Tập trung tìm những nguyên nhân sâu xa và những giải pháp nhằm kéo giảm các vụ tranh chấp lao động trong 6 tháng cuối năm
Tình hình lạm phát tăng cao khiến đời sống chung của người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt công nhân lao động là vấn đề nổi bật được các đại biểu (ĐB) HĐND nêu lên tại ngày họp đầu tiên của kỳ họp lần thứ 2 HĐND TPHCM khóa VIII, diễn ra ngày 13-7.
Đời sống công nhân ngày càng khó khăn do giá cả tăng. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Giá tăng, người lao động chật vật
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà cho rằng nguyên nhân chính của tranh chấp lao động hiện nay là do thu nhập của công nhân không theo kịp giá cả. Do đó, ĐB Lê Mạnh Hà đề nghị các cơ quan chức năng, trực tiếp là LĐLĐ cần tổ chức rà soát những doanh nghiệp có mức lương quá thấp so với mặt bằng chung và yêu cầu chấn chỉnh ngay nhằm tránh nguy cơ bùng phát đình công. ĐB Phạm Hiếu Nghĩa đặt vấn đề: Lương tối thiểu của công nhân ở TPHCM và các tỉnh không thể giống nhau. Với công nhân TP, đồng lương ít ỏi thì rau, gạo, ớt…. đều gói ghém trong lương vì vậy giá cả tăng sẽ tác động đầu tiên đến công nhân nên việc đình công tất yếu sẽ xảy ra.
Nhiều ĐB rất tâm đắc về chương trình đưa hàng bình ổn giá đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là người có thu nhập thấp, công nhân, lao động nghèo. Tuy nhiên các điểm bán hàng bình ổn giá còn ít, chưa đến được người dân vùng sâu, vùng xa, các KCX, KCN… ĐB Hà Phước Thắng hiến kế: “Nên phát huy vai trò của các HTX để mở rộng mạng lưới bán hàng bình ổn”.
Quan tâm hơn đến trẻ em
Nói đến chủ đề năm 2011 của UBND TP là “Năm vì trẻ em”, ĐB Hà Phước Thắng (quận 3), phản ánh: “Năm vì trẻ em nhưng nhìn lại vẫn tồn tại nhiều vấn nạn, điển hình như bạo lực học đường. TP nên khuyến khích xã hội hóa khu vui chơi cho trẻ em và tạo điều kiện để tư nhân tham gia”. Còn ĐB Nguyễn Văn Hiếu (quận 7), phân tích: TP phải làm sao tăng cường tuyên truyền giáo dục đến tận các hộ gia đình để mọi người đều hiểu và quan tâm trẻ em dưới mọi hình thức.
Nói về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ĐB Lê Mạnh Hà bức xúc: “Thực phẩm độc hại xuất hiện hằng ngày trên bàn ăn của chúng ta, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trong đó đáng lo là trẻ em, thế hệ tương lai của TP”. ĐB Văn Đức Mười cho rằng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp, của cơ quan quản lý mà còn là nhận thức của người tiêu dùng. Không phủ nhận quan điểm này nhưng ĐB Huỳnh Công Hùng nêu ra một thực tế: Dù được cảnh báo nhưng với mức lương chỉ từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng thì làm sao công nhân dám mua bó rau sạch 10.000 đồng.
Hôm nay, 14-7, kỳ họp tiếp tục với phiên chất vấn Sở Y tế và Sở Công Thương về vấn đề quá tải ở các bệnh viện, giá thuốc tăng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chương trình bình ổn giá.
Hà Nội muốn giảm tốc độ tăng trưởng Ngày 13-7, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã thảo luận về các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp cho những tháng còn lại. Đáng chú ý, UBND TP đã chính thức đề nghị hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 2011 xuống 10% thay vì mức hơn 12% như kế hoạch. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu dự báo 6 tháng còn lại, GDP phải tăng ít nhất 14,3% mới có thể đạt được mục tiêu GDP tăng 12% đã đề ra từ đầu năm. Ông Sửu phân tích kinh tế còn nhiều khó khăn nội tại, giá cả, lạm phát vẫn ở mức cao. T.Dũng |
Quý Hiền – Thu Hồng
NLĐ
0 nhận xét