Indonesia là Chủ tịch ASEAN năm 2011, bởi vậy nhiều người hy vọng Jakarta có thể góp phần giải quyết căng thẳng đang leo thang trong khu vực.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tuyên bố sẽ đưa vấn đề biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao Đông Á |
Sau một loạt những hành động gây hấn gần đây, Trung Quốc đã khiến bầu không khí chính trị trong khu vực càng trở nên gay gắt. Truyền thông phương Tây còn gọi biển Đông là “vùng biển nguy hiểm bậc nhất”. Mỹ cũng đã xuất đầu lộ diện can thiệp bảo vệ lợi ích của riêng họ. Điều này khiến sự việc ngày càng phức tạp, khó lường.
Tại sao Indonesia không thể "khoanh tay đứng nhìn"?
Không phải tự nhiên Indonesia lại quan tâm, nhảy vào “ổ kiến lửa” biển Đông, tất cả mọi hành động đều xuất phát từ lợi ích quốc gia.
Thứ nhất,yêu sách “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc đưa ra đe dọa trực tiếp đến vùng biển bao quanh quần đảo Natura – một quần đảo bao gồm khoảng 300 đạo nhỏ, có trữ lượng khí tự nhiên lớn nhất mà Indonesia tuyên bố chủ quyền.
Kể từ những năm 1990, Jakarta đã yêu cầu Bắc Kinh làm rõ những yêu sách chủ quyền nhưng đến nay vẫn chưa nhận được một phản hồi nhất quán và rõ ràng. Đây chính là nguyên nhân lý giải tại sao, Indonesia tổ chức 2 cuộc tập trận lớn vào năm 1996 và năm 2008, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác an ninh chiến lược với Australia, Ấn Độ, Mỹ.
Thứ hai, dù quan hệ giữa Indonesia và Trung Quốc đã được cải thiện từ sau giai đoạn đóng băng 1967 – 1990, song còn tồn tại nhiều vấn đề. Giới chức Jakarta luôn tồn tại mối nghi ngờ xung quanh việc Trung Quốc hiện đại hóa quân sự, các hợp đồng quốc phòng thiếu minh bạch, thái độ “hung hăng” trên biển Đông.
Bên cạnh đó, Indonesia không hề “thoải mái” khi Trung Quốc đưa ra những “tuyên bố đáng lo ngại” về người Hoa ở Indonesia. Ngoài ra, Trung Quốc còn là một đối thủ kinh tế “khó chơi” của Indonesia, thâm hụt thương mại hai nước năm 2010 lên tới 5-7 tỷ USD.
Thứ ba, nếu xung đột xảy ra ở biển Đông thì cũng đồng nghĩa với chiếc “phao cứu sinh” của Indonesia về mậu dịch, nghề cá, khoáng sản cũng tan tành.
Tranh chấp nào cũng sẽ gây rắc rối, thiệt hại, đặc biệt nếu có sự can dự của hai cường quốc Mỹ, Trung Quốc thì tình hình càng trở lên nghiêm trọng và khó kiểm soát.
Cuối cùng, biển Đông luôn là vấn đề đe dọa chia rẽ nội bộ ASEAN, hòa bình và an ninh khu vực.
Trên cương vị Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2011, nếu Indonesia có thể làm “giảm nhiệt” tranh chấp biển Đông thì chắc chắn vị thế, uy tín của quốc gia này trong khu vực và trên thế giới sẽ tăng lên nhanh chóng.
Indonesia có thể "hóa giải" căng thẳng?
Kể từ năm 1990, Bộ Ngoại giao Indonesia đã có sáng kiến tổ chức một số hội thảo không chính thức và các cuộc trao đổi chuyên môn về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tham dự những cuộc hội thảo, hội nghị này là các quan chức chính phủ (với tư cách cá nhân), giới học giả và các nhà quan sát. Hội thảo đã tạo điều kiện cho các bên thảo luận về những lĩnh vực hợp tác “thực tiễn” như hoạt động tìm kiếm cứu hộ và nghiên cứu khoa học hàng hải.
Chủ nhân của sáng kiến này là ông Hashim Djalal, một chuyên gia luật quốc tế lừng danh, cựu đại sứ Indonesia. Ông tin rằng thảo luận phi chính thức dần dần sẽ tạo ra sự hiểu biết lẫn nhau giữa các bên tham gia tranh chấp.
Một số ý kiến cho rằng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC) đã được xây dựng một phần dựa trên kết quả của những hội thảo đó.
Năm 2011, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Indonesia cần phải hành động, giải quyết căng thẳng trên Biển Đông nhằm thuyết phục Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đa phương, thậm chí là hình thành bộ Quy tắc Ứng xử (COC) có tình ràng buộc về mặt pháp lý.
Indonesia xác định rõ nên giải quyết các tranh chấp trong khu vực bằng hoà bình, sử dụng phương pháp ngoại giao và đối thoại thay cho các biện pháp vũ lực nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và phồn vinh trong khu vực.
Suốt 6 tháng đầu năm 2011, Indonesia đã gặp gỡ với đại diện một số quốc gia bao gồm cả Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines, để thảo luận về vụ tranh chấp đang diễn ra.
Trước tình hình biển Đông ngày một căng thẳng, ngày 17/6, Indonesia đã đưa ra tuyên bố sẽ đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) nhằm tìm ra cách thức giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay.
Tờ The Jakarta Post mới đây đã đăng bài viết đưa ra một số biện pháp để Indonesia “hóa giải” vấn đề biển Đông.
Tác giả bài viết cho rằng, Indonesia cần nỗ lực xem xét lại DOC. Tài liệu này từ trước đến nay chưa phát huy hết tác dụng bởi lẽ thiếu sự rõ ràng. Dù đây chưa phải là giải pháp cuối cùng giải quyết căng thẳng nhưng chí ít sau khi làm sáng tỏ, có thể thực hiện một số biện pháp để ngăn cấm sử dụng hoặc đe dọa vũ trang.
Bên cạnh đó, cần nâng cao cơ sở pháp lý, tính liên kết của DOC. Điều này tạo một khung hoạt động trên khu vực biển Đông. Bất cứ tàu bè của quốc gia nào tiến hành khai thác, thăm dò, nghiên cứu đều phải thông báo và để quốc gia khác quan sát, vi phạm sẽ bị trừng phạt.
Ngoài ra, cần tăng cường các tổ chức khu vực liên quan đến vấn đề hàng hải. Ví dụ vấn đề Biển Đông có thể đưa ra tại Diễn đàn Hàng hải ASEAN. Sau khi tham vấn, vấn đề sẽ được làm rõ với các bên tham gia không chỉ qua đối thoại mà còn hiện thực hóa qua các chương trình nghị sự, hợp tác thăm dò dầu khí chung.
Một biện pháp khác là cải thiện cơ chế hoạt động để các nước tiến hành các hoạt động quân sự chung. Các bên tranh chấp có thể cùng tham gia, hoặc thực hiện chức năng giám sát dựa trên nguyên tắc hòa bình.
Nếu căng thẳng biến Đông tiếp tục leo thang không chỉ Indonesia mà nhiều quốc gia khác cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Hiện tại, Indonesia có nền kinh tế, chính trị đã cải thiện, giữ vị trí trung tâm trong ASEAN, có mối quan hệ tốt với Trung Quốc và được Mỹ ủng hộ.
Nhưng liệu quốc gia này có thể trở thành trung gian hòa giải tranh chấp, xoay chuyển cục diện biển Đông hay không? Đây là mong đợi của các nước trong kh vực đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với Indonesia.
0 nhận xét