Ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sức hút từ nhóm hàng điện máy so với cùng kỳ năm ngoái đang giảm khá mạnh. Trong khi đó, giá thuê mặt bằng vẫn leo thang, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, lợi nhuận không đuổi kịp lãi suất vốn vay… nên nhiều siêu thị và cửa hàng điện máy có nguy cơ phá sản.
Một trung tâm điện máy vắng khách. Ảnh: Cao Thăng |
Áp lực tăng
Để bắt kịp thị hiếu của người tiêu dùng và khẳng định vị thế trên thương trường, các thương hiệu điện tử nổi tiếng đang đua nhau tung ra các siêu phẩm vượt trội về công nghệ, ứng dụng và phong cách thời trang. Để lôi kéo khách hàng, nhiều trung tâm điện máy tiếp tục thực hiện đều đặn các chương trình khuyến mãi, thậm chí có nơi chỉ trong tháng 6 vừa qua có đến 7 chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Tuy nhiên, doanh số tại các điểm bán đang rơi tự do. Theo giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy lớn ở TPHCM, tổng sức mua chung của ngành hàng điện máy đang giảm khoảng 40% so với cùng kỳ. Tại phố điện tử trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, mặc dù vào sáng thứ bảy, nhưng nhiều cửa hàng điện máy lớn ở đây rất vắng vẻ. Tại cửa hàng Tú Trinh, siêu thị Home One… nhân viên bán hàng đông hơn khách đến tham quan, mua sắm dù những nơi này vẫn trưng bày hàng giảm giá. Tại các cửa hàng điện máy trên đường Lý Thường Kiệt, Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Trần Hưng Đạo (quận 1), khách hàng vắng hơn rất nhiều so với những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 vừa qua.
Mặc dù sức mua nhìn chung đang có xu hướng giảm, nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong 6 tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này lên đến 2,674 tỷ USD; tăng 23,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, hàng tồn từ nay đến cuối năm càng nhiều hơn. Do đó áp lực “xả hàng” trong những tháng cuối năm đang và sẽ đè nặng lên các trung tâm, siêu thị và cửa hàng điện máy.
Theo kinh nhiệm của giới kinh doanh hàng điện máy, thông thường tháng 6, 7 hàng năm là mùa thấp điểm của thị trường, tuy nhiên so với những năm trước, năm nay lại xuống thấp nhất.
Thêm đại gia “ngã ngựa”
Sau thất bại của WonderBuy, nhiều người tiêu dùng và các chuyên gia kinh tế mới vỡ ra một điều là để “cầm cự” trên thị trường và thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi rầm rộ, nhiều trung tâm, siêu thị và cửa hàng điện máy đang cố gắng phình ra thật to, nhưng sự thật năng lực của họ rất nhỏ. Và rồi do không hoạch định kỹ chiến lược kinh doanh, không “liệu cơm gắp mắm”, họ nhập những lô hàng quá lớn trong khi sức tiêu thụ lại hạn chế. Ngoài những khó khăn trên, thời tiết năm nay cũng không thuận lợi cho các doanh nghiệp điện máy. Trước đó, theo dự báo hạn hán và nắng nóng sẽ kéo dài, tình trạng thiếu điện sẽ xảy ra… nhưng thực tế diễn biến ngược lại. Thời tiết năm nay không quá nóng, mưa lại đến sớm, tình trạng cúp điện luân phiên cũng ít hơn nên sức mua không tăng đột biến.
Sức mua, doanh số và lợi nhuận cùng giảm, trong khi hàng loạt chi phí khác như giá điện, lãi suất, giá thuê mặt bằng tăng… khiến nhiều doanh nghiệp để tồn tại mỗi tháng phải bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để bù lỗ. Mặc dù vậy nhưng sự chịu đựng của họ cũng có giới hạn. Một số điểm bán hàng điện máy, điện tử, điện lạnh ở quận Gò Vấp, khoảng hai tuần qua đã biến mất. Không như WonderBuy, sự mất dạng của siêu thị điện máy Hoàng Linh ở số 190 Quang Trung, Gò Vấp hoàn toàn không để lại bất cứ dấu vết gì. Nhiều khách hàng liên hệ với doanh nghiệp đều không nhận được tín hiệu. Sau WonderBuy, Hoàng Linh lại đối xử với khách hàng của mình theo kiểu “đem con bỏ chợ”.
Đầu tuần này, trong giới kinh doanh hàng điện máy cũng đang xôn xao trước thông tin sắp có 2 “đại gia” cùng ngành sẽ theo chân WonderBuy và Hoàng Linh.
Mai Thi
Theo SGGP
0 nhận xét