Quá nhiều mục tiêu quy hoạch đã không được tôn trọng, thì một vài cây cầu cũng có thể bị… coi thường!
Cuối cùng thì đề xuất về việc phá bỏ các cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch đã không được chấp thuận. Trong văn bản mới nhất gửi tới các cơ quan báo chí, UBND thành phố Hà Nội đã khẳng định là “không có chủ trương này”.
Hàng trăm triệu USD đã được đầu tư cho ba cây cầu này. Vượt qua hàng núi công việc, trong đó nặng nhất là giải phóng mặt bằng, các đơn vị chức năng của Hà Nội đã rất vất vả để xây dựng ba tuyến cầu vượt này. Hiệu quả thì ai cũng thấy rõ, các nút giao thông tại những điểm này, đặc biệt là Ngã Tư Sở, nơi vẫn được gọi vui là “Ngã Tư Khổ”, đã được cải thiện nhiều trong thời gian qua. Dễ hiểu vì sao công luận lại ngạc nhiên và phản đối!
Ẩn số mang tên “đường trên cao”
Công văn của thành phố có thể coi là sự phủ nhận đối với ý tưởng do các chuyên gia đưa ra tại hội thảo về giao thông của Hà Nội. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu các chuyên gia có quá “liều lĩnh” khi đưa ra một ý tưởng như vậy? Hay phải chăng, các chuyên gia đã được ai đó mượn lời để thăm dò dư luận?
Mọi chuyện có lẽ cũng không rối rắm như vậy nếu như không có đề xuất về việc xây dựng đường trên cao nối Ngã Tư Sở và cầu Vĩnh Tuy. Đây là ý tưởng không tồi khi hàng chục năm trời, dự án đường vành đai 2 đã không được triển khai như kế hoạch. Tuy nhiên, làm đường trên cao mà lại phải phá bỏ hai cây cầu vượt mới đưa vào khai thác thì quả là chuyện khó có thể chấp nhận.
Thực tế, đường vành đai 2 đã được quy hoạch “đơn giản” hơn thế rất nhiều. Cụ thể, tuyến đường này sẽ được cải tạo mở rộng, xây dựng mới với tổng chiều dài khoảng 43,6 km theo trục Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy thành đường đô thị từ 4 đến 8 làn xe. Một số đoạn cá biệt trong nội thành sẽ xây dựng 4 làn xe trong giai đoạn đầu. Thời gian hoàn thành khép kín vành đai II trước năm 2010, riêng đoạn Đại La - Trường Chinh - Cầu Giấy sẽ được mở rộng sau năm 2010.
"Đơn giản" nhưng lại không đơn giản chút nào vì cùng với thời gian, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng con đường này đã trở nên vô cùng khó khăn, trong bối cảnh ngân sách có hạn và khung giá đất tăng đều đều qua từng năm. Trong bối cảnh đó, đề xuất xây dựng đường trên cao được xem như một giải pháp tình thế. Và từ đây, giải quyết bài toán giao thông tại các nút Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở là bài toán mới được đặt ra.
Khi công bố quy hoạch Ngã Tư Sở vào năm 2001, một chuyên gia của Sở Quy hoạch Kiến trúc đã nói rằng đối với những nút giao thông quan trọng như Ngã Tư Sở, trong tương lai hoàn toàn có thể là nút giao 3 tầng, thậm chí 4 tầng. Đó cũng là giải pháp mà nhiều đô thị hiện đại đã và đang áp dụng để giải quyết bài toán giao thông.
Sẽ tốt hơn nhiều nếu như đường trên cao vẫn tận dụng được các tuyến cầu vượt hiện có bằng cách xây dựng các tuyến cầu vượt khác mức khác, cho dù điều đó sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu tư. Điều này, chính các chuyên gia giao thông cũng đã đề cập đến bên lề hội thảo giao thông nói trên.
Mới đây nhất, một quan chức Sở Giao thông Công chính Hà Nội cũng đã lên tiếng về phương án này, khẳng định lại chủ trương không phá cầu vượt, nhưng cũng có nghĩa là khẳng định việc dự án đường trên cao sẽ được tiếp tục.
Chuyện dài quy hoạch
Đường trên cao Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy sẽ được xây dựng như thế nào là một ẩn số cho đến thời điểm này. Nhưng, sự lúng túng trong việc xây dựng và thực hiện quy hoạch giao thông của Hà Nội thì đã không còn là ẩn số nữa.
Mười ba năm trước, Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được công bố (sau này được biết đến với tên gọi “Quy hoạch 1998”) với biết bao mục tiêu tốt đẹp được đặt ra trong đó. Nhưng quá nhiều mục tiêu trong quy hoạch đã không thể được hoàn thành.
Chẳng hạn, theo Quy hoạch 1998, Hà Nội phải đạt mục tiêu “hoàn thiện việc xây dựng các tuyến vành đai số 1, số 2 và số 3; đồng thời cần nghiên cứu để chuẩn bị mở vành đai số 4”.
Mục tiêu “hoàn thành đường vành đai 1,2 và 3” tiếp tục được cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy hoạch sau đó, chẳng hạn, theo quyết định số 90/2008/QĐ-TTg ngày 09/07/2008 về quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2020, thời gian hoàn thành khép kín vành đai II được xác định là trước năm 2010.
Mục “Các dự án ưu tiên hoàn thành và triển khai từ nay đến năm 2010” cũng nói rõ rằng trước năm 2010 sẽ “xây dựng khép kín đường vành đai II, đoạn Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Cầu Chui - Sài Đồng - Vĩnh Tuy - Minh Khai; xây dựng khép kín đường vành đai III, đoạn Sài Đồng - Ninh Hiệp - Nội Bài và đoạn tuyến cao tốc nối từ Ninh Hiệp tới đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long…”
Khối lượng công việc quá lớn cộng với khả năng quản lý yếu và nguồn lực không đủ khiến cho Hà Nội liên tục trễ hẹn trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong quy hoạch. Nhiều tuyến đường đã trễ hẹn hàng chục năm và cũng không ai dám trả lời là bao giờ sẽ được hoàn tất.
Hệ quả nhãn tiền là tình trạng tắc đường gia tăng, dẫn tới thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Một tham khảo là, theo tính toán của các chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược và phát triển giao thông vận tải, năm 2009, ùn tắc giao thông đã làm thiệt hại về kinh tế cho Hà Nội ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng/ngày.
Hệ quả khác là vì không biết bao giờ quy hoạch được thực hiện, nên trên phần diện tích lẽ ra dành để mở đường, nhiều công trình kiên cố lại mọc lên để tranh thủ khai thác quỹ đất, dẫn tới sự rối rắm trong trật tự đô thị.
Khi niềm tin về việc thực hiện quy hoạch không có, không ngạc nhiên khi những ý tưởng đại loại như phá dỡ cầu vượt xuất hiện. Quá nhiều mục tiêu quy hoạch đã không được tôn trọng, thì một vài cây cầu cũng có thể bị… coi thường!
Dù không thành hiện thực, những người dân yêu Hà Nội hẳn cũng đã được một phen “giật mình”. Dẫu sao, đây là cơ hội không thể tốt hơn để nhìn lại toàn bộ quy hoạch phát triển thủ đô, nhất là trong bối cảnh bản quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang được hoàn tất.
Theo VnEconomy
0 nhận xét