Hôm nay thị trường chứng khoán ghi nhận một kỷ lục chưa từng có trong suốt 3 năm: giá trị khớp lệnh hai sàn chỉ đạt 305,8 tỷ đồng. Kỷ lục gần nhất là mức 239,5 tỷ đồng, ghi nhận ngày 9/3/2009.
Mức ngại rủi ro đang rất cao khiến đa số nhà đầu tư chọn giải pháp quan sát hơn là mua vào
Thanh khoản giảm thường được xem là do người bán ít bán rẻ. Tuy nhiên từ số liệu dư mua liên tục trong hơn một tháng gần đây đều rất cao, cho thấy dòng vốn đặt mua hàng ngày không thực sự muốn mua bằng được.
Thống kê tại HSX, tỉ trọng khối lượng dư mua kể từ đầu tháng 7 đến nay chiếm bình quân 53% tổng khối lượng đặt mua. Trong khi đó, từ nửa cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 6, lượng dư mua giảm xuống chỉ còn chiếm khoảng 42%. Như vậy trong sóng lên, tỉ lệ người mua muốn mua bằng được luôn cao và ngược lại.
Điều này cũng góp phần lý giải tại sao thanh khoản từ đầu tháng 7 đã giảm rất mạnh: Người mua đa số duy trì chiến lược mua thấp và hạ giá dần theo chiều giảm. Nếu xuất hiện phiên sụt giảm mạnh, thanh khoản thường tăng lên do bên bán hạ giá sâu hơn để khớp được vào khối lượng chờ mua. Nếu thị trường duy trì trạng thái đi ngang, cả người mua lẫn người bán đều treo lệnh là chủ yếu, không quan tâm nhiều đến cơ hội khớp thành công.
Một câu hỏi kế tiếp sẽ đến: Ttại sao người mua và người bán lại chọn chiến lượng như vậy? Về phía người bán, nếu không có sự kiện gì đặc biệt, khả năng chịu lỗ thường tốt trong những giai đoạn chờ đợi thông tin, hoặc sau giai đoạn sụt giảm mạnh. “Cổ phiếu rẻ như mớ rau, chén trà đá....” là điều ủng hộ họ về tâm lý, hoặc những quan điểm như “rẻ nữa thì loạn, doanh nghiệp phá sản, sập thị trường, không còn gì có thể xấu hơn nữa...”. Do đó chiến lược đã lỗ nặng thì “ôm” luôn chờ đến ngày “huy hoàng” được lựa chọn.
Về phía người mua, vẫn có một bộ phận đánh giá cơ hội khá gần và chấp nhận mua giá cao, hay gọi là mua bằng được. Lực cầu này thể hiện trong những phiên tăng điểm, có những thời điểm người mua sẵn sàng nâng giá lên. Tuy nhiên, các phiên giảm thanh khoản sau đó cho thấy lực cầu này không dồi dào, không được tiếp nối đủ tốt, hoặc chỉ giải ngân trước một phần.
Thanh khoản yếu khi cung cầu dư thừa thường là biểu hiện của dòng tiền lớn chưa tham gia mạnh. Phần vốn này thường quan tâm đến mức rủi ro nhiều hơn là cơ hội ngắn hạn. Ngay cả với hoạt động mua đầu tư dài hạn, mức độ kiên nhẫn cũng là cao vì cơ hội luôn tồn tại, các biến động tăng đột biến một thời điểm chưa biểu hiện được một xu hướng chắc chắn.
Hiện tại, quan ngại lớn nhất vẫn là rủi ro vĩ mô liên quan đến lạm phát và lãi suất và cuối năm có thêm cả vấn đề tỉ giá. Biến động của tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo tháng thường nhiễu. Điển hình là CPI tháng 7 đã tăng trở lại sau khi hạ nhiệt những tháng trước đó. Tốc độ tăng CPI theo năm (so với cùng kỳ) có độ trễ và hiện tại vẫn chưa đạt đỉnh. Một yếu tố nữa là khả năng tiên đoán về CPI cả năm vẫn đang khó khăn vì nhiều yếu tố nhiễu. Ngay cả kế hoạch của chính phủ cũng phải thay đổi và các chuyên gia đưa ra nhiều dự báo khác nhau, càng về sau càng xấu hơn.
Chính sách thắt chặt chắc chắn sẽ được thực thi triệt để cho năm nay nếu căn cứ vào những phát ngôn chính thức của cơ quan quản lý. Thường thị trường chứng khoán rất khó khởi sắc nếu chính sách tiền tệ thắt chặt vì hai nguyên nhân. Thứ nhất là lượng tiền thực có khả năng đổ vào thị trường chứng khoán yếu đi. Năm nay có thêm yếu tố khống chế tỉ lệ dư nợ phi sản xuất, tức là dòng tiền thực sự đã và đang bị thu về.
Thứ hai, yếu tố tâm lý từ động thái chính sách khiến người đang có tiền cân nhắc việc mua vào hơn. Khi phán đoán dòng tiền bị yếu đi do tiền tệ thắt chặt, tức là cơ hội tăng trưởng thấp đi, thì giữ tiền là là chiến lược phòng thủ tốt. Việc giữ tiền mặt trong thị trường giá xuống cũng làm gia tăng giá trị của tiền nếu quy đổi ra cổ phiếu. Do đó câu châm ngôn trên thị trường rằng “tiền không thiếu” chỉ đúng khi người giữ tiền đánh giá rủi ro đã giảm và cơ hội tăng trưởng cao.
Một thống kê đơn giản cho thấy mức độ ngại rủi ro hiện tại vẫn rất cao. Từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6, thị trường xuất hiện một đợt tăng giá tương đối tốt và nhiều mã có mức tăng hàng chục phần trăm. Một phần rất lớn các cổ phiếu đều tạo đáy quanh thời điểm 26/5, trùng với đáy của Index trên hai sàn. Lực mua tại thời điểm nói trên mạnh lên một cách bất ngờ. Dù là vì lý do gì thì rõ ràng người mua cũng đã đánh giá rủi ro lúc đó là thấp và chấp nhận mua vào. Thanh khoản tăng một thời gian dài sau đó cho thấy người mua ngày càng trở nên lạc quan hơn.
Tuy nhiên, đến hôm nay, thông kê trên hai sàn cho thấy khá nhiều cổ phiếu đã giảm trở lại mức đáy quanh thời điểm 26/5 nhưng lực mua cũng không tăng lên và giá vẫn trong tình trạng giảm dần. HSX có khoảng 160 cổ phiếu đã rơi về chỉ còn cách đáy cũ dưới 10%, thậm chí số lớn giảm xuống dưới đáy cũ. HNX cũng có khoảng 170 mã (không tính các cổ phiếu chia tách).
Việc các cổ phiếu rơi về gần đáy cũ, thậm chí ngay cả những mã có truyền thống đầu cơ mạnh như PVX, SHN, BVS, VND hay nhiều cổ phiếu nhỏ khác nhưng cầu không tăng lên có thể cho thấy người mua vẫn còn lo ngại tại vùng giá cũ. Nói cách khác là mức độ ngại rủi ro hiện tại thậm chí còn cao hơn thời điểm khởi phát con sóng bất thường vừa qua.
Điều này lại dẫn đến mối quan hệ với dòng tiền giữa hai thời điểm. Hồi cuối tháng 5, khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh chung của hai sàn tăng lên đột biến tại vùng đáy và cải thiện tốt trong chiều đi lên. Thanh khoản (không tính thỏa thuận) đạt xấp xỉ 1.120 tỷ đồng mỗi ngày trong 11 phiên đầu tháng 6. Từ đó đến nay (27 phiên), thanh khoản bình quân chỉ còn 592 tỷ đồng mỗi ngày. Nếu tính riêng tuần trước thì giá trị khớp lệnh chỉ còn bình quân xấp xỉ 411 tỷ đồng/phiên.
Thanh khoản giảm nhanh như vậy đồng nghĩa với một phần lớn lượng vốn rút ra trong 11 phiên đầu tháng 6 đã đứng ngoài trong thời điểm hiện tại. Nếu dòng vốn đó thực sự chảy ngược và nằm lại kênh ngân hàng (do ảnh hưởng của việc giảm tỉ lệ dư nợ) thì rõ ràng là một điều rất xấu. Nếu lượng vốn đó nằm ngoài nhưng vẫn chưa mua thì chứng khoán còn cơ hội. Nhưng tìm câu trả lời cho câu hỏi tại sao dòng vốn đó vẫn đứng ngoài thì không hề dễ.
Theo VnEconomy
0 nhận xét