Ông Vũ Viết Ngoạn. |
Thưa ông, trong các giải pháp 6 tháng cuối năm Chính phủ có đặt vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Việc này theo ông nên làm thế nào?
Biết là đặt ra cơ cấu lâu rồi, hiện nay đã có đề án và Ngân hàng Nhà nước cũng chuẩn bị lâu rồi, nhưng cần phải có quá trình vì tính chất phức tạp và nhạy cảm của nó. Đã đến lúc điều kiện tương đối chín muồi để có thể thực thi các giải pháp quyết liệt hơn.
Giải pháp chung thì đã thực hiện như nâng vốn pháp định lên, áp tiêu chuẩn theo chuẩn mực an toàn quốc tế, còn tới đây sẽ đi vào từng ngân hàng và cần thiết phải có đề án cụ thể hơn.
Phải đặt vấn đề cơ cấu, bởi vì hệ thống tài chính nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng cần phải tăng cường mạnh hơn nữa. Trước khi khủng hoảng tài chính thế giới thì vốn dĩ hệ thống tài chính Việt Nam vẫn coi là yếu. Bây giờ trên thế giới người ta đang cơ cấu lại, đã tăng cường nâng cao năng lực hệ thống tài chính, Việt Nam nếu không đẩy nhanh hơn nữa thì khoảng cách càng doãng ra hơn nữa. Cho nên đó là yêu cầu hết sức là lớn, nhất là khi các tiêu chí an toàn trong hệ thống ngân hàng tài chính thế giới nó đã thay đổi, nâng cấp lên rồi. Không theo kịp được thì hết sức khó khăn, cho nên phải đẩy nhanh hơn nữa.
Vậy việc tái cơ cấu nên theo hướng nào?
Đúng là mình hiện nay có một số ngân hàng nhỏ, năng lực tài chính yếu và không phải chỉ có vấn đề năng lực tài chính yếu mà năng lực quản lý cũng yếu. Điều đó là phải thừa nhận. Phải làm thế nào để quy luật phát triển của thị trường được tôn trọng, nghĩa là ông nào yếu quá thì quy luật phải đào thải.
Tất nhiên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tâm lý xã hội đang nặng nề. Lâu nay vẫn có tâm lý họ đang e ngại, nếu một ngân hàng đổ vỡ thì có thể gây ra hệ thống dây chuyền. Thời điểm hiện nay có thể chưa thích hợp lắm nhưng rồi đến một thời điểm nào đó cũng phải cho nó trở lại theo đúng quy luật: nền kinh tế thị trường thì phải tôn trọng quy luật phát triển của thị trường. Mọi định chế, mọi tổ chức, cá nhân trong đấy đều phải ứng xử theo quy luật của thị trường, cho nên anh nào tốt thì phát triển mà anh nào không tốt thì phải bị đào thải.
Cũng có anh không tốt, anh yếu kém nhưng anh cứ dùng tiền xã hội tiêu pha lãng phí cho nên phải nâng chuẩn lên, anh nào không đạt chuẩn thì phải đào thải. Đấy là một yêu cầu phải đặt ra và trong khi tạm thời chưa đến mức độ đó thì phải hỗ trợ cho họ thế nào đó, cách thức thế nào đó, quản lý họ, kiểm soát họ để hạn chế sự phát triển nó lớn quá thì sau này cái đổ vỡ nó nặng nề hơn, lớn hơn, khó khăn hơn.
Theo ông, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng lúc này có những khó khăn gì?
Khi mà nói đến tái cơ cấu thì bất cứ đối tượng nào đều khó khăn cả. Doanh nghiệp nhà nước khó khăn, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cũng khó khăn và đối với định chế tài chính thì càng khó khăn hơn bởi tính chất của nó là tính chất phức tạp và nhạy cảm.
Nhưng cũng phải ghi nhận quan điểm không thể nóng vội được, mình phải làm theo đặc thù của Việt Nam. Như ở nước ngoài thì trái luật cái người ta có thể làm ngay, nhưng ở mình thì khác, xã hội của mình, nhận thức thị trường của mình còn hạn chế lắm, thí dụ như kinh tế chứng khoán, một cái tin đồn thôi cũng đang còn nháo nhào lên. Những thông tin chính thức, thông tin mang tính chất tạo điều kiện cho thị trường phân tích thì họ phân tích còn ít. Tính chuyên nghiệp không cao cho nên hết sức khó khăn.
Với quan điểm của ông, đâu là những tiêu chí để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng?
Đơn giản là áp dụng tiêu chí quốc tế nhưng ko nên cứng nhắc, cần có điều chỉnh một chút cho hợp lý nhưng cần xây dựng lộ trình, kế hoạch dài hạn và cần có mốc từng thời gian một để đạt các tiêu chí đó, chứ không nên roẹt cái áp dụng các tiêu chí luôn thì sẽ khó và tính khả thi sẽ thấp.
Liên quan đến nhiệm vụ mới của ông, một trong các kiến nghị của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia là giảm tác động mệnh lệnh hành chính trong hoạt động ngân hàng. Vậy làm thế nào để giảm?
Cái này đã tranh luận hết sức sôi nổi tại nghị trường. Hai tư duy đưa ra là tôn trọng quy luật thị trường và cũng có nhiều ý kiến là chưa thể thực hiện được trong điều kiện hiện nay mà phải sử dung cả công cụ hành chính.
Ngay cả lãi suất cơ bản thì khi cần Ngân hàng Nhà nước cũng được phép áp dụng lãi suất trần để điều hành. Hiện nay thì cần áp dụng hành chính nhưng lâu dài thì không hiệu quả, mà cần áp dụng các biện pháp chính sách và biện pháp kinh tế.
Ông có nói đến cơ chế áp trần lãi suất, Chính phủ cũng đã thừa nhận lãi suất huy động VND thời gian qua đã vượt trần. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?
Phải ghi nhận một điều là trong điều hành thực tế đã có quy định lãi suất trần nhưng lãi suất thực tế đã vượt quá 14%/năm. Nhưng phải chia sẻ với ngân hàng là nếu cứ nâng trần lên thì chính sách phải chạy theo thị trường, trong khi chính sách phải điều tiết thị trường. Nhưng kỳ thực là chưa làm được cái điều đó, cũng hiểu là ngân hàng không kiểm soát được cái chỗ đó.
Về lãi suất, từ đầu năm Thủ tướng có nói là dùng lãi suất là công cụ để kiềm chế lạm phát, rồi tiếp đó là quan điểm chờ lạm phát giảm để giảm dần lãi suất. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Chính sách tiền tệ là công cụ vĩ mô, mà công cụ quan trọng là lãi suất. Tăng lãi suất để giảm nhu cầu vay tiền và tăng sức hút gửi tiền, thì khi nào tín hiệu lạm phát giảm thì công cụ này sẽ được điều tiết mềm mại đi, chứ còn hiện nay thì chưa nói lỏng được.
Đúng là một mong muốn của Chính phủ và có lẽ còn là của các nhà kinh tế, nhiều người, là làm thế nào để lãi suất thấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh tốt. Nhưng phải nhìn nhận chính sách tiền tệ trước hết phải thực hiện mục tiêu là chống lạm phát.
Trong điều kiện lạm phát đang như thế này thì phải tăng lãi suất để thắt chặt chính sách tiền tệ. Bây giờ nó có điểm là trong khi chờ lãi suất giảm được thì kinh tế vĩ mô phải ổn định, đó là điểm đầu tiên. Cái thứ hai là phải tăng cường quản lý giám sát hoạt động thị trường ngân hàng.
Câu chuyện lúc nãy vừa nói một số ngân hàng yếu kém, do năng lực tài chính yếu, quản trị rủi ro yếu cho nên họ lâm vào tình thế thanh khoản khó khăn, vì vậy họ huy động bất kỳ lãi suất nào để họ đáp ứng nhu cầu tài chính của họ. Từ cái đấy nó đẩy ra việc ép các ngân hàng khác phải chạy theo họ, nhất là trong giai đoạn chính sách tiền tệ đang thắt chặt.
Cho nên đi liền với tập trung ổn định kinh tế vĩ mô để có thể lãi suất nó hạ được xuống thì phải quản lý thị trường sao cho tốt, quản lý hệ thống ngân hàng cho tốt. Ngay cả từng ngân hàng cũng phải quản lý chi phí của các ngân hàng bởi vì nếu không tập trung quản lý các chi phí thì giá thành nó cao và lãi suất cũng sẽ cao.
Cho nên đối với các ngân hàng quản lý có mấy cái, một là với các ngân hàng yếu kém không để cho nó lây lan virus, thứ hai từng ngân hàng phải quản lý chi phí của mình cho nó tốt; cuối cùng là các cơ quan hoạch định chính sách cũng phải tập trung vào yêu cầu quản lý đó.
Theo VnEconomy
0 nhận xét