Chỉ nên xây dựng cầu bộ hành này khi khu chỉnh trang bờ Tây và khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hình thành, theo KTS Nguyễn Trường Lưu - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư TPHCM
* Phóng viên: TPHCM đã có một số cầu nối qua sông Sài Gòn và dự kiến còn một số cây cầu khác nối sang quận 2. Vậy xây cầu đi bộ qua sông Sài Gòn để làm gì, thưa ông?
Xây một cây cầu đi bộ để làm gì? Trước tiên, chúng ta phải đặt vấn đề đi bộ để làm gì thì mới biết được có hiệu quả hay không. Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều hình thức đi bộ, như: đi bộ thể thao, đi bộ bắt buộc, đi bộ làm việc, đi bộ mua sắm, đi bộ ngắm cảnh, giao lưu (mít tinh, lễ hội). Vì vậy, nên phải hiểu chữ “đi bộ” chỉ là một trạng thái để chúng ta thực hiện một nhu cầu khác.
Việc làm một cây cầu nối từ trung tâm bờ Tây sang bờ Đông sông Sài Gòn mà hai điểm đầu cầu là trung tâm của khu đô thị hiện hữu với quảng trường của khu đô thị mới nhằm mục đích nối kết đô thị được thân thiện, tự nhiên và gần gũi, đó là một điều cần thiết cho sự phát triển bền vững của một khu đô thị mới.
Mặt khác, TPHCM được coi là đô thị sông nước, trong đó sông Sài Gòn là biểu tượng chính, thì chúng ta cũng cần lấy không gian của sông Sài Gòn làm một biểu tượng gì đó, nổi bật để cảm nhận được về một đô thị sông nước. Về việc xây cầu đi bộ bắc qua sông giữa hai khu đô thị, nhiều nơi trên thế giới cũng thường làm.
* Đâu là những điểm ưu việt của dự án này, chẳng hạn phương án vốn, không gian kiến trúc đô thị…?
- TP yêu cầu đơn vị tư vấn và nhà đầu tư phải bỏ tiền nghiên cứu để chứng minh được tính hiệu quả của việc xây dựng cầu đi bộ này. Về mặt không gian kiến trúc đô thị, chúng ta đang quy hoạch và thiết kế đô thị khu trung tâm TP hiện hữu với toàn bộ bờ Tây sông Sài Gòn được nghiên cứu là khu công viên phố đi bộ với các khu khách sạn dịch vụ - thương mại làm trọng tâm, đường giao thông cơ giới trên đường Tôn Đức Thắng sẽ được ngầm hóa để đối ứng với Công viên Vầng Trăng và quảng trường trung tâm ở bờ Đông sông Sài Gòn. Như vậy, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn vừa tạo được cảnh quan không gian đô thị vừa có thể tạo cảm giác về một “quảng trường” sông nước, có tính đặc thù cho một đô thị.
* Băn khoăn lớn nhất về công trình này theo ông là gì? Và những băn khoăn đó nên được giải quyết thế nào?
- Băn khoăn lớn nhất là tính hiệu quả và thẩm mỹ nghệ thuật của cây cầu. Về tính thẩm mỹ, đơn vị tư vấn cũng đã đưa ra nhiều phương án để các ban - ngành liên quan xem xét và góp ý kiến. Qua nhiều lần báo cáo và góp ý kiến, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án ý tưởng kiến trúc của cây cầu và hoàn thiện những ý kiến đóng góp. Về ý tưởng này, sau khi hoàn thiện, cần đưa ra hội đồng quy hoạch kiến trúc của TP trước khi trình TP quyết định.
Về hiệu quả, nếu như cầu bộ hành này có hiệu quả thì vấn đề xây dựng lúc nào là phù hợp. Có lẽ, chỉ nên xây dựng khi khu chỉnh trang bờ Tây và khu đô thị mới Thủ Thiêm đã hình thành để tránh trường hợp đầu tư “sớm”, khi xây dựng cầu xong nhưng chúng ta không có điểm đến.
DƯƠNG QUANG thực hiện
NLĐ
0 nhận xét