Chỉ sau vài ngày quy định về siết ô tô nhập khẩu có hiệu lực, thị trường xuất hiện nhiều xáo trộn: Hàng loạt doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có thể phải đóng cửa, còn người tiêu dùng muốn mua xe phải chịu giá cao ngất ngưởng. Dù vậy, đằng sau quy định này cũng có một nhóm đối tượng được hưởng lợi lớn.
Siêu xe bán tại một cửa hàng ở quận 5, TPHCM. Ảnh: THÀNH TÂM |
Giải nghệ
Ghi nhận tình hình kinh doanh ô tô sau 5 ngày Thông tư số 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành ngày 12-5-2011 quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống có hiệu lực (ngày 26-6), thị trường bắt đầu “dậy sóng”.
Hàng loạt cửa hàng chuyên kinh doanh ô tô nhập khẩu trên tuyến đường Trần Hưng Đạo quận 1, An Dương Vương quận 5, hay khu vực đường Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh, Phan Văn Trị quận Gò Vấp TPHCM… trước đây đông đúc, nằm san sát nhau, nay chỉ còn rải rác vài cửa hàng có quy mô tương đối lớn.
Khác với thường ngày các cửa hàng chỉ trưng bày vài chiếc ô tô, thì nay được chất kín với đủ dòng xe. Anh Nguyễn Mạnh Quân, một nhân viên bán hàng của Công ty TNHH TM DV M.Q. trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 cho biết, khoảng hơn 1 tháng nay khu vực này có trên dưới 5 cửa hàng kinh doanh ô tô nhập khẩu đóng cửa. Một số công ty tiếp tục duy trì bằng cách sáp nhập hợp tác với đối tác anh em, nhưng cũng có công ty đóng cửa giải thể, số xe còn tồn động thì đem ký gởi. Bởi các công ty này chỉ còn vài chiếc xe, trong khi việc nhập khẩu ô tô theo quy định mới gần như đã bít cửa, nên nếu càng duy trì sẽ lỗ tiền mặt bằng, nhân viên… “Chỉ riêng công ty của tôi đã nhận khoảng 20 chiếc ô tô loại 4 và 7 chỗ của những cửa hàng đóng cửa mang đến ký gởi, do đó xe mới nhiều vậy”, anh Quân chỉ tay vào cửa hàng nói.
Qua tìm hiểu, trước khi Thông tư 20 có hiệu lực, những công ty chuyên nhập khẩu ô tô có quy mô lớn đã kịp nhập về một số lượng xe khá lớn, do đó cộng thêm số lượng xe ký gởi hoặc sang lại của những cửa hàng nhỏ, đủ để kinh doanh từ nay đến hết năm 2011. Tuy nhiên, về lâu dài số phận của hầu hết công ty nhập khẩu ô tô sẽ phải giải nghệ vì không thể nhập do quy định siết chặt hoặc chuyển đổi cách thức kinh doanh bằng cách chuyển qua bán hàng cho các công ty liên doanh sản xuất xe trong nước.
Đơn cử, ông Trần Duy Phú, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Gia Phú trên đường Nguyễn Văn Cừ quận 5 cho biết, trước sức ép của các quy định về siết chặt ô tô nhập khẩu, công ty đã phải ngừng hẳn việc kinh doanh ô tô nhập khẩu. Thay vào đó, công ty chuyển sang kinh doanh xe ô tô của các đơn vị liên doanh trong nước sản xuất với tỷ lệ chiết khấu từ 1%-2%, tùy thương hiệu.
Giá tăng, nguồn cung khó giảm
Trong những ngày qua, giá ô tô trên thị trường bắt đầu có biến động theo chiều hướng tăng cao với mức thấp nhất từ 400 đến 1.000USD/chiếc, đặc biệt các dòng xe nhập khẩu từ Nhật, Hàn Quốc và Mỹ. Các dòng xe sang tăng nhiều hơn các dòng xe nhỏ. Đơn cử, hiện giá bán sỉ xe Matiz Groove (full option) SX 2011 khoảng 18.800 USD hay Toyota Camry 2.4 LE tăng từ 55.000 USD lên 58.000 USD, chiếc Toyota Corolla LE 1.8 có giá mới 48.000 USD, tăng 6.000 USD so với trước... Theo lý giải của các doanh nghiệp nhập khẩu, giá xe tăng là do số lượng dự trữ được tối đa lượng xe bán trong vài tháng tới.
Với các quy định siết ô tô nhập khẩu, từ nay người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng xe phải tiếp tục mua với giá cao, mặt khác cũng không có nhiều sự lựa chọn về chất lượng cũng như mẫu mã. Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, Trưởng phòng Kinh doanh Câu lạc bộ xe hơi của Công ty CP Đầu tư và dịch vụ ô tô Bình Phú, với các quy định hiện hành về siết chặt ô tô nhập khẩu, chỉ có lợi cho các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô VN (Vama) và bóp nghẹt các nhà nhập khẩu và kinh doanh ô tô khác, đặc biệt hạn chế việc lựa chọn đối với người tiêu dùng.
Ông Trung dẫn chứng, cùng với chiếc Yaris giá 32.000 USD, nhưng nếu để các doanh nghiệp nhập khẩu mua bán trực tiếp cho người tiêu dùng sẽ là dòng xe xuất xứ từ Nhật với 5 chỗ ngồi, kèm theo đầy đủ tiện nghi (full option). Trong khi đó, nếu người tiêu dùng mua từ VAMA sẽ nhận được loại xe 4 chỗ ngồi từ Thái Lan, chưa bao gồm các tiện nghi kèm theo như ghế, nệm… Chưa kể, mục tiêu của Thông tư 20 là nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế nhập siêu và đảm bảo an toàn giao thông đường bộ. Tuy nhiên, giống như đã dẫn chứng ở trên, quyền lợi người tiêu dùng đang bị xâm phạm. Còn về mặt hạn chế nhập khẩu cũng sẽ không thực hiện được. Bởi lâu nay hầu hết các thành viện VAMA đều là đại diện hoặc ủy quyền nhập khẩu cho các hãng xe nước ngoài tại Việt Nam. Do đó, vô hình trung họ được độc quyền, một mình một chợ nhập khẩu, sau đó sẽ phân phối lại cho các đại lý hoặc cửa hàng kinh doanh có nhu cầu.
Đó là chưa kể, nếu so sánh giữa việc nhập khẩu xe nguyên chiếc và nhập khẩu bộ linh kiện phụ tùng thì tổng giá trị nhập khẩu bộ linh kiên, linh kiện của các doanh nghiệp lắp ráp trong nước cao hơn nhiều. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, nhu cầu mua sắm ô tô của Việt Nam liên tục tăng. Do vậy, việc hạn chế nhập khẩu ở chỗ này và phình ra ở chỗ khác thì bản chất không thay đổi, ngược lại gây bất lợi cho người tiêu dùng lẫn ngành công nghiệp ô tô trong nước. Còn đối tượng hưởng lợi, như đã nêu trên thì quá rõ.
Lạc Phong
Theo SGGP
0 nhận xét