Do nạn khai thác than trên núi Khe Tre, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam mà hàng chục hecta đất trồng lúa của người dân ở đây bị vùi lấp, nhiều hộ mất đất sản xuất phải vào rừng khai thác gỗ lậu
Dưới tán rừng Khe Tre thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam là thôn Thạnh Đại mà nhiều người dân ở đây thường gọi là “thôn gỗ lậu”.
Chở gỗ lậu giữa ban ngày
Chở gỗ lậu giữa ban ngày
Hình ảnh phổ biến ở Thạnh Đại là những chiếc xe máy ngang nhiên chở gỗ trái phép trên mọi nẻo đường trong thôn. Cùng với đó là vài thanh niên thường xuyên lảng vảng ngay lối ra vào làng. Đó là những người làm nhiệm vụ cảnh giới, khi thấy kiểm lâm hay người lạ vào làng là họ phát ám hiệu. Theo ám hiệu, trẻ con trong thôn lập tức chạy vào rừng cấp báo cho những người đang khai thác, vận chuyển gỗ trái phép để họ kịp thời đối phó.
Ngang nhiên chở gỗ lậu trong đường làng ở thôn Thạnh Đại, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam
Một buổi trưa cuối tháng 6 rồi, chỉ trong khoảng chưa đầy 30 phút, chúng tôi đếm được hàng chục xe máy ngược xuôi chở gỗ lậu trong thôn Thạnh Đại mà không thấy bóng dáng của lực lượng chức năng. Nơi đây không chỉ có đàn ông, trai tráng tham gia khai thác, vận chuyển gỗ lậu mà ngay cả phụ nữ cũng “góp công” phá rừng. Đi đến khu vườn nào của người dân thôn Thạnh Đại, chúng tôi cũng bắt gặp những khúc gỗ rừng được để ngổn ngang, không cần che giấu. Anh Cao Th., người dân trong thôn Thạnh Đại, không ngần ngại cho biết 2 khúc gỗ trước nhà anh là do anh cùng vợ vào rừng đốn, mang về từ mấy hôm trước. Anh đang chờ giới buôn gỗ đến để bán lấy tiền mua gạo.
Theo anh Th., 2 khúc gỗ trên trị giá chỉ khoảng 400.000 đồng. Để minh chứng cho hành động của mình, anh Th. vào trong nhà lấy ra chiếc cưa máy, phương tiện vào rừng hằng ngày với anh. “Chiếc cưa máy này, tôi mua hơn 2 triệu đồng nhưng bây giờ thì lấy lại vốn rồi” - anh Th. cho biết. Vợ anh Th., chị T., cũng không ngần ngại tâm sự: “Cứ cách một ngày là chồng và con trai của tôi vào rừng đốn cây, mang về bán để lấy tiền trang trải cho cuộc sống gia đình”.
Thiếu đất sản xuấtTheo ông Trần Văn Dương, trưởng thôn Thạnh Đại, trong số 267 hộ dân ở đây thì có đến trên 30% hộ vào rừng khai thác gỗ lậu. Việc khai thác gỗ lậu đã trở thành một nghề mưu sinh của người dân nơi đây. Tuy nhiên, theo thống kê của nhiều người dân ở thôn Thạnh Đại, thời gian gần đây, tỉ lệ hộ vào rừng khai thác gỗ lậu đã vượt trên 40%. Người dân ở đây giải thích sở dĩ nạn phá rừng không giảm là do hơn 2 năm qua, đất trồng lúa của người dân trong thôn bị thu hẹp vì một số công ty khai thác than trên núi Khe Tre làm đất tràn xuống, vùi lấp hàng chục hecta lúa của người dân.
Không chỉ vậy, than từ các hầm than trên núi theo nước mưa đổ về các cánh đồng lúa của thôn, làm cho lúa bị nhiễm than, năng suất giảm hơn 50% so với trước đó. Để giải quyết tạm thời, UBND xã Đại Hưng bố trí đất dự phòng của xã để cho dân có đất trồng lúa. Tuy nhiên, theo người dân ở đây, đất mà xã bố trí khô cằn, nếu trồng lúa thì lợi nhuận không đủ bù chi phí. Chính vì vậy, hàng chục hộ dân ở đây không nhận đất do xã bố trí.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, một người trong thôn, cho biết từ khi diện tích đất lúa của gia đình bà bị vùi lấp do nạn khai thác than gây ra, hơn 2 năm qua, gia đình bà rơi vào cảnh thường xuyên thiếu gạo để ăn. Không còn cách nào khác, gia đình bà phải vác cưa vào rừng xẻ gỗ để bán kiếm tiền mua gạo qua ngày. Hoàn cảnh này đang khá phổ biến ở thôn Thạnh Đại. “Không vào rừng lấy gỗ, gia đình tôi biết lấy gì mà sống? Ruộng lúa đã bị vùi lấp hết rồi” - anh Cao Th. cho biết. Một cán bộ huyện phá hơn 4.000 m2 rừng Thiếu tá Lê Quốc Phú, Phó Chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, cho biết ngày 6-7 đơn vị này phối hợp với UBND xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa vừa kiểm tra và xác định diện tích rừng quốc phòng trên địa bàn xã Hòa Mỹ Tây đã bị chặt phá trái phép một phần. Theo đó, đã có 4.576 m2 rừng quốc phòng ở chân núi Hòn Nhọn thuộc địa hạt Suối Phẫn, thôn Mỹ Thành, xã Hòa Mỹ Tây bị ông Huỳnh Nguyên Ngọc tự phá để làm nương rẫy. Ông Ngọc hiện là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tây Hòa, nguyên huyện ủy viên, trưởng Ban Quản lý các công trình đầu tư và xây dựng cơ bản huyện Tây Hòa.. Người dân xã Hòa Mỹ Tây cho biết ông Ngọc đang có hàng chục hecta đất rẫy mía, sắn… H.Ánh |
Bài và ảnh: HOÀNG DŨNG
Theo Báo NLĐ
0 nhận xét