Trung Quốc sẽ tiếp tục gây căng thẳng trên biển Đông?

Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu mang tên “Cái bóng của Mỹ trên biển Đông”, viết rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình bằng các biện pháp quân sự”.
Nếu quan điểm này được Bắc Kinh chính thức thông qua, nó rõ ràng đi ngược lại với tinh thần và nội dung của DOC. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức phủ nhận quan điểm coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình.
“Lợi ích quốc gia cốt lõi” của Trung Quốc
Diễn biến lớn nhất trên biển Đông là tháng 3/2010, các quan chức cấp cao Trung Quốc nói với các khách mời cấp cao Mỹ rằng Trung Quốc xếp biển Đông vào loại “lợi ích quốc gia cốt lõi” tức là các yêu sách lãnh thổ không thể đàm phán - ngang với Đài Loan và Tây Tạng. Điều này có thể được hiểu là chính quyền Trung Quốc phải bảo vệ các lợi ích quốc gia mới này trên biển Đông bằng mọi giá, kể cả sử dụng vũ lực.
Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu mang tên “Cái bóng của Mỹ trên biển Đông”, viết rằng “Trung Quốc sẽ không bao giờ từ bỏ quyền bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình bằng các biện pháp quân sự”. Nếu quan điểm này được Bắc Kinh chính thức thông qua, nó rõ ràng đi ngược lại với tinh thần và nội dung của DOC. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ chính thức phủ nhận quan điểm coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình.
Một số nhân tố giúp giải thích tại sao Trung Quốc trở lại cách tiếp cận xác quyết trên biển Đông trong những năm gần đây. Đầu tiên, trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc gia tăng sức mạnh của mình, cả về kinh tế và quân sự, tới mức khiến họ có thể tự tin và xác quyết trong các hành xử với bên ngoài, đặc biệt trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới.

Thứ hai, ổn định quan hệ Đại lục - Đài Loan làm chệch hướng các ưu tiên, khả năng và nguồn lực của Trung Quốc cho các vấn đề khác, đặc biệt là vấn đề biển Đông.
Thứ ba, chủ nghĩa dân tộc lớn dần và vai trò cũng như hoạt động ngày càng gia tăng của PLA và cuộc cạnh tranh của các nhóm lợi ích (các cơ quan hành pháp, các tập đoàn năng lượng) làm phức tạp thêm tiến trình hoạch định và thực thi chính sách của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông.

Thứ tư, các hành động của các bên đòi chủ quyền khác buộc Trung Quốc phải phản ứng dữ dội. Thứ năm, thiếu cơ chế hiệu quả trong xử lý tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là trong việc điều chỉnh cách ứng xử của các bên, trong đó có Trung Quốc.
ASEAN lo ngại, Mỹ can thiệp, Trung Quốc hạ giọng
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc trên biển Đông trong những năm qua khiến các nước ASEAN lo ngại và tạo cơ hội cho Mỹ “trở lại” châu Á. Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 ở Hà Nội tháng 7/2010, các Bộ trưởng “ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông”, “khẳng định tầm quan trọng của DOC”, “nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực nhằm đảm bảo thực thi hiệu quả Tuyên bố này” và “hướng tới hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC)”.
Các Bộ trưởng ASEAN cũng giao nhiệm vụ cho Các quan chức cấp cao ASEAN phối hợp chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc nhằm triệu tập lại hội nghị SOM ASEAN - Trung Quốc về thực thi DOC trong thời gian sớm nhất. Đáp lại, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nhất trí thực thi DOC nhưng tuyên bố rằng hội nghị SOM Trung Quốc - ASEAN về DOC sẽ được tổ chức vào “một thời điểm thích hợp”.
Tại Diễn đàn Khu vực châu Á (ARF) lần thứ 17 ngày 23/7/2010, 13 ngoại trưởng (trong đó có 5 người đến từ các quốc gia ASEAN) nêu ra vấn đề biển Đông và ủng hộ DOC giữa ASEAN - Trung Quốc. Lần đầu tiên ở cấp này trong một cuộc họp chính thức, Ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton đọc một tuyên bố dài về quan điểm của Mỹ đối với các vấn đề biển Đông. Bà nói rằng Mỹ có một lợi ích quốc gia về tự do hàng hải, tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông.

Bà Clinton cho biết Mỹ ủng hộ một tiến trình ngoại giao phối hợp, ủng hộ DOC ASEAN - Trung Quốc 2002, khuyến khích các bên đạt thỏa thuận về một COC và “sẵn sàng tạo điều kiện” cho các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với DOC.
Đáp lại, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nhấn mạnh khả năng DOC tăng cường niềm tin lẫn nhau và tạo các điều kiện thuận lợi và môi trường tốt để đạt giải pháp cuối cùng cho các tranh chấp.

Nhưng ông cũng nhấn mạnh không nên quốc tế hóa các vấn đề biển Đông, không nên coi DOC như giữa một bên là Trung Quốc với bên kia là toàn thể ASEAN và các tranh chấp nên được giải quyết trên cơ sở song phương, không phải đa phương. Ông cũng chỉ ra rằng có các cuộc tham vấn JWG về DOC và “khi điều kiện cho phép” một SOM có thể được tổ chức. Một tài liệu được công bố ngay sau hội nghị ARF-17 trên website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng các nhận xét của bà Clinton trên thực tế “là một sự công kích Trung Quốc”.
Tương tự như tình huống trong giai đoạn cuối của cuộc đàm phán COC/DOC nói trên, sự can thiệp của Mỹ vào biển Đông và tăng cường hợp tác với các nước ASEAN có thể làm ảnh hưởng tới các tính toán của Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc tập trung tránh để vấn đề biển Đông bị đa phương hóa và quốc tế hóa, đặc biệt tránh sự can thiệp của Mỹ.

Tháng 7/2010, đáp lại nhận xét của bà Clinton tại ARF-17 ở Hà Nội, Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo rằng đa phương hóa hay quốc tế hóa vấn đề biển Đông sẽ “chỉ làm vấn đề tệ hơn và khó tiến tới giải pháp”. Tháng 9/2010, Trung Quốc cũng cố tránh để Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Mỹ thảo luận về các vấn đề biển Đông khi tuyên bố phản đối các đề xuất của Mỹ về biển Đông.
Tuyên bố của bà Clinton và sự đáp trả của một số nước khác làm dấy lên một cuộc tranh luận bên trong Trung Quốc về việc liệu có khôn ngoan hay không khi đòi coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Trong một bài báo trên tờ Nhân dân nhật báo số ra ngày 27/8/2010, một số chiến lược gia và học giả Trung Quốc cho rằng việc đưa biển Đông vào hàng các lợi ích quốc gia cốt lõi của Trung Quốc “không phải là một hành động khôn khéo”, ít nhất vào thời điểm hiện nay. Họ cho rằng yêu sách này sẽ “khiến Mỹ lo lắng và tức giận” và có thể “gây ra sự tức giận ở các nước láng giềng với Trung Quốc”. Đòi hỏi này có thể “tạo điều kiện cho Mỹ đưa tàu sân bay tới gần Trung Quốc và coi vấn đề khu vực (biển Đông) là một vấn đề quốc tế để củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ và sự hiện diện về kinh tế và quân sự của họ tại Đông Á”. Một số người thậm chí còn thừa nhận rằng “yêu sách này không phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Ngày 27/7/2010, Thời báo Hoàn cầu viết: “việc công khai tuyên bố ý định của Trung Quốc (trên biển Đông) và làm các nước khác lo ngại là một thách thức đối với Trung Quốc trong tương lai. Là quốc gia lớn nhất trong khu vực, Trung Quốc có trách nhiệm giảm bất đồng và xây dựng một sự đồng thuận”.

Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 3/10/2010 cũng cho rằng “Trung Quốc cần cân nhắc lùi lại một chút” trong vấn đề lãnh thổ (ở biển Hoa Đông và biển Đông) nếu muốn duy trì sự phát triển mạnh ở Đông Á mà không cho phép Mỹ can thiệp vào công việc của khu vực. “Điều Trung Quốc cần làm không đơn giản là cứng rắn hơn, mà nên nỗ lực tìm một giải pháp thực tế để chấm dứt các tranh chấp”. Nếu điều này khó hoàn thành, Trung Quốc ít nhất nên cố gắng tránh tạo ra một tình huống nuôi dưỡng các lợi ích của Mỹ hơn các lợi ích của châu Á”. Bài báo viết Trung Quốc phải ý thức được thực tế là các đảo tranh chấp “không thể lấy lại được trong một thời gian ngắn”.
Nói đến các nỗ lực ngày càng tăng nhằm duy trì hòa bình trong khu vực, trong một cuộc họp báo tại Manila cuối tháng 9/2010, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu cho biết Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á khởi động các cuộc thảo luận cấp chuyên viên nhằm “soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử”. “Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với các bên khác liên quan đến tài liệu này” và hiện “hoan nghênh mọi mô hình và sáng kiến khác nhau nhằm duy trì hòa bình, thịnh vượng và ổn định trong khu vực”.
Tại diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng châu Á (ADMM+) ở Hà Nội tháng 10/2010, dù vấn đề biển Đông không nằm trong chương trình nghị sự chính thức nhưng các đại diện của 7 quốc gia nêu vấn đề làm thế nào đảm bảo an ninh hàng hải cho tất cả các nước xung quanh biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates nhắc lại các bình luận của bà Clinton tại ARF hồi tháng 7, rằng các yêu sách ngược nhau trên biển Đông nên được “giải quyết hòa bình, không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua các tiến trình ngoại giao phối hợp và phù hợp với luật pháp quốc tế”. Ông nói: “Mỹ có một lợi ích quốc gia về tự do hàng hải; tự do phát triển kinh tế và thương mại; và tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Khác với phản ứng của ông Dương Khiết Trì tại ARF-17, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt kêu gọi “tin tưởng lẫn nhau” trong toàn khu vực. Ông nói các nước láng giềng không nên lo ngại về quân đội Trung Quốc. “Trung Quốc theo đuổi một chính sách quốc phòng mang bản chất phòng thủ. Sự phát triển quốc phòng của Trung Quốc không nhằm thách thức hay đe dọa ai, mà để dảm bảo an ninh và thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực và quốc tế”. Ông cũng không nhắc tới biển Đông như một khu vực thuộc “lợi ích cốt lõi”.
Theo Kế hoạch hành động để thực thi Tuyên bố chung về đối tác chiến lược Trung Quốc - ASEAN vì Hòa bình và Thịnh vượng (2011-2015), công bố sau hội nghị cấp cao Trung Quốc - ASEAN tháng 11/2010 tại Hà Nội, Trung Quốc cam kết phối hợp với ASEAN “thúc đẩy thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC tại biển Đông” và “hướng tới ký kết... một bộ quy tắc ứng xử tại biển Đông”.
Ngày 4/11/2010, trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Hồ Chánh Dược nói Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một khái niệm an ninh mới, theo đó Trung Quốc vẫn cam kết đóng “một vai trò xây dựng” trong xử lý các vấn đề quan trọng của khu vực và quốc tế, bao gồm giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ và quyền trên biển thông qua các cuộc đàm phán thân thiện với các nước láng giềng.
Việc Trung Quốc hạ giọng trên mặt trận ngoại giao dường như phù hợp một phần với các hoạt động của họ trên biển thời gian gần đây. Ngay trước ADMM+ tại Hà Nội tháng 10, sau một loạt các phản đối ngoại giao của phía Việt Nam, Trung Quốc thông báo với Việt Nam rằng sẽ thả vô điều kiện thuyền trưởng và 9 thuyền viên bị bắt giữ gần quần đảo Hoàng Sa hơn một tháng trước đó. Ngày 17/8, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Scher phát biểu trong một cuộc họp báo tại Hà Nội rằng Lầu Năm Góc không thấy có bất cứ sự hăm dọa nào “gần đây” của các công ty dầu khí Trung Quốc hoạt động tại biển Đông.
Chu kỳ căng thẳng mới?
Tuy nhiên, câu hỏi vẫn là liệu Trung Quốc hạ giọng trong những tháng gần đây sau ARF-17 có phản ánh sự thay đổi chính sách hay chỉ là các chiến lược đối phó với vấn đề biển Đông. Diễn biến gần đây nhất xảy ra ngày 2/11/2010, khi Hải quân Trung Quốc tập trận trong khu vực đang tranh chấp biển Đông với sự tham gia của 1.800 binh lính và hơn 100 tàu nổi, tàu ngầm và máy bay có sử dụng đạn thật. Li Jie, một chuyên gia hải quân ở Bắc Kinh, phủ nhận rằng đây không phải là dấu hiệu đặc biệt. Ông nói: “Một số quốc gia khác vào biển Đông những năm gần đây để tiến hành các cuộc tập trận chung với các nước láng giềng của chúng tôi, vì vậy đây là lúc chúng tôi phản đối sự can thiệp này”.
Chính sách chưa từng thấy trên của Trung Quốc đối với biển Đông cũng một phần phản ánh trên bàn thương lượng về thực thi DOC. Tại các cuộc họp lần thứ 5 của JWG ASEAN - Trung Quốc tại Côn Minh (Trung Quốc) tháng 12/2010, Trung Quốc chỉ rút lui quan điểm song phương với việc đề nghị bỏ điều 2 trong bản Hướng dẫn và coi bản Hướng dẫn này là chỉ dẫn các nguyên tắc thực thi chỉ đối với “các hoạt động hợp tác chung nhất trí có nêu trong DOC”, chứ không thực thi với toàn bộ Tuyên bố. Trung Quốc từ chối tổ chức SOM Trung Quốc - ASEAN về thực thi DOC, lập luận rằng SOM này không thể diễn ra trước khi JWG đạt đồng thuận về bản Hướng dẫn.
Các sự cố gần đây nhất cho thấy cách tiếp cận liên tục xác quyết của Trung Quốc trong các tranh chấp ở biển Đông. Ngày 2/3/2011, hai tàu tuần tra Trung Quốc quấy rối tàu thăm dò địa chất của công ty Energy Forum đang thực hiện hợp đồng với Chính phủ Philippines khai thác mỏ dầu nằm bên trong Bãi Cỏ rong, cách Palawan 80 hải lý về phía Tây. Chính quyền của ông Aquino phản đối ít nhất 6 sự cố, trong đó có sự cố Bãi Cỏ rong, cáo buộc Trung Quốc xâm phạm các vùng biển nằm trong EEZ rộng 200 hải lý của Philippines.
Các sự cố nghiêm trọng khác liên quan đến báo cáo của quân đội Philippines tháng 6/2011, rằng một tàu hải giám của Trung Quốc và nhiều tàu hải quân thả vật liệu xây dựng và cột trụ ở gần Iroquois Reef và Amy Douglas Bank - một quả đồi dưới mực nước biển không có người sống mà Philppines đòi chủ quyền, nằm cách tỉnh Palawan 230 km về phía Tây Nam. Nếu báo cáo này là đúng, rõ ràng Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng DOC: điều 5 của văn bản này quy định “Các bên kiềm chế các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình hay làm leo thang tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định, trong đó có việc không đưa người đến sinh sống tại các đảo, bãi đá, bãi cát ngầm, đảo thấp nhỏ và các hình thái địa chất khác vốn không có người sinh sống và giải quyết các bất đồng một cách mang tính xây dựng”.
Ngày 26/5/2011, một sự cố khác, lần này là giữa Trung Quốc với Việt Nam, diễn ra trong một khu vực chỉ cách bờ biển miền Trung của Việt Nam 80 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ba tàu tuần tra Trung Quốc gây rối tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 02 của Việt Nam trên biển Đông, phá hoại thiết bị và cảnh báo tàu này vi phạm lãnh hải Trung Quốc.
Sự cố tương tự xảy ra ngày 9/6/2011, khi một tàu cá Trung Quốc, với sự hỗ trợ của các tàu tuần tra đánh cá Trung Quốc, cắt cáp thăm dò của tàu Viking II của Việt Nam khi đang tiến hành thăm dò địa chất tại khu 136-03, nằm trong EEZ 200 hải lý của Việt Nam và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 622 hải lý. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: “Các hành động này cho thấy Trung Quốc muốn biến các khu vực không có tranh chấp thành các khu vực tranh chấp”. Sự cố tàu Viking II diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đảm bảo với các nước láng giềng tại Đối thoại Sangri-la rằng Trung Quốc không đe dọa các nước khác.
Kết luận
Là nước mạnh nhất, Trung Quốc tạo không khí cho tranh chấp trên biển Đông. Chính vì Bắc Kinh có một quan điểm bớt cứng rắn hơn trong các tranh chấp trên biển Đông, nên DOC giữa Trung Quốc và ASEAN được ký kết năm 2002. Một chính sách tương đối “mềm hơn” của Trung Quốc về biển Đông có thể xuất phát từ một số yếu tố như: i) sự đồng thuận và đoàn kết của ASEAN; ii) gia tăng cam kết của các lực lượng nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, trong vấn đề biển Đông; và iii) Trung Quốc cần tạo một hình ảnh tốt và thúc đẩy quan hệ với các nước khác trong khu vực.
Từ năm 2007, vì Bắc Kinh thay đổi chính sách về vấn đề biển Đông theo hướng xác quyết hơn, nên tình hình căng thẳng trở lại, tạo cơ hội cho Mỹ can thiệp vào các vấn đề này và củng cố vai trò của họ trong khu vực. Những tháng cuối năm 2010, Bắc Kinh giảm tông trong các vấn đề này nhằm trấn an các nước láng giềng và lấy lại một phần hình ảnh của mình trong khu vực.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc hạ giọng trong thời gian qua chỉ phản ánh các chiến thuật trong xử lý vấn đề biển Đông. Trong tương lai gần, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi quan điểm xác quyết trong ứng xử với các nước nhỏ hơn cũng đòi chủ quyền trong tranh chấp trên biển Đông.
Để thúc đẩy an ninh và hợp tác trong khu vực, Trung Quốc và ASEAN nên thực thi đầy đủ DOC và Bắc Kinh nên chấp nhận một COC khu vực mang tính ràng buộc pháp lý, đảm bảo các nước nhỏ hơn không bị đe dọa và để họ tin tưởng hơn trong việc thúc đẩy hợp tác trên biển Đông.
Theo VietnamWeek
 

Tags: , , , , , ,
Tin thoi su, blog thoi su

Blog Thời Sự

Blog Thời Sự cập nhật và tổng hợp các tin tức thời sự trong nước và quốc tế nóng bỏng từ các trang tin điện tử Việt Nam và quốc tế uy tín. BTS mong muốn làm cầu nối chuyển tải đến bạn đọc những bài bình luận sâu sắc và đa chiều về các sự kiện chính trị, quân sự, kinh tế xã hội đang được đông đảo bạn đọc quan tâm.

0 nhận xét

Nhận xét, bình luận về bài viết

Bạn đọc có thể để lại bình luận, nhận định về bài viết, hình ảnh, clip được đăng trên Blog Thời Sự ngay phía dưới bài viết.

Quy Định Về Nhận Xét Trên Blog Thời Sự:
1. Chọn kiểu tư cách bạn đọc:
Bạn có thể sử dụng tài khoản Google(Gmail), Wordpress, LiveJournal, TypePad...để bình luận. Nếu không có các tài khoản trên, bạn đọc nên sử dụng kiểu Tên/ Url với phần Url có thể bỏ trống.
* Không dùng tên hoặc nickname tương tự như Admin, Mod, BQT,... để bình luận.
2. Nội dung bình luận:
* Blog Thời Sự khuyên bạn đọc nên sử dụng tiếng Việt có dấu khi bình luận để tránh gây hiểu nhầm.
* Không bàn về các vấn đề nhạy cảm, không phù hợp với văn hóa người Việt và pháp luật Việt Nam.
* BQT có thể xóa bất cứ comment nào nếu thấy comment đó không phù hợp mà không cần phải thông báo

3. Theo dõi nhận xét của bạn:
Nếu muốn theo dõi xem có ai trả lời hay phản bác nhận xét của bạn trên Blog Thời Sự hay không, bạn có thể click vào "Đăng ký qua email" để đăng ký. Khi có nhận xét mới ở dưới bình luận của bạn về bài viết này, Blog Thời Sự sẽ gửi thư thông báo đến bạn.
4. Bạn đọc muốn tài trợ cho Blog Thời Sự hoặc góp ý (phản hồi) về các vấn đề không liên quan đến nội dung bài viết vui lòng liên hệ với BQT Blog Thời Sự tại đây.
Chúc bạn đọc vui vẻ.
Trân trọng!
BQT Blog Thời Sự

blog thoi su, tin thoisu, tin nhanh thoi su, thoi su quoc te, thoi su 24 gio, the gioi 24 gio, chien tranh bien dong, tranh chap bien dong, chien tranh trung dong, tin tuc trong ngay,

tin trong ngay moi nhat, tin quoc te, tin vietnam, bbc vietnamese, reuters vietnamese, afp vietnamese, thoisu.com, tin moi cap nhat, binh luan da chieu, thoi su 24h, tin multimedia