Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nam, tuy thị trường bất động sản có xu hướng giảm nhưng khả năng thanh toán cũng như giá trị của bất động sản vẫn nằm trong giới hạn an toàn. Các doanh nghiệp vẫn có khả năng thanh toán và trả nợ ngân hàng tuy lượng giao dịch có giảm sút, “vì vậy, chúng tôi cho rằng không có khả năng xảy ra vỡ bong bóng bất động sản”, ông Nam nói.
Theo phân tích và khảo sát của Bộ Xây dựng, dư nợ bất động sản tính đến cuối tháng 5/2011 chỉ khoảng 220 nghìn tỷ đồng, giảm gần 7% so với thời điểm 31/12/2010, và hiện dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản chỉ chiếm dưới 7% so với tổng dư nợ.
Hơn nữa, theo khảo sát của Bộ Xây dựng, giá bất động sản có suy giảm nhưng giá ở thời điểm cuối tháng 5/2011 vẫn còn cao hơn tháng 1/2010 và vẫn cao hơn giá thành tạo lập lên bất động sản.
Ông Nam cho biết, trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng có đánh giá thị trường bất động sản trên các mặt như tình hình phát triển chung, số lượng giao dịch, giá cả, tình hình dư nợ và cơ cấu dư nợ tín dụng đối với thị trường bất động sản. Và với chính sách thắt chặt tiền tệ và đầu tư công, thị trường bất động sản cũng như tất cả các lĩnh vực sản xuất khác đều khó khăn.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản có tính chất hàng hóa, tức tạo ra sản phẩm bất động sản để mua bán của Việt Nam quy mô vẫn còn nhỏ, lượng bất động sản xây dựng để bán so với tổng dư lượng nhà ở của bất động sản tạo lên chỉ chiếm 30%, còn lại 70% là do người dân xây để ở chứ không đưa vào giao dịch. Vì thế, quy mô bất động sản có tính chất hàng hóa thấp.
Ủng hộ hoàn toàn nội dung của Nghị quyết 11, nhất là chính sách tiền tệ để đảm bảo chống lạm phát, tuy nhiên, Bộ Xậy dựng không tán thành việc coi lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực phi sản xuất. “Vì thế lần này, trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ đã đưa bất động sản khỏi lĩnh vực phi sản xuất nhưng bất động sản vẫn nằm trong khu vực bị kiểm soát chặt chẽ, siết chặt tín dụng”, ông Nam nói.
Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị trên cơ sở không tăng dư nợ, là không cho vay vào lĩnh vực đền bù giải phóng mặt bằng, không cho vay vào những dự án bất động sản cao cấp đang có xu hướng bão hòa và không phục vụ cho đại đa số người dân. Nhưng chuyển dư nợ dần dần sang các lĩnh vực, phân khúc ưu tiên như những dự án nhà ở, có quy mô dự án trung bình, cho người thu nhập thấp… và những dự án gần hoàn thành để biến thành hàng hóa và tăng tính thanh khoản cho thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, Bộ Xây dựng cũng tiếp tục đề xuất cho vay với những hộ gia đình có nhu cầu mua thật, có khả năng thanh toán, có việc làm ổn định thì vẫn được vay tiền để chuyển dư nợ tạo lập ra bất động sản sang dư nợ của những người tiêu dùng, như thế sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản, đảm bảo cho thị trường này không bị sốt nóng nhưng cũng không bị đóng băng một cách đột ngột.
Theo VnEcomomy
0 nhận xét