Kinh tế khó khăn, giá cả tăng cao, trong khi chờ đợi những chiến lược, quyết sách mang tầm vĩ mô của Nhà nước, người dân, đặc biệt là đối tượng công chức, người lao động có thu nhập thấp, ở TPHCM đang tự tìm cho mình những phương cách tiết kiệm hợp lý nhất để duy trì sinh hoạt gia đình trong khả năng có thể.
“Nói tới chỉ số lạm phát, tỷ lệ tăng giá tiêu dùng làm gì cho to tát, cứ lấy gánh canh bún của dì Lệ, tiểu thương bán canh bún ghế cóc vỉa hè kỳ cựu ở chợ Vườn Chuối ra mà làm ví dụ: 10 năm qua, tô canh bún của dì đã tăng giá gấp 6 lần: từ 2.000 đồng/tô nay đã lên 12.000 đồng/tô mà dì còn than phải đang ráng ghìm giá để bán chứ lời “meo” (lời ít - PV) lắm. Lương nhà nước còn lâu mới tăng được như vậy!” - Sự so sánh của bà nội trợ đang cắp giỏ dạo chợ khiến nhiều người bật cười ý nhị.
Chợ ế ẩm
Gần trưa, đi dạo một vòng chợ Phú Trung (phường Phú Trung, quận Tân Phú), chúng tôi nhận thấy tình hình buôn bán tại các sạp hàng đều ế ẩm. Các tiểu thương ngồi buồn bã đợi khách. Chị Lê Thị Thủy, kinh doanh quần áo, cho biết do giá mặt hàng này đã tăng lên gấp rưỡi nên dạo sau này mỗi ngày chỉ bán được khoảng 1 triệu đồng, bằng phân nửa so với trước đây, lời được hơn 100.000 đồng/ngày.
Ở sạp hàng đối diện, chị Hồ Lệ Thu, kinh doanh hàng tạp hóa, thở dài, khi từ sáng đến giờ chỉ bán được 100gram đậu, 100gram đường. Thời gian gần đây, người tiêu dùng vào siêu thị mua những mặt hàng được TP bình ổn giá nên sạp hàng của chị vắng khách hẳn, chị chỉ bán mối gia vị cho những người bán hủ tiếu ở gần đó mà thôi.
Đồ mắc, chợ ế, chị Nguyễn Thị Diễm chép miệng than khi nghe hỏi về gánh bún riêu của mình. Đây là món ăn sáng nhưng đến 11 giờ trưa chị mới bán hết để dọn hàng, dù bây giờ chỉ bán mỗi ngày 30 tô so với 60 tô trước đây.
“Tiền đi chợ không đủ, lấy tiền đâu ăn hàng, phải chịu thôi. Tăng giá thì không ai ăn, giảm giá thì lỗ vốn, thôi đành cầm cự bán thêm một thời gian, chờ xem tình hình thế nào mới tính tiếp. Giờ tôi cũng không bán theo giá cố định như trước nữa, khách ăn bao nhiêu múc bấy nhiêu để giữ khách. Cũng may tôi bán trước cửa nhà, không phải tốn tiền thuê mặt bằng, chỉ phải nộp tiền hoa chi 2.000 đồng/ngày, nếu không chắc nghỉ luôn” - chị Diễm tâm sự.
Giá càng tăng chợ càng vắng. Ảnh: M. HƯƠNG |
Do buôn bán ế ẩm nên ngày càng nhiều tiểu thương ở chợ Phú Trung trả lại sạp, không kinh doanh nữa. Một thành viên Ban quản lý chợ thừa nhận mãi lực tại các chợ truyền thống ngày càng giảm. Lúc trước đã có những sạp bỏ trống nhưng gần đây càng lúc càng nhiều.
Trái với không khí nhộn nhịp trước đây, đã hơn 10 giờ trưa nhưng nhiều kiốt bán quần áo, vải vóc, giày dép, mỹ phẩm bên trong chợ Vườn Chuối vẫn chưa mở cửa. Rút điện thoại gọi cho Nga, chủ quầy mỹ phẩm H.P, giọng cô vẫn còn ngái ngủ: “Em chưa ra chị ơi. Ra sớm cũng ngồi chơi không à. Bây giờ buổi sáng chỉ có mấy bà nội trợ đi chợ mua đồ ăn. Chiều chiều may ra còn có mấy cô, mấy bà nhà giàu ra mua mỹ phẩm”.
Nga còn cho biết, nhiều ngày cô không ra chợ cho mất công, chỉ chờ mối quen ai cần thì “alô” cô đem hàng tới tận nhà. Chị Lương, chủ sạp quần áo chuyên bán hàng xuất khẩu ở đầu chợ, dạo này cũng áp dụng phương pháp bán nửa ngày. Thường đầu giờ chiều chị mới mở cửa quầy vì có mở sớm cũng chẳng ai mua.
Quá 12 giờ trưa, dạo ra khu vực bán hàng ăn uống, chúng tôi ngạc nhiên thấy hàng chè của cô Tư vẫn còn bán. Cô bán chè ngon có tiếng. Trước đây, khách muốn ăn chè cô Tư phải tranh thủ ra chợ trước 9 giờ, trễ lắm 10 giờ thì cô dọn hàng. Bây giờ ly chè từ 2.000 đồng đã lên 6.000 đồng/ly. Mỗi ngày, cô nấu ít đậu đi một chút mà có bữa ngồi đến hơn 1 giờ chiều vẫn chưa hết hàng.
Hàng rẻ lên ngôi
Nghe bà tiểu thương bán cá ở chợ Bình Thới báo: “Cá thác lác nạo hôm nay lên giá hơn 20.000 đồng/100gram rồi”, chị Nguyễn Thị Hường (ngụ tại 322/4 Minh Phụng, phường 2 quận 11) đâm ra tần ngần. Món ăn yêu thích của gia đình chị tăng giá khá cao, trong khi món khô cá tra chỉ 110.000 đồng/kg. Chị Hường nhẩm tính: với 4 nhân khẩu phải 200gram mới tạm đủ ăn cả ngày, tức phải bỏ ra 40.000 đồng; trong khi với số tiền đó có thể mua được 360gram khô cá tra, lượng gần gấp đôi, cả gia đình ăn dư.
Do vậy chị Hường quyết định chuyển sang mua khô cá tra, vừa lạ miệng vừa tiết kiệm. Tương tự, với giá thực phẩm tăng quá cao trong khi tiền chợ vẫn 50.000 đồng/ngày, dạo sau này chị mua thịt ít lại và tăng cường món rau.
Chuyển sang món ăn rẻ hơn để tiền chợ không đội lên quá cao là cách gia đình bà Nguyễn Thị Mễ (79 tuổi, ngụ tại 26/31 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì quận Tân Phú) chọn. Bà cho biết: “Không cần so sánh đâu xa, chỉ mới đầu năm nhà tôi đi chợ chỉ 50.000 đồng/ngày, vậy mà giờ tăng lên 100.000 đồng/ngày nhưng chất lượng không bằng. Trên bàn ăn cũng không còn món cá thu 1 lần/tuần hay cá lóc như trước, thay vào đó là cá nục hay cá điêu hồng, cá rô phi. Đọc báo thấy nói tới đây, thịt heo của Công ty Vissan bán trong hệ thống siêu thị Co.opMart sẽ giảm 15.000 đồng/kg trong vòng một tuần, chắc chắn phải tranh thủ vào đó mua cho rẻ”.
Người dân mua thịt heo bình ổn giá bán tại siêu thị. Ảnh: CAO THĂNG |
Dạo quanh các chợ, dễ nhận thấy các hàng đắt khách nhất bây giờ là những nơi có giá mềm chứ không phải nơi có đồ ăn ngon như trước. Có lẽ chưa bao giờ, gian hàng bán cá nục hấp, cà nướng, dưa giá, dưa cà pháo, đậu hũ ở chợ An Khánh, quận 2 lại đắt khách như bây giờ. Một bịch dưa giá, trộn lẫn ít hẹ xanh, cà rốt bào mỏng có giá 2.000 - 4.000 đồng tùy bịch lớn nhỏ. Giá một trái cà phổi nướng mỡ hành dao động 4.000 - 7.000 đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở đường 25, phường An Khánh, quận 2, cho biết: “Rau bây giờ mắc quá. Xà lách, bông cải mấy chục ngàn đồng một ký. Thịt ba rọi bằng giờ này năm ngoái có chừng 60.000 đồng/kg, giờ lên gấp đôi. Vậy nên nhiều bữa mình phải “ăn gian”, đánh lừa bao tử: mua cà nướng mỡ hành, chao, hột vịt muối làm món mặn, mua dưa cà, dưa giá về làm rau. Mỗi tuần, mình xen kẽ chừng 2 - 3 ngày ăn như vậy, vừa nhẹ bụng, vừa đỡ tiền”.
A. CHÂN - M. HƯƠNG
Theo SGGP online
0 nhận xét