Gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL rất bấp bênh, đầu tháng 5 lên đến 29.500 đồng/kg nhưng đến cuối tháng 6 chỉ còn 23.000 - 24.000 đồng/kg. Làm sao để giá cá tra ổn định, người nuôi có lãi là vấn đề trọng tâm được đặt ra tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011 do Bộ NN-PTNT tổ chức tại TP Cần Thơ ngày 22-7.
Giới nuôi cá bị thiệt
Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết trong những năm qua, ngân hàng (NH) chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp. Theo đó, những hộ có tài sản thế chấp sẽ được vay, thậm chí còn được NH bảo lãnh mua nợ thức ăn từ các nhà máy. Những hộ không có tài sản thế chấp thì phải chấp nhận đứng ngoài “vùng phủ sóng” tín dụng của các NH. “Giá thành cao, lợi nhuận thấp, rủi ro lớn thì không ai dám đầu tư nuôi cá” - ông Quốc dự báo.
Ông Nguyễn Ngọc Hải, nông dân nuôi cá ở xã Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, bức xúc nói: “Để ổn định giá gạo, bảo đảm nông dân có lãi 30%, Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (DN) vay vốn mua gạo tạm trữ. Hộ nuôi gia súc, gia cầm khi bị dịch bệnh, Nhà nước hỗ trợ tài chính. Trong khi đó, nông dân nuôi cá tra phải đối mặt với nhiều khó khăn lại chưa được hỗ trợ gì”.
Người nuôi cá tra ở ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn
Không chỉ thiếu vốn, người nuôi cá còn phải đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao. Giá thức ăn cho cá hiện nay đã tăng 10% so với đầu năm 2011 và tăng đến 30%-40% so với cùng kỳ năm 2010. Lý giải cho thức ăn tăng cao, các nhà sản xuất cho rằng do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn trên thị trường thế giới, tỉ giá ngoại tệ, giá điện trong những tháng đầu năm tăng.
Tuy nhiên, đến nay, giá nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho cá như bột cá, đậu nành... cả trong và ngoài nước đều giảm mà giá thức ăn cho cá vẫn giữ ở mức cao. Trớ trêu là trong khi giá thức ăn cho cá tăng thì chất lượng thức ăn lại ngày càng giảm. Độ đạm trong thức ăn giảm, dẫn đến thời gian nuôi cá phải kéo dài, môi trường ô nhiễm, chất lượng cá nuôi giảm, tăng chi phí.
Cần kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi cá
Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), phân tích: Hiện nay, đối với DN, giá thành nuôi cá tra khoảng 20.000 đồng/kg nhưng đối với nông dân, con số này phải lên đến 24.000 đồng/kg. Khoản chênh lệch này là do nông dân phải mua thức ăn với giá lẻ, trong khi đó, do mua với số lượng lớn, DN được mua với giá sỉ, rẻ hơn gần 10% so với giá lẻ. Vào giai đoạn cuối của quy trình nuôi, hộ nuôi nhỏ thường thiếu vốn phải mua nợ thức ăn. Khoản nợ này, các đại lý thường tính lãi khoảng 2%-3%/tháng, làm tăng thêm chi phí sản xuất vốn đang quá cao.
Nông dân nuôi cá Nguyễn Hữu Nguyên (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) phản ánh: “Sáu năm trước, kẻ xấu tung tin cá tra bị nhiễm bệnh làm giá cá từ 14.500 đồng/kg xuống còn 8.000 đồng/kg khiến nhiều nông dân phá sản. Còn hiện nay, giá cá sụt thê thảm, chắc chúng tôi phải phá sản một lần nữa”. Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều nông dân, chuyện DN hợp đồng mua cá nhưng sau đó “xù” hay việc DN thiếu nợ tiền mua cá của nông dân là thực trạng khá phổ biến tại ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang), cho biết DN Mỹ đặt hàng tập trung số lượng lớn nhưng chỉ mua cá từ 400-850 g/con.
Trong khi đó, theo thông lệ trước đây, nông dân thường giữ cá lớn đến khoảng 1 kg/con mới bán. Không bán được cá, nông dân lao đao.
Hiện nay, giá thức ăn chiếm đến 80%-90% giá thành sản xuất cá tra. Vì vậy, để ổn định, nhiều đại biểu cho rằng Nhà nước cần đưa thức ăn chăn nuôi cá vào danh mục kiểm soát giá.
Xử lý nghiêm DN “xù” hợp đồng Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám chỉ đạo: Với các DN ký hợp đồng mua cá với người nuôi nhưng không thực hiện, đề nghị VASEP tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm. Liên quan đến kích cỡ thu mua cá nguyên liệu, VASEP nên nghiên cứu và có thông báo rộng rãi. Trong hợp đồng, DN phải ghi rõ kích cỡ cá thu mua, tránh tình trạng mập mờ với nông dân. |
lúc 20:24 24 tháng 7, 2011
Blog cua ban hay qua, thanks nha