Trong khi nhiều học sinh thấy chán ngán học sử vì môn học nhiều chi tiết thì Trần Hoàng Hạnh (ảnh), học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) lại thích và xem môn sử như một người bạn. “Người bạn già” lâu năm vừa giúp Hạnh giành ngôi vị thủ khoa khối C vào Trường ĐH Luật TPHCM với 25 điểm, trong đó môn sử được 8,5 điểm.
- Từ một lần thi trượt
Ít ai ngờ cơ duyên đưa Hạnh gặp “người bạn già” lại bắt đầu từ một lần… thi trượt. Những năm học cấp 2, vốn là một học sinh giỏi toàn diện, sở thích và điểm số có phần thiên về các môn tự nhiên hơn xã hội nên Hạnh chọn thi vào đội tuyển học sinh giỏi môn lý để thử sức. Cô bé có tư duy phân tích, ít học bài làm nhiều thầy cô, bè bạn bất ngờ khi trượt ngay vòng loại vào đội tuyển. Buồn vì thất bại nhưng cô học trò giỏi vẫn tiếp tục thử sức mình. Được thầy cô động viên, Hạnh làm liều thi vào đội tuyển sử. “Em đã khám phá ra niềm đam mê thật sự của mình khi bắt đầu học chuyên sâu về lịch sử Việt Nam. Em quyết định bắt đầu hướng đi mới từ lúc này”, Hạnh nhớ lại.
Đó là năm học lớp 9, không chỉ xuất sắc giành luôn giải nhì học sinh giỏi môn sử cấp TP, Hạnh thẳng tiến vào lớp chuyên sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Hạnh cho biết: “Lúc mới vào ban xã hội, em thấy buồn vì cả lớp chuyên sử chỉ vỏn vẹn có 9 bạn chọn sử, nếu cộng thêm cả 10 bạn học chuyên địa lý nữa thì cả ban xã hội cũng chưa bằng sĩ số một lớp thông thường. Nhiều bạn nói chán học sử vì phải học bài nhiều trong khi càng học em càng thấy thích”.
Khi các bạn cùng trang lứa dần xa lánh môn sử khó nuốt thì Hạnh bắt đầu lao vào tìm hiểu những ngóc ngách của lịch sử, tìm bí quyết riêng cho mình để nắm bắt bài học thật nhanh, thật sâu. Với Hoàng Hạnh, học lịch sử cũng như chơi với một người bạn, cần được thấu hiểu chứ không chỉ có học thuộc lòng, người học phải tiếp cận vào trọng tâm của từng sự kiện và sâu chuỗi tất cả những dữ kiện thành một trang sử dài hào hùng của dân tộc.
Đến với môn sử cũng có những rào cản mà em phải vượt qua: Nhiều người định kiến môn xã hội khó chọn ngành nghề, khó tiến thân và khuyên em nên tìm hướng đi khác. Ban đầu, chính em cũng có chút lo lắng con đường về sau nhưng suy cho cùng có thích, có đam mê thì mới học tốt, làm tốt được. Vậy là em quyết định rẽ sang học chuyên môn xã hội.
- Học bằng đam mê
Bất chấp bạn bè ghẹo học xã hội là đem tâm hồn treo ngược cành cây, càng tìm hiểu sâu, cô học trò nhỏ càng đam mê học sử. Là con gái đầu trong nhà, Hạnh chứng tỏ bản lĩnh của bà chị cả bằng cách theo đuổi đến cùng sở thích. Cô bé Hạnh bắt đầu “treo ngược tâm hồn”… trên các website về lịch sử. Mỗi khi rảnh, Hạnh lại tìm mượn những quyển sách có liên quan đến lịch sử để đọc, rồi ghi chép theo cách riêng của mình cho dễ nhớ.
Hạnh nói: “Thật ra học sử không khó như các bạn vẫn sợ, không đòi hỏi phải học thuộc bài mà chỉ cần hiểu. Tuy nhiên, do đặc thù của lịch sử nhiều chi tiết nên vẫn đòi hỏi người học phải có trí nhớ tốt. Lịch sử có vẻ khô khan với chỉ những sự kiện rời rạc, nhưng nếu biết cách học sẽ thấy tất cả sự kiện đều có liên quan với nhau. Chìa khóa dễ nhất để mở cánh cửa quá khứ rất dài của dân tộc chính là nhớ và hiểu theo cả giai đoạn lịch sử”.
Bí quyết mà Hạnh gối đầu giường chính là không học bài như vẹt, tận dụng lợi thế tư duy phân tích, tổng hợp vấn đề để học sử. Với cách học này, trong 3 năm học phổ thông, Hạnh rinh về nhà kha khá những giải thưởng học sinh giỏi: 3 lần chiến thắng ở giải thành phố, rồi giải ba, giải nhì ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia… càng là động lực để em theo đuổi niềm đam mê với môn học xã hội. Học xã hội nhưng chưa bao giờ bỏ quên các môn tự nhiên, kỳ thi tốt nghiệp vừa rồi, Hạnh giữ phong độ với kết quả tốt nghiệp loại giỏi ở tất cả 6 môn.
Lựa chọn ngành luật là con đường phấn đấu cho tương lai, Hạnh bắt đầu tập cho mình thói quen phản biện trước những vấn đề của cuộc sống. Chuyện mà Hạnh trăn trở đầu tiên chính là thiệt thòi của người theo đuổi môn xã hội khi vẫn phải học chay.
Hạnh phân tích: Lịch sử rất hay nhưng đã là chuyện quá khứ. Để giúp các bạn trẻ học tốt trước nhất phải để cho người học “yêu” lịch sử, phải thấy hay, học mới hiểu và nhớ lâu. Những tiết học xã hội cần được truyền đạt sinh động hơn, nên có những đoạn phim ngắn, hình ảnh tư liệu để người học được học bằng mắt, trực quan sinh động vẫn dễ ngấm hơn.
Đạt nhiều thành tích môn lịch sử và giành vị trí thủ khoa đầu vào của một trường đại học lớn nhưng cô học trò miền Trung vẫn khiêm tốn: Em chủ yếu là học vững trong sách giáo khoa vì đó là kiến thức căn bản nhất. Các bạn có thể kết hợp thêm sách tham khảo nhưng phải biết chọn lọc sách phù hợp…
Học sinh dân tộc Churu đầu tiên đậu thủ khoa đại học Đó là em Mơ U Ma Hiêng, sinh năm 1993, ở thôn K’Long Bong, xã Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng). Trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường Đại học Đà Lạt năm 2011, Ma Hiêng đạt tổng số điểm 3 môn thi là 23 điểm, đậu thủ khoa khối C (ngành sư phạm ngữ văn).
Mồ côi bố từ khi còn trong bụng mẹ, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng Ma Hiêng đã vượt khó và đạt thành tích đáng nể trong học tập, liên tục 12 năm học phổ thông, Ma Hiêng đạt danh hiệu học sinh giỏi và tiên tiến. Ngoài ra, Ma Hiêng còn đoạt giải khuyến khích môn Ngữ văn trong Hội thi văn hóa - thể thao các trường phổ thông dân tộc nội trú toàn quốc năm 2010; giải 3 môn Lịch sử trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Lâm Đồng năm 2011. Không những học giỏi, Ma Hiêng còn rất chăm chỉ lao động để phụ giúp gia đình. Ngay cả trong thời điểm chờ kết quả thi đại học, Ma Hiêng cũng lặn lội xuống xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) hái đậu thuê để kiếm tiền trang trải một phần chi phí học tập. NAM VIÊN |
TIÊU HÀ
Theo SGGP
Bạn đọc BlogThoiSu có thể tra cứu điểm thi ngay dưới đây hoặc vào đây để xem điểm thi.
Nguồn: NLĐ online
Tags: diem thi dai hoc 2011, xem diem thi dai hoc cao dang 2011, ket qua diem thi dai hoc 2011, tra cuu diem thi dai hoc 2011, xem diem thi dai hoc cao dang moi cap nhat
0 nhận xét