Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở New York hôm nay (13/7) cho biết, phe nổi dậy Libya đang tìm cách lật đổ Tổng thống Muammar Gaddafi đã cướp bóc các cửa hàng, đốt phá nhà cửa và các cơ sở y tế ở một số thành phố mà họ chiếm được ở khu vực miền núi phía tây đất nước.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ở các thành phố chiếm được, phe nổi dậy đã đột những ngôi nhà được cho là của những người ủng hộ ông Gaddafi.
Kể từ khi thực hiện cuộc nổi dậy chống lại chính quyền 42 năm tuổi của Tổng thống Gaddafi hồi giữa tháng hai, các chiến binh nổi dậy đã chiếm đóng được phần lớn khu vực phía đông đất nước và họ đã thiết lập chính quyền ở thành phố Benghazi. Phe nổi dậy cũng giành quyền kiểm soát thành phố ven biển Misrata lớn thứ ba của Libya và khu vực rặng núi Nafusa nằm ở phía tây nam thủ đô Tripoli.
Qua một loạt chiến thắng trong những tháng gần đây, quân nổi dậy đã mở rộng khu vực chiếm đóng ở những khu vực xung quanh thủ đô.
Bản báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền dựa trên các cuộc phỏng vấn với những chiến binh địa phương và người dân cho thấy, sau khi chiếm đóng được các thành phố, quân nổi dậy đã đốt nhà cửa của những người được tin là lực lượng ủng hộ ông Gaddafi. Các chiến binh nổi dậy cũng cướp bóc và phá hoại những nhà hàng và nguồn cung cấp từ các cơ sở y tế.
Quân của Nhà lãnh đạo Gadhafi trong khu vực thì bị cáo buộc bắn bừa bãi vào những khu vực dân cư và đặt mìn khắp nơi.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi giới chỉhuy lực lượng nổi dậy bắt binh lính của họ phải chịu trách nhiệm về việc phá hoại tài sản công dân.
"Phe nổi dậy có nghĩa vụ phải bảo vệ công dân và tài sản của họ ở những khu vực mà lực lượng này giành được quyền kiểm soát để mọi người cảm thấy họ có thể trở về nhà an toàn và xây dựng lại cuộc sống của bản thân," ông Joe Stork, phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông cho biết.
Hiện, lực lượng nổi dậy chưa đưa ra lời bình luận gì về bản báo cáo trên. Tuy nhiên, trong bản báo cáo của mình, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền dẫn lời một chỉ huy phe nổi dậy thừa nhận đã có một số vụ vi phạm xảy ra nhưng phủ nhận chuyện, việc đốt phá, cướp bóc là một chính sách của lực lượng này.
"Nếu chúng tôi không đưa ra những chỉ thị thì mọi người đã đốt phá toàn bộ những thành phố này", Đại tá El-Moktar Firnana cho biết.
NATO, EU đàm phán với phe nổi dậy Libya
Một phái đoàn của Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya do người đứng đầu ngoại giao của lực lượng này – ông Mahmoud Jibril dẫn đầu đang có cuộc gặp gỡ với các quan chức NATO để bàn về cuộc chiến ở đất nước này.
Phát ngôn viên NATO - bà Oana Lungescu cho biết, cuộc gặp gỡ trên sẽ là một cơ hội để liên minh quân sự phương Tây lắng nghe phe nổi dậy Libya nói về việc “họ đánh giá tình hình cuộc chiến trên mặt đất ở nước này rasao và họ sẽ tiến lên như thế nào".
Ngoài cuộc gặp với các quan chức NATO, phái đoàn của phe nổi dậy Libya cũng sẽ có cuộc hội đàm với các quan chức Liên minh Châu Âu (EU), trong đó có ông Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Hồi tháng 5, người phụ trách đối ngoại của EU – bà Catherine Ashton đã công nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Libya là đại diện hợp pháp cho người dân đất nước Bắc Phi bằng cách cho mở một văn phòng ngoại giao ở Benghazi và cam kết ủng hộ một nước Libya dân chủ.
NATO đang đẩy mạnh mọi nỗ lực nhằm nhanh chóng kết thúc cuộc chiến ở đất nước Libya.
Phương Tây chính thức phát động chiến dịch can thiệp vào Libya từ hồi tháng 3. Mặc dù đã thực hiện hàng ngàn cuộc không kích mạnh mẽ tốn kém không biết bao nhiều tiền của nhưng NATO vẫn chưa thể thay đổi được tình hình bế tắc trong cuộc chiến ở đất nước Bắc Phi. Ông Gaddafi vẫn cầm quyền một cách đầy thách thức bất chấp những cuộc không của NATO, hàng loạt cuộc tấn công liên tiếp của phe nổi dậy cùng với các lệnh trừng phạt của quốc tế và sự đào ngũ của hàng loạt quan chức trong nội bộ chính quyền Libya.
Trong bối cảnh bế tắc này, phương Tây bắt đầu sốt ruột. Điều này được thể hiện qua việc Pháp và Italia lần lượt lên tiếng kêu gọi đàm phán với ông Gaddafi dù trước đó họ liên tục bác bỏ khả năng đàm phá với nhà lãnh đạo này vì coi chính quyền của ông đã mất tính hợp pháp.
Sự mất kiên nhẫn của NATO cũng đang gây ra sức ép đối với phe nổi dậy, đòi hỏi lực lượng này phải nhanh chóng giành chiến thắng quyết định trên chiến trường nhằm sớm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 5 tháng qua.
Vân Linh - (theo AP, Reuters)
VnMedia
0 nhận xét