Đêm định mệnh
21h ngày 29/11/2004 bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận một sản phụ có dấu hiệu sắp sinh. Sản phụ được chuyển gấp vào khoa sản và nửa tiếng sau, dù thiếu tháng, một cậu bé 2,1 kg đã ra đời. Người sản phụ đó tên Phạm Thu Dung. Đứa bé được đặt tên là Quang Sáng, lấy họ mẹ.
Sinh con xong, Dung quyết định không nhìn mặt đứa bé, điều ấy mang tính định mệnh trong cuộc đời Phạm Quang Sáng hay Pax Thiên Jolie-Pitt sau này. Vì chỉ 2 ngày sau, Dung trốn viện, khi đó vẫn còn đang nợ 480.000 đồng tiền viện phí vì không có tiền.
Phạm Quang Sáng, cái tên được nảy ra từ ý nghĩ bất chợt của người mẹ, liên quan tới truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng mà Dung đã từng rất cảm động khi đọc từ ngày bé. Vài ngày sau khi chào đời, Phạm Quang Sáng được đưa về Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Tam Bình.
Trước 21h, Phạm Thu Dung vẫn còn đang phê thuốc, cô đau bụng dữ dội nhưng không nghĩ mình đau đẻ. Để hạ cơn đau, Dung nhờ bạn cho thêm một liều nữa, vẫn không giảm và cô quyết định vào bệnh viện. Cuộc đời của Phạm Thu Dung trước và sau sự kiện Phạm Quang Sáng đều liên quan đến một sợi dây oan nghiệt: Ma túy.
Phạm Thu Dung
Một cuộc đời sa ngã
Dung vẫn nhớ những ngày tháng ăn chơi ở vài vũ trường đình đám Sài Gòn gần 15 năm trước. 18 tuổi (1995), tới vũ trường Mỹ Mãn hay Thái Sơn thì hầu như ai cũng biết tiếng Dung, quậy kinh khủng. Vũ trường thâu đêm suốt sáng, rượu bia, hàng trắng, đánh nhau như cơm bữa, thanh toán giang hồ... Cứ vô sàn mà thấy ai có vẻ sốc sốc là Dung “anh chị” ngay, đánh không cần nghĩ ngợi, đánh đến nỗi mà bảo vệ nhìn thấy mặt cô là phải năn nỉ “thôi tối nay đừng giở trò gì nữa nha”. Đám chiến hữu của cô cũng toàn máu mặt, dân anh chị có số ở quận 4. Dung nổi danh đi đánh lộn ra tiền, tức là đánh xong hôm sau bắt nạn nhân tới quán cà phê trên đường Lê Thánh Tôn “phạt”. Cả đám dân chơi trẻ tuổi, tầm 20 như nhau, không về nhà, bỏ tiền ra thuê một căn nhà trên đường Lê Văn Sỹ, ban ngày tụ tập ở đó, tối đến mỗi người một hướng. Đứa thì đi làm vũ trường, đứa đi chơi và hầu như đứa nào cũng dính “trắng”. Nhiều người bạn của Dung đã chết vì sốc thuốc, có người chết vì HIV.
19 tuổi cô bắt đầu lậm vào hàng trắng và nghiện. Dung kể, lúc đó bạn bè cứ đưa nhưng cô từ chối và rồi họ vẫn cứ tiếp tục đưa, nói “thử đi rồi cuộc đời mày sẽ khác, cuối cùng thì đời em khác thiệt”. Ở độ tuổi đó Thu Dung cũng khá bốc đồng, ai khích là cô làm ngay.
Thời điểm ấy gia đình Dung khá giả nhờ ba là thuyền trưởng tàu viễn dương. Nhưng Dung đã quậy thì nức tiếng, chẳng tiền của nào lại được. Để có tiền (vì lúc này ba mẹ Dung quyết định “cấm vận tài chính”), Dung đi cầm xe rồi gửi giấy về cho nhà chuộc ra. Dung nhớ có lần ba cô đi công tác về nhưng không thấy chìa khóa tủ nên có kêu cô ra chợ tìm mẹ mang chìa khóa về. Dung kiếm được mẹ, lấy chìa khóa nhưng trước khi mang về thì cô rẽ ngang vào hàng làm chìa khóa “thửa” riêng 1 cái. Vì thế sau này cô có tiền khá dễ dàng, lúc lấy tiền, lúc cắt vàng ra bán. Hoặc có những lúc cô đi mượn nợ, đến lúc không trả nổi thì chủ nợ cứ đến nhà là mẹ phải trả, riết thành quen. Dung nhớ lại có lẽ mình đã phá hết nửa gia tài của ba mẹ và sau này khi cha mẹ cô làm ăn thất bát thì gia cảnh lâm vào khó khăn thật sự.
Phạm Thu Dung ở thời điểm đó rất khác với Phạm Thu Dung của tuổi 19 trở về trước. Cô là đứa con được cưng nhất trong nhà. Hồi nhỏ cô học giỏi, cấp I & II học ở Âu Dương Lân (quận 8), cấp 3 học trường Lê Quý Đôn. Lớp 12 thi tốt nghiệp cô đạt 4 môn hơn 38 điểm. Suốt 9 năm trời Dung đều là học sinh giỏi. Năm học lớp 10 đi xe đạp bị đụng gãy chân, liền được ba mua ngay cho chiếc xe Astrea, thời điểm đó chỉ có con nhà giàu mới được cưng thế. Có lẽ vì sung sướng như vậy mà cô hư sớm.
Dung bắt đầu sa ngã khi vào năm lớp 11. Thời gian đó ba cô đi công tác suốt, chỉ có mẹ ở nhà. Dung thường nói dối mẹ là đi học, nhưng thật ra là đi chơi, từ vũ trường này tới vũ trường khác, đúng 22h30 là có mặt ở nhà. Có người thấy về báo với gia đình nhưng nhà Dung chẳng ai tin. Cứ thế, sau khi tốt nghiệp xong thì Dung “bùng nổ”…
Dung vẫn còn nhớ, ngày 25/3/1998 khi mẹ đưa cô đi cai nghiện ở Trung tâm Bình Triệu (năm đó Dung 21 tuổi), thì ba cô mới biết sự thực. Buổi tối, ông ngồi trên ghế ở phòng khách, và khóc. Sau, ông ra bàn thờ thắp nhang cho ông nội, lại đứng khóc. Lúc đó Dung tự hứa với lòng là sẽ cai, cô nói với ba “thôi ba đưa con đi cai đi, con không thể sống như vậy được nữa”. Nhưng sau 3 tháng, về, cô tái nghiện, rồi cai nghiện lại tái nghiện. Dung chẳng còn nhớ mình đã đi cai bao nhiêu lần, cai xong, nghiện lại. Giờ ngồi nghĩ lại Dung nói rằng cuộc đời cô không có cái đích để đến, là do cô cả, chính cô đã hủy hoại tương lai của mình.
Dung nói rằng cô thần tượng ba mình. Chính ba đã định hướng cho anh chị em trong nhà, nhưng Dung là đứa con đi lệch. Nếu đi đúng hướng có thể đời cô đã khác. Và nếu như mối tình đầu êm đẹp thì có lẽ số phận của cô cũng đã khác. Tình đầu tan vỡ, đẩy cô gái trẻ vào một cảm giác trả thù đời. Dung tụ tập vũ trường, hàng trắng như một cách tìm quên. Đàn ông cô tới với họ cũng chỉ vì tiền, chẳng cần tình yêu. Sau này, khi gặp cha ruột của Quang Sáng, một phần cũng là vì tiền. Lúc đó Dung đang là công nhân may tại một công ty ở Lái Thiêu (Bình Dương), người đàn ông này lúc đó là tổ trưởng tổ của cô, đã có vợ và con. Có vẻ giữa hai người có xích mích nên năm 2004 Dung quyết định chia tay, nghỉ làm, khi ấy cô chưa biết mình đã có thai. Và rồi cái thai lớn dần, cha đứa bé không hề hay biết và Dung cũng quyết định không nói. Cô cũng từng có ý định phá thai nhưng lại thương đứa bé vô tội, nên quyết định giữ lại. Lúc ấy Dung đã cai được ma túy nhưng khi biết mình có bầu, cảm thấy buồn chán, cuộc sống bế tắc, không tình yêu, thất nghiệp, nên cô dính lại. Đứa con lớn dần trong bụng, Dung cũng chẳng nghĩ đến chuyện đi khám, cô chỉ cần tiền để nuôi sống cơn nghiện. “Lúc đó tôi là một người rất khác, vô trách nhiệm với mình và con của mình, không gì có thể biện hộ được”, Dung nhớ lại.
Sau đêm 29/11/2004
Sau đêm đó, bạn của Dung báo cho chị ruột của cô và hai ngày sau, hai chị em trốn viện. “Tôi không thể nào nuôi con vậy được. Tôi nghĩ nếu tôi nuôi nó cũng sẽ không có tương lai, thà làm như vậy biết đâu nó có tương lai tốt hơn. Lúc làm giấy khai sinh cho nó, không hiểu sao tôi lại để tên thật, địa chỉ nhà cũng là địa chỉ thật, vì nếu làm khác đi chắc đến giờ cũng chẳng ai biết… Giờ nghĩ lại, thời điểm ấy có điều gì đó thôi thúc tôi phải nói sự thật, phải làm một điều gì đó thật lòng, dù là rất nhỏ bé, cho đứa con của mình. Lúc đó tôi chẳng còn nghĩ gì được hết, cứ nghĩ là mình để nó lại bệnh viện, đừng biết tới nữa. Nhưng thật tâm tôi đau lắm”.
Thời điểm đó nhà Dung rất nghèo, gia đình chuyển từ quận 8 xuống Thủ Đức sống. Đưa Dung về nhà nhưng không ai biết cô mới đẻ xong, chị của cô chỉ nói là cô bị sốt và cần vào phòng nằm nghỉ. Ba cô không biết gì hết “tại ổng khó lắm, ổng mà biết sự thật này chắc ổng sốc”. Phải mãi sau này khi người của Trung tâm Tam Bình đến nhà tìm thì ba của Dung mới biết…
Pax Thiên giờ đã có một người mẹ mới, Angelina Jolie
Thay đổi cuộc đời
Thời điểm mà đoàn nhà báo nước ngoài đến nhà Dung năm 2007 (sau đó có một bài nói về việc cô sẽ đòi lại con đăng trên tờ News Of The World) thì Dung đang sốt li bì và chẳng hay biết gì. Đúng ra Dung chẳng quan tâm. Cô nhớ lại thời điểm trước đó, 28 Tết (năm 2006), “bác Hào (Phó giám đốc trung tâm Tam Bình), đi cùng một người bên Hội phụ nữ và cảnh sát khu vực ghé nhà nói chuyện với ba tôi (Dung ở trong phòng) và họ có yêu cầu ba ký tên vào tờ giấy cho con (tức Phạm Quang Sáng). Sau đó tôi có hỏi là sao ba không để trung tâm giải quyết mà ba phải ký thì ba nói rằng “có một gia đình người nước ngoài nhận nuôi Sáng và họ yêu cầu phải có đầy đủ giấy tờ”. Lúc đó ba tôi mừng lắm khi biết tin một gia đình nước ngoài nhận nuôi Sáng. Bản thân tôi cũng vậy”. Và cũng chính lúc đó, Dung nghĩ rằng mình phải thay đổi. Giữa năm 2007 Dung ra Nha Trang quyết tâm là cai bằng được. Cô tự cai ở nhà trọ của mình, mệt thì uống thuốc, mệt nữa thì ra biển tắm. Cô tự hứa với mình rằng mình phải sống khác, phải sống làm sao “để một ngày nào đó nếu đứa con có quay về tìm mình thì mình đứng thẳng chứ không phải cúi gằm mặt xuống”.
Phải đến năm 2009 Phạm Thu Dung mới biết chuyện Pax Thiên, đó là khi bà nội cô mất, cô về Sài Gòn và được anh ruột cho biết. “Tôi về nhà hỏi, cuối cùng ba mẹ mới nói hết cho tôi nghe. Có điều vào thời điểm đó có nhiều bài báo viết sai sự thật về tôi, họ viết tôi đòi con này nọ, tôi đọc rất bực mình”.
“Vậy nếu chị biết sự việc vào đúng thời điểm Angelina Jolie nhận nuôi Pax Thiên, chị có đòi tiền hay phá bĩnh gì không?”. Dung trả lời: “Mình làm vậy chẳng khác nào mình bán con mình lần hai, nhẫn tâm lắm. Tôi không hề có khái niệm gặp Jolie để nói rằng “bà phải cho tôi bao nhiêu đây tiền để tôi gầy dựng cuộc sống”. Tôi chỉ mong Sáng được hạnh phúc, có một cuộc sống tốt, tốt hơn là ở với tôi, chỉ thế thôi”.
Dung cho rằng cuộc đời cô như vậy nhưng cuối cùng Pax Thiên được sung sướng thì giống như là một sự bù đắp. “Đường đời của tôi bất hạnh là do tôi, cái vòng luẩn quẩn đó tôi đã từng muốn thoát ra mà không thoát được. Đâm ra có lẽ đó là cái luật bù trừ, con tôi sẽ được hạnh phúc hơn tôi, nó xứng đáng được như vậy. Nếu gặp Jolie có lẽ tôi chẳng biết nói gì, nhưng trong thâm tâm tôi tin đó là một người phụ nữ rất tuyệt vời và tôi cảm ơn bà vì tất cả. Tôi đọc nhiều bài báo nói Jolie nhận con nuôi để tìm kiếm thêm sự nổi tiếng nhưng tôi tin không phải như vậy, Jolie nhận con nuôi là vì cái tâm. Tôi rất hiểu điều đó và rất kính trọng Jolie vì điều đó. Tôi là một người mẹ không có trách nhiệm”.
Câu truyện Chiếc lược ngà nói về tình cảm cha con, người cha đi chiến đấu lúc con chưa đầy tuổi, nên sau này khi cha về phép đứa trẻ không chịu nhận cha mình… Khi cha con nhận nhau thì người cha lại lên đường, có hứa tặng con chiếc lược ngà. Làm xong chiếc lược thì người cha hy sinh… Phạm Thu Dung không giống người cha ấy, nhưng tình cảm của cô dành cho con ít nhiều cũng có hình bóng trong chiếc lược ngà. Và cô cũng nên được tha thứ.
Cung Tuy
Theo TT&VH online
0 nhận xét