Không dừng ở điểm trung chuyển du khách, TPHCM còn muốn giữ chân du khách ở lại lâu hơn. Do đó, TPHCM đang đẩy mạnh đầu tư, khai thác du lịch đường sông.
Tiềm năng
Với nhiều lợi thế, TPHCM thật sự là một điểm đến quan trọng thu hút đông lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan. Lượng khách quốc tế đến TPHCM chiếm khoảng 60% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài địa đạo Củ Chi, rừng Sác Cần Giờ, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Trung tâm TP, chợ Bến Thành, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh…, du lịch TP còn gì khác? Đây là câu hỏi đặt ra cho ngành du lịch TP trong nhiều năm qua. Quả thật, sản phẩm du lịch tại TPHCM, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có những điểm đến nêu trên, chưa tạo được nhiều cái mới để thay đổi món ăn tinh thần cho du khách. Đây cũng là thực tế vì sao du lịch TPHCM chỉ mạnh ở điểm trung chuyển, chưa giữ chân du khách ở lại lâu hơn.
Du thuyền quốc tế đến TPHCM phải quá giang qua cảng hàng hóa. |
Trên tinh thần đó, ngành du lịch TPHCM đang tính đến việc tạo ra sản phẩm du lịch mới cho du khách. Sở hữu sông Sài Gòn tuyệt đẹp, có giá trị cao về kinh tế nên các doanh nghiệp lữ hành và những người tâm huyết với du lịch TP đều cho rằng, TPHCM đang có lợi thế lớn để phát triển du lịch đường sông. Sản phẩm du lịch được rất nhiều thành phố trên thế giới đã khai thác thành công. Và hơn thế nữa, TPHCM đang sở hữu Khu dự trữ sinh quyển thế giới, rừng ngập mặn Cần Giờ, sự kết hợp du lịch đường sông với du lịch sinh thái ngay ở thành phố hiện đại này là một lợi thế lớn cho du lịch TPHCM.
Không cần phải xuống tận ĐBSCL, ngay tại TPHCM du khách cũng có thể khám phá được du lịch sông nước, điểm nhấn khá riêng của vùng đất Sài thành.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, TPHCM đang nâng chất, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao. Tận dụng thế mạnh hiện có, TPHCM đã đẩy mạnh khai thác thị trường khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo), du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm, khám chữa bệnh. Ngoài ra, TP cũng đang chú trọng phát triển du lịch thiên nhiên và du lịch đường sông là sản phẩm đang được ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh phát triển để trở thành điểm nhấn cho du lịch TP trong thời gian tới. |
Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở VH-TT-DL TPHCM, cho biết, ngành du lịch TP đã đưa vào khai thác tour đường sông tuyến tầm ngắn từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi Ngã ba Nhà Bè - Làng họa sĩ (quận 2). Tour này đã được đưa vào khai thác từ cuối năm 2010, hiện một số hãng lữ hành đã đưa khách quốc tế đến tham quan. TP cũng đã kết hợp với ngành du lịch tỉnh Bình Dương, khảo sát tuyến tầm trung từ bến Bạch Đằng đi Củ Chi, Thủ Dầu Một (Bình Dương).
Và trong năm nay, ngành du lịch TP sẽ có 2 chuyến khảo sát tour đường sông từ bến Bạch Đằng xuống Cần Giờ theo hai hướng tuyến sông Lòng Tàu và Soài Rạp để có thể đưa vào khai thác trong năm 2011 và 2012. Đây sẽ là tuyến du lịch trọng tâm TP đang hướng đầu tư, để khai thác hiệu quả thế mạnh sinh thái, sông nước của vùng ngập mặn Cần Giờ. Ngoài đầu tư, bến đậu, điểm đến, các loại hình thể thao dưới nước như chèo thuyền kayak sẽ được đưa vào khai thác ở đây. Và trong tương lai, khi hầm Thủ Thiêm đi vào hoạt động, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé sẽ được nạo vét, khơi luồng, kênh này sẽ là nơi lý tưởng cho việc đi lại của du thuyền và nhiều hoạt động phục vụ du lịch trên sông.
Chờ cảng du lịch
Mọi ngả đường đã được xây dựng xong nhưng chưa có điểm xuất phát kết nối, xem như vẫn chưa thể thông tuyến. Việc khai thác các tour du lịch đường sông tại TPHCM hiện nay cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Du lịch đường sông tuy đã nhìn thấy lợi thế, đang được đẩy mạnh khảo sát để đưa vào khai thác nhanh nhất nhưng tại TPHCM hiện nay vẫn chưa có một cảng nào cho tàu du lịch. Bến Bạch Đằng được xem là điểm xuất phát, bắt đầu cho mọi hành trình tour đường sông tại TPHCM nhưng thực chất bến Bạch Đằng hiện nay không phải dành riêng cho tàu du lịch. Phần trên bờ công viên vườn kiểng do UBND quận 1 quản lý, phần dưới nước do các cơ quan liên quan đến đường thủy quản lý. Tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng hoạt động ở khu vực này cũng chỉ tạm thời. Ngay cả khách tàu biển quốc tế đến TPHCM cũng phải đi nhờ qua các cảng hàng hóa. Một thành phố bên sông, muốn phát triển du lịch đường sông bắt buộc phải có cảng cho tàu du lịch.
Ngành du lịch TPHCM đang mơ về một cảng du lịch. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, TP đang lãng phí trong việc khai thác bến Bạch Đằng hiện nay. Không cần phải xây dựng một cảng hoành tráng cho tàu du lịch ở đây, chỉ cần cải tạo, nâng cấp lại các dịch vụ, bến Bạch Đằng vẫn có thể trở thành điểm đón trả khách du lịch. Bộ mặt khuôn viên bến Bạch Đằng hiện nay cũng cần được cải tạo sáng sủa, khang trang hơn để tương xứng với Khu đô thị Thủ Thiêm hiện đại xây dựng bên kia sông.
MỸ HẠNH
SGGP
0 nhận xét