà không dám than nửa lời vì những lần nào nói chị đều bị chồng đập phá đồ đạc hoặc đánh đập. Không chỉ đánh vợ, anh còn đánh cả con, hễ việc gì không vừa lòng là anh dùng thắt lưng làm roi quất các con đen đét. Những lúc như thế chị chỉ còn biết ôm con mà khóc và kêu trời. Có lần bố mẹ chị qua khuyên can, nhưng anh con rể “chửi đổng” luôn cả bố mẹ vợ: “Vợ tôi, tôi dạy, không đẻ được con trai tôi chưa đuổi con ông bà ra khỏi nhà là may lắm rồi…”.
Thảm kịch hơn có lẽ phải kể đến trường hợp chính người chồng treo cổ tự tử vì vợ mình không sinh được con trai ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An năm ngoái. Theo lời chị Phan Thị Hà (33 tuổi, vợ anh Nhớ), hai vợ chồng đã có ba cháu gái, cháu út mới sinh được mấy hôm, cuộc sống gia đình không xảy ra mâu thuẫn. Nhưng ngặt một nỗi là anh Nhớ là con trưởng, phía gia đình bên nội mong muốn có một cháu trai nối dõi nên từ khi mang bầu cháu thứ ba hai vợ chống cứ thấp thỏm, áp lực tâm lý đè nặng.
Mặt khác, sau khi sinh cháu thứ hai chồng chị bị đau đầu và có biểu hiện nhẹ về bệnh tâm thần. Gia đình chạy vạy anh em và hàng xóm được khoảng 30 triệu đồng đưa anh đi khám, chữa trị mới khỏi.
Mọi người cho biết, trước khi tự tử anh ngồi hút thuốc lào trong nhà, khi anh bỏ ra khu chăn nuôi phía sau nhà mọi người vẫn cứ tưởng anh đi vệ sinh nên không chú ý. Khoảng 15 phút sau không thấy anh trở lại chị Hà liền cho con gái ra xem tình hình. Nhìn thấy bố treo cổ, con gái sợ hãi hét toáng lên...
Những người sống cạnh chị Hà cho biết, hoàn cảnh gia đình chị rất khó khăn, chồng bệnh tật nên không làm được nhiều, tiền chữa trị vay mượn hàng xóm còn chưa trả xong. Cũng bởi khó khăn mà anh chị vẫn phải ở chung với bố mẹ đẻ.
Những tấn thảm kịch gia đình
Cũng còn tồn tại tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhiều hộ gia đình ở Trung Quốc khốn đốn vì suy nghĩ con trai nối dõi. Ngày 17/11/2010, một tấm thảm kịch xảy ra khi một người mẹ quẳng đứa con do mình dứt ruột đẻ ra mới được 6 tháng tuổi từ tầng ba xuống đất, sau đó người mẹ cũng nhảy lầu tự vẫn.
Hiện trường nơi người phụ nữ vứt con rồi tự tử. Ảnh: Yellow |
Sự việc xảy ra vào khoảng 8h20 sáng tại thôn Hòa Trường Đầu, Bình Sơn thuộc khu Long Cương, Thâm Quyến, Trung Quốc. Bé gái 6 tháng tuổi 5 ngày qua sốt cao liên tục, cơn sốt đó lại lây cả sang người mẹ. Bế đứa con khóc ngặt trên tay, người mẹ này cảm thấy bất lực bèn bế con ra ban công tầng ba và thả cho đứa bé… rơi tự do, ngay sau đó người mẹ này cũng gieo mình tìm đến cái chết.
Xung quanh cái chết đau lòng của hai mẹ con chị Dương, nhiều hàng xóm sống cùng khu này cho rằng rất có thể do chị phải chịu áp lực quá lớn về việc phải sinh con trai nên mới xảy ra cơ sự.
Một người hàng xóm cho hay, từ sau khi sinh đứa bé thứ hai cũng là con gái, chị Dương luôn tỏ ra chán nản, đặc biệt là khi nhìn thấy những bé trai nhà hàng xóm.
Tìm vào nhà hai mẹ con xấu số, phóng viên đã gặp người chị dâu nạn nhân để tìm hiểu nội tình câu chuyện. Anh Hoàng, chồng chị Dương đang đi làm thuê ở Liêu Ninh, khi chị Dương sinh đứa thứ hai anh có về.
Khi phóng viên hỏi chuyện có chuyện nạn nhân cảm thấy áp lực về sinh con trai hay không, người chị dâu im lặng gật đầu. “Cô ấy lúc nào cũng muốn sinh con trai, nhưng đứa đầu tiên là con gái, đành “vỡ kế hoạch” đứa thứ hai, nhưng vẫn là con gái, nhưng gia đình không ai gây áp lực cho Dương cả”, chị dâu nói.
Một chuyên gia thuộc bệnh viện phụ sản Thâm Quyến cho hay mùa thu, đông là thời kì con người dễ sinh trầm cảm, nguy cơ này trở lên lớn hơn với những phụ nữ vừa sinh con.
Theo thống kê, cứ 100 phụ nữ sau khi sinh thì có từ 3 đến 5 trường hợp mắc chứng trầm cảm. Trường hợp của chị Dương là một ví dụ điển hình, đặc biệt là người phụ nữ này lại đang có áp lực tâm lý phải sinh con trai.
Ngay từ lúc mang thai cơ thể và tâm lý người mẹ này đã không thích ứng, cộng thêm việc vắng người chồng bên cạnh trong thời gian khá dài và bệnh tật của con đã làm tình trạng càng trở nên trầm trọng, đỉnh điểm là vụ việc đáng tiếc xảy ra.
0 nhận xét