Theo Ban Điều phối phát triển ca cao Việt Nam (VCC), Việt Nam có hơn 20.500ha ca cao, trong đó gần 7.000 ha thu hoạch, sản lượng trên 4.800 tấn/năm. Có 15 tỉnh trồng ca cao, chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long (Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trả Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ), Đông Nam bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Thuận), Tây Nguyên (Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai) và một số tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung bộ. Với diện tích và sản lượng khiêm tốn như vậy, Việt Nam vẫn chưa được giới kinh doanh chú ý nhiều…
|
Việt Nam nên tận dụng cơ hội khai thác hiệu quả cây ca cao |
Tuy nhiên, trên thị trường thế giới hiện nay, nguồn nguyên liệu ca cao đang trở nên hiếm và đắt đỏ. Theo ông Nguyễn Vĩnh Thành, chuyên gia phân tích về ca cao của Tập đoàn Cargill tại Hà Lan, sản lượng ca cao toàn cầu những năm qua không tăng nhiều do bất ổn ở những nước sản xuất ca cao hàng đầu như Bờ Biển Ngà (nước sản xuất ca cao lớn nhất thế giới) bị giảm sản lượng khoảng 38% vì nội chiến, Ghana giảm khoảng 19%. Riêng Indonesia là nước sản xuất ca cao lớn ở châu Á (nhưng chất lượng thấp) năm nay dự báo giảm khoảng 20% sản lượng.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng hạt ca cao trên thế giới vẫn tăng, dẫn đến tình trạng cung không đủ cho nguồn cầu, đặc biệt là các nước như Brazil, Nga, Ucraina, vùng Trung Đông… trong khi giá ca cao thế giới từ niên vụ 2006 - 2007 đến 2010 - 2011 luôn có xu hướng đi lên. Trước tình hình trên, những nhà chế biến ca cao sẽ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung thay thế trong thời gian tới. Có thể nói, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển diện tích và sản lượng ca cao. Năm 2004 ca cao Việt Nam bắt đầu thu hoạch và có sản lượng hàng hóa để xuất khẩu, nhưng sản lượng vẫn còn rất nhỏ trên bản đồ những nước trồng ca cao thế giới.
Tuy vậy, các nhà chế biến ca cao tại châu Âu lại kỳ vọng Việt Nam sẽ là nước sản xuất hạt ca cao như Indonesia. Bởi họ đã chứng kiến nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới; chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hạt điều nhất nhì thế giới; nông dân Việt Nam nhanh nhạy trong việc áp dụng công nghệ và giống cây con mới trong sản xuất. Hơn nữa, qua việc các nước tài trợ cho việc trồng ca cao xen vườn dừa, trái cây, cà phê… ở Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Phước cho thấy, dù năng suất chưa phải là cao so với thế giới, nhưng chất lượng hạt lại được các nhà chế biến trên thế giới công nhận vào loại hàng đầu.
Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có chương trình phát triển cây ca cao với quy mô lớn. Diện tích cây ca cao hiện có là do người dân tự trồng từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài như ACDI/VOCA... Vì vậy, để cây ca cao trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao như cà phê, tiêu, điều, cần có chính sách hỗ trợ phát triển, thông qua việc lập quỹ hỗ trợ nông nghiệp, giúp nông dân một phần về nguồn cây giống, vốn.
Nguồn vốn cho quỹ này, cũng theo ông Nguyễn Vĩnh Thành, có thể tìm được thông qua một số ngân hàng các nước, như Ngân hàng Rubabank của Hà Lan. Đây là một trong những ngân hàng lớn thế giới thường tài trợ những dự án về nông nghiệp cho nhiều quốc gia ở các nước đang phát triển. Ngân hàng này đang quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, nhất là cây ca cao ở Việt Nam.
CÔNG PHIÊN// SGGP
0 nhận xét