Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia được đưa ra khi được hỏi về những ảnh hưởng cũng như lợi ích của việc, thời gian qua thương nhân Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam thu gom nông sản.
Lợi ích nhìn thấy…
Theo ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, việc các thương nhân Trung Quốc vào Việt Nam và tiến hành các thương vụ mua bán nguyên liệu nông sản, thuỷ sản như: vải thiều, thanh long, dừa, sắn…trong thời gian qua là chuyện bình thường trong quan hệ thương mại. Đặc biệt, trong một số trường hợp nó còn giúp ích cho các doanh nghiệp Việt Nam giải quyết nguy cơ dư thừa nguyên liệu. Điển hình, với các loại hoa quả tươi như vải thiều và thanh long nếu Trung quốc không mua trong thời điểm này thì doanh nghiệp Việt Nam cũng rất sẽ rơi vào hoàn cảnh rất là "gay go".
“Vấn đề đáng nói ở đây là việc thu gom nông sản của Việt Nam trong thời gian vừa qua thì phía Trung Quốc phải đảm bảo được rằng mua bán kinh doanh và làm ăn đúng luật pháp. Chúng ta chỉ lên tiếng khi việc mua bán này trái với pháp luật, còn việc ảnh hưởng lâu dài đến lợi ích quốc gia như thế nào thì chúng ta cũng nên cân nhắc và suy ngẫm thêm để có giải pháp thích hợp”, ông Phát chia sẻ.
Tuy nhiên ở một góc độ khác theo ông Phát, về việc thương nhân Trung Quốc đang tiến hành tranh mua nguồn nguyên liệu cho chế biến thì cũng phải phân tích và xem xét từ nhiều góc độ, đặc biệt là đối với quả vải thiều.
Ông Phát chia sẻ, trên thực tế lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng muốn đưa vải thiều vào chế biến nhưng phải có rất nhiều công nhân ngồi bóc thủ công từng quả một. “Vậy bóc bao giờ cho hết một nghìn tấn vải thiều trong khi hiện nay chúng ta có đến 250 nghìn tấn vải thiều mà thời gian thu hoạch và chế biến chỉ trong một tháng? Vải thiều chủ yếu là ăn tươi và sấy khô nhưng sấy khô là bất đắc dĩ còn thanh long thì không chế biến được nên chúng ta phải bán tươi càng nhanh càng tốt”, ông Phát nêu câu hỏi, đồng thời cũng là trăn trở.
Còn đối với việc thu mua nguyên liệu sắn lát, ông Phát cho rằng, hiện nay chúng ta có một số nhà máy sản xuất ethanol nên cũng phải cân nhắc xem xét trong dài hạn, còn việc họ mua dừa ở Bến Tre và một số loại thuỷ sản khác cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cho các nhà máy của chúng ta. Tuy vậy chúng ta cũng không nên dùng biện pháp hành chính để “ép”, mà phải dùng công cụ kinh tế để hài hoà lợi ích và quan trọng vẫn là làm theo đúng luật pháp.
…nhưng̀ bị ép ngay trên sân nhà
Theo bà Trần Thị Miêng, Cục phó Cục Chế biến, Nông lâm sản và Nghề muối, việc doanh nhân Trung Quốc thu mua nông sản của Việt Nam và mua được giá cao hơn là do họ không phải qua những cầu trung gian trong khi doanh nghiệp Việt Nam hay phải qua trung gian nên hay bị đội giá lên.
Tuy nhiên, có một thực tế thường diễn ra là thương nhân Trung Quốc hay nâng giá sàn từ đợt đầu rồi tập trung thu mua lượng hàng lớn trong thời gian ngắn rồi sau đó là quay sang ép giá. Vì thế, nông dân Việt Nam cần biết để lường trước, giao hàng rải đều theo tiến độ và số lượng, chứ không nên dồn một lượng quá lớn, đặc biệt là các loại hàng nông sản không bảo quản được lâu như vải thiều và dưa hấu, bà Miêng nói.
"Nếu nói doanh nghiệp Việt Nam thua thiệt trên sân nhà thì phải nói rõ thua thiệt như thế nào, thua thiệt vì lẽ gì? "- bà Miêng đặt câu hỏi
Tại thời điểm này lợi thế của doanh nghiệp nước ngoài cả về vốn liếng, tài chính là lớn hơn vì vậy doanh nghiệp Việt Nam phải chịu thiệt thòi là đúng. Tuy nhiên thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam là có mối quan hệ truyền thống, sự hiểu biết về văn hoá thì các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự kiên kết để có xử thế phù hợp. Mối liên hệ này hiện nay đang rất lỏng lẻo và lại thiếu hiểu biết về đối tác do đó không phát huy được lợi thế của mình trên chính sân nhà, bà Miêng nhận định.
Bà Miêng cũng cho rằng, thực ra không phải đến bây giờ thương nhân Trung Quốc mới “đổ bộ” vào Việt Nam để thu gom nông sản mà thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm nay. Vấn đề đặt ra là chính quyền các địa phương cần có sự theo dõi chặt chẽ và có ý kiến khi có vấn đề khúc mắc xảy ra.
“Nếu họ mua bán đúng thủ tục, tuân thủ pháp luật thì hoàn toàn không có gì sai. Chỉ khi họ tổ chức hệ thống thu mua thì chúng ta mới cần lên tiếng”, bà Miêng tái khẳng định.
Vào thời điểm này mấu chốt nhất vẫn là chuyện liên kết, thông tin qua lại về tình hình giá cả trong và ngoài nước giữa các bên để trên cơ sở đó người nông dân nắm được cơ cấu, chủng loại mặt hàng, bao bì đóng gói còn người đặt hàng là các doanh nghiệp phải biết cân nhắc hài hoà lợi ích đối với nông dân. Về lâu dài đó mới là “thượng sách”. Một khi đã tham gia vào sân chơi WTO rồi thì chúng ta phải tuân thủ luật chơi chung”, bà Miêng kết luận.
Yến Nhi
Theo VnMedia
0 nhận xét