Trẻ bị xâm hại tình dục thường rơi vào tình cảnh “không còn gì để mất”. Nếu gia đình và xã hội không quan tâm giúp trẻ lấy lại cân bằng thì dễ đẩy các em vào cuộc sống sa ngã
Anh Phạm Sỹ, chuyên viên tâm lý Trung tâm Nhịp cầu Hạnh Phúc (quận Bình Thạnh – TPHCM, nơi tiếp nhận điều trị tâm lý, giúp đỡ tái hòa nhập và nuôi dưỡng các bé gái bị xâm hại tình dục), lật lại hồ sơ những trẻ vừa được trung tâm đưa về điều trị rồi chua xót: “Tất cả đều phải chịu những nỗi đau dai dẳng”.
Rối loạn hành vi, tâm thần
Anh Sỹ cho biết ngoài việc phải chịu đau đớn và những tổn thương về sức khỏe, các bé gái bị xâm hại tình dục thường có những biểu hiện rối loạn về hành vi cũng như tâm thần từ nhẹ đến nặng. Các em thường bị ám ảnh khôn nguôi, có cảm giác sợ hãi, lo lắng, hoang mang tột độ trước người khác giới hoặc trước những vấn đề liên quan đến tình dục. Có em lại mang nặng mặc cảm tội lỗi và thường tự đổ tội bản thân, rối loạn về ứng xử cũng như khả năng học tập ở trường với biểu hiện là co mình lại, không tham gia các hoạt động đoàn thể hay xã hội, tính cách dễ bùng nổ...
Chuyên viên tâm lý Trung tâm Nhịp cầu Hạnh Phúc tư vấn cho trẻ bị xâm hại tình dục
“Chúng tôi từng chứng kiến các em sống bất cần, lầm lũi và rất khó gần. Các em thường có cảm giác tuyệt vọng, tức giận, đôi khi có những hành động làm tổn thương chính bản thân mình, hủy hoại cơ thể, thậm chí có em còn có ý định tự tử”- anh Sỹ lo ngại.
Anh Sỹ cho rằng điều cần kíp mà mọi người cần phải làm là chung tay nâng đỡ trẻ bị xâm hại tình dục vươn dậy. “Những hậu quả của lạm dụng tình dục có thể kéo dài nhiều năm sau này, ảnh hưởng đến tuổi trưởng thành của các em. Những trẻ bị xâm hại thường có biểu hiện trầm cảm và sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống tình dục sau này”- anh Sỹ phân tích.
Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng trẻ bị xâm hại tình dục thường rơi vào tình cảnh “không còn gì để mất”. Nếu gia đình và xã hội không quan tâm giúp trẻ lấy lại cân bằng thì dễ đẩy các em vào cuộc sống sa ngã.
Gia đình là lá chắn
Trong những lần đến gặp gỡ các bé gái bị xâm hại tình dục ở nhiều nơi, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy nhiều em vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra với mình. Có em ngây ngô nói với tôi: “Ông ấy làm vậy có sao đâu cô”. Chính gia đình trẻ bị xâm hại, do thiếu hiểu biết về pháp luật cũng như lo sợ những hệ lụy sẽ xảy đến với con em mình, đã thỏa thuận với kẻ gây ra tội lỗi, chấp nhận mức bồi thường và cho qua chuyện.
Chúng tôi không khỏi bức xúc khi biết chuyện vợ chồng chị N.T.L (ngụ huyện Củ Chi - TPHCM), có con là nạn nhân của một vụ xâm hại tình dục, đã đồng ý nhận tiền bồi thường của người đàn ông hãm hiếp con gái mới 12 tuổi của mình chỉ với 20 triệu đồng để giải quyết bớt các khoản nợ nần. Không lâu sau, chị L. lại cho con đi lấy chồng ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Mặc cho hàng xóm chê trách, chị cứ thản nhiên: “Trước sau nó cũng lấy chồng. Nó đã bị vậy, lấy chồng được là mừng lắm rồi”!
Điều mà chúng tôi bị ám ảnh, day dứt mãi là nếu các bé gái bị chính người thân trong gia đình làm hại thì ai sẽ là người đứng ra bảo vệ các em? Câu hỏi ấy được chúng tôi đặt ra trong nhiều trường hợp và cuối cùng đáp án vẫn là: Để sự việc cứ diễn ra tự nhiên. Nghĩa là, nếu các em bị chính người thân hãm hại mà gia đình không đứng ra tố cáo, làm nhân chứng, không ai bắt quả tang hoặc thậm chí nạn nhân can đảm lên tiếng, mọi việc cũng chẳng đi tới đâu. Đa số các vụ đều rơi vào quên lãng vì không đủ chứng cứ buộc tội.
Theo anh Phạm Sỹ, cách hữu hiệu là người thân, nhất là cha mẹ, phải dạy trẻ cách tự vệ, giúp các em nhận thức được rằng xâm hại tình dục là tội ác, là hành vi vi phạm pháp luật. “Nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục không phải là người có lỗi trong bất cứ trường hợp nào. Trẻ cần phải bày tỏ thái độ kiên quyết trước những hành động xâm hại ngay từ những biểu hiện ban đầu. Người thân cũng nên cho trẻ biết rằng các em luôn được pháp luật bảo vệ” – anh Sỹ đề nghị.
Nhiều trường hợp trẻ bị xâm hại có nguyên nhân do thiếu sự quan tâm của gia đình nên gia đình phải là lá chắn cho các em. Không nên tạo điều kiện thuận lợi cho những hành động xâm hại tình dục, dạy trẻ nói “không” với những lời rủ rê, những môi trường xấu có thể dẫn tới tai vạ. Cha mẹ phải dạy để các em không vì lời hăm dọa hoặc đã bị cưỡng đoạt mà sợ hãi…
“Nhiều phụ huynh gọi điện đến xin tư vấn, cho rằng họ rất ngại nói về các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể cho trẻ hiểu. Chúng tôi nghĩ đó là suy nghĩ chưa đúng. Chúng ta cần chỉ cho trẻ một số cách để phòng vệ khi cần thiết. Cha mẹ phải thường xuyên gần gũi, quan tâm đến con để các em có thể chia sẻ mọi chuyện, nhất là khi có những việc bất thường xảy ra” – anh Sỹ khuyên.
Trẻ bị xâm hại ngày càng nhỏ tuổi Theo thống kê của Cục Tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB-XH, trẻ bị xâm hại tình dục ngày càng có xu hướng tăng nhanh và độ tuổi ngày càng thấp. Năm 2005, cả nước chỉ có trên 200 em bị xâm hại được ghi nhận nhưng đến năm 2008, con số này đã tăng gấp hơn 7 lần, lên đến 1.427 em. Trong đó, tỉ lệ trẻ bị hiếp dâm chiếm cao nhất với 62%, bị giao cấu 15%, bị dâm ô 13%... Theo đánh giá của Cục Tệ nạn xã hội, trong thực tế, số trẻ bị xâm hại còn cao hơn nhiều do gia đình nạn nhân che giấu vì mặc cảm hoặc sự quản lý lỏng lẻo của địa phương. Theo một kết quả khảo sát mới đây, khu vực ĐBSCL có số vụ trẻ bị xâm hại tình dục cao nhất cả nước. Từ năm 2009 đến tháng 6-2010, số trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại chiếm 13,5%, từ 6 đến dưới 13 tuổi 37,2%, từ 13 đến 16 tuổi 49,3%... |
Bài và ảnh: THU HỒNG
Theo NLĐ
0 nhận xét