Lực lượng nổi dậy Libya hôm qua (17/7) đã đánh giáp lá cà với quân của Tổng thống Muammar Gaddafi để tìm cách giành lại thành phố dầu mỏ chiến lược Brega. Đây là cuộc tấn công mạnh nhất của phe nổi dậy trên mặt trận phía đông Libya trong nhiều tuần trở lại đây.
"Tin tức từ Brega cho biết, có một cuộc chiến tranh đường phố rất ác liệt đã nổ ra giữa quân của ông Gaddafi với phe nổi dậy. 127 chiến binh của phía chúng tôi đã bị thương", ông Abdulrahman Busm, một quan chức thuộc Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia, cho biết.
Thành phố Brega, nằm cách thủ đô Tripoli về phía đông khoảng 750km, là nơi chứa một kho dầu mỏ chiến lược. Cuộc tấn công của phe nổi dậy vào Brega là dấu hiệu cho thấy lực lượng này đang tiến về phía tây từ thành trì chính ở phía đông sau nhiều tuần cuộc chiến giữa họ với quân chính phủ rơi vào bế tắc.
Cùng với sự hậu thuẫn của NATO, phe nổi dậy đang đạt được những bước tiến quan trọng trên chiến trường. Tuy nhiên, phe nổi dậy đã phải trải qua ngày đẫm máu nhất khi tìm cách giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược Brega.
Phát ngôn viên của phe nổi dậy – ông Abdel Hafiz Ghoga cho các phóng viên biết, bước tiến quân của họ vào thành phố Brega đã bị chậm lại bởi những bãi mìn do quân chính phủ cài đặt khắp nơi. Tuy nhiên, ông Ghoga tự tin khẳng định, phe nổi dậy sẽ vào được Brega “trong vòng vài ngày tới".
"Cuộc chiến ở Brega gây ra rất nhiều thương vong do quân của ôgn Gaddafi cài mìn khắp xung quanh và trong thành phố. Tuy nhiên, lực lượng đặc nhiệm của chúng tôi đã tiến được vào bên trong thành phố vài km và đã rà phá được một số bãi mìn", ông Ghoga nói.
Nếu tính từ hôm thứ Năm (14/7), ít nhất 10 chiến binh đã thiệt mạng và hơn 170 chiến binh bị thương.
Brega đã “đổi chủ” liên tục giữa phe nổi dậy và quân chính phủ kể từ khi cuộc nổi dậy ở Libya nổ ra từ giữa tháng hai. Theo phe nổi dậy, việc chiếm lại được thành phố chiến lược này sẽ có ý nghĩa rất lớn vì nó giúp thay đổi thế trận trong cuộc chiến ở mặt trận phía đông theo hướng có lợi cho phe nổi dậy. Hiện tại, cuộc chiến này đang ở thế giằng co, bế tắc. Hai bên cứ tiếp tục đánh nhau nhưng chẳng bên nào giành được chiến thắng quyết định. Kết quả là chỉ có thêm nhiều người thiệt mạng và hạ tầng cơ sở bị tàn phá nhiều hơn.
Trong lúc này, nhiều chính phủ phương Tây và các nước láng giềng quan ngại, cuộc chiến ở đất nước Libya có thể sẽ bị lực lượng chiến binh Hồi giáo, đặc biệt là chi nhánh Bắc Phi của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, lợi dụng.
"Điều Nigeria quan tâm là, cuộc khủng hoảng này không dẫn đến việc những phần tử cực đoan nắm quyền ở Libya. Đó là nỗi lo ngại của chúng tôi. Chúng tôi không muốn cuộc chiến ở Libya kéo dài và nhà nước Libya đi theo con đường giống Somali”, Tổng thống Mahamadou Issoufou của nước láng giềng Nigeria đã phát biểu như vậy.
Nga không cấp vũ khí cho Gaddafi
Trong một diễn biến liên quan đến tình hình Libya, Đại sứ Nga tại NATO – ông Dmitry Rogozin hôm qua đã khẳng định, Moscow không có kế hoạch cung cấp vũ khí cho Nhà lãnh đạo Gaddafi
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Ekho Moskvy hôm thứ Bảy (16/7), ông Rogozin cho biết: "Cả Quốc hội Nga và Quốc hội ở các nước Châu Âu đều cấm cung cấp vũ khí cho một lãnh thổ đang có xung đột hoặc nội chiến".
Theo Đại sứ Nga, những điều mà NATO đang làm ở Libya là đáng hổ thẹn và đi trái lại với tất cả những nghị quyết củaHội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về đất nước Bắc Phi.
"Ví dụ như việc máy bay trực thăng của Pháp thả vũ khí xuống cho phe nổi dậy Libya là việc làm không đúng. Đây là chủ đề mà chúng tôi đã thảo luận với các nước NATO", ông Rogozin nói thêm.
Nga và Trung Quốc là hai nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thường xuyên lên tiếng chỉ trích và phản đối chiến dịch can thiệp quân sự của NATO vào Libya. Cách đây không lâu, Nga đã làm nhiều nước choáng váng khi lên tiếng kêu gọi ông Gaddafi từ chức. Động thái này của Moscow đã khiến Mỹ và đồng minh rất hài lòng. Mặc dù kêu gọi ông Gaddafi từ chức nhưng Nga vẫn không từ bỏ việc tiếp tục lên án, chỉ trích các hành động của liên minh quân sự phương Tây ở đất nước Bắc Phi. Nga đang tích cực đóng vai trò trung gian để tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Libya. Tuy nhiên, có vẻ như Nga khó đạt được thành công trong sứ mệnh này.
Cuộc nổi dậy chống lại chính quyền 42 năm tuổi của Tổng thống Gaddafi bắt đầu nổ ra từ hôm 15/2 và nhanh chóng leo thang thành một cuộc nội chiến bạo lực, đẫm máu. Rất nhiều dân thường Libya đã thiệt mạng. Ngày 17/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết cho phép các nước dùng mọi biện pháp có thể để bảo vệ dân thường Libya. Nghị quyết này đã mở đường cho phương Tây phát động một chiến dịch can thiệp quân sự vào đất nước Bắc Phi chỉ hai ngày sau đó. Tuy nhiên, dù có sự can thiệp của NATO, cuộc chiến ở Libya vẫn kéo dài sang tháng thứ 6 mà chưa hề có dấu hiệu kết thúc.
Kiệt Linh - (theo Reuters, RIA)
VnMedia
0 nhận xét