Dưới sức ép của Apple và sự lớn mạnh nhanh chóng của các dòng điện thoại Android, hai tên tuổi lớn- Nokia và RIM đang mất dần ưu thế trên thị trường điện thoại di động. Vì vậy, để níu giữ thị phần, hai hãng đang đưa ra những chiến lược riêng đầy may rủi.
Nokia đặt cược vào Windows Phone
Nokia đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ thuộc nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau. Ở phân khúc cao cấp nhất, họ đang phải vật lộn với các smartphone khác như iPhone của Apple, Blackberry của RIM cũng như các dòng Android khác. Còn trong phân khúc bình dân, họ đang phải đối mặt với các nhà sản xuất điện thoại ở thị trường đang nổi, các hãng này liên tục giảm giá sản phẩm của họ.
Trong khi phần cứng không có sự đột phá, điện thoại Nokia lại hoạt động trên những hệ điều hành già cỗi và lỗi thời. Đến chính CEO của Nokia - Stephen Elop cũng phải thừa nhận rằng, Nokia quá chậm chạp để đối phó với các thách thức từ các đối thủ.
Mãi tới đầu năm nay, Nokia mới nhận ra rằng, họ đang đứng trên một “nền tảng đang cháy”. Symbian và MeeGo - hai hệ điều hành của Nokia quá đắt đỏ để duy trì và họ đã có nhiều năm đứng sau các đối thủ cạnh tranh khác về kiểu dáng thiết kế và khả năng sử dụng. CEO mới của Nokia đã nhận ra điều này và quyết định bắt tay với Microsoft. Theo đó, Nokia sẽ sử dụng Windows Phone 7 trên các smartphone hàng đầu của mình.
Các điện thoại đầu tiên của Nokia hoạt động trên Windows Phone 7 sẽ được ra mắt vào cuối năm nay trong khi điện thoại Symbian và MeeGo sẽ bị bỏ rơi dần dần trong các tháng tới (hoặc bị bỏ sang danh mục các điện thoại giá rẻ).
Các chuyên gia cho rằng, Nokia đang chuyển mình từ hệ điều hành già cỗi và lỗi thời – Symbian để chuyển sang hệ điều hành mới của Microsoft. Tuy nhiên, hãng khẳng định rằng vẫn cho ra đời những dòng sản phẩm hoạt động trên hệ điều hành Symbian hay MeeGoo (hệ điều hành hợp tác giữa Nokia và Intel, nhưng đến giờ vẫn không thành công).
Cho dù vậy, Nokia cũng đang đặt cược sự may rủi vào Windows Phone 7 khi chính hệ điều hành này cũng là sự chuyển mình của Microsoft, sau một thời gian dài “gặm nhắm” Windows Mobile lỗi thời. Do đó, gần một năm sau khi phát hành, thị phần của Windows Phone 7 vẫn còn rất “khiêm tốn” so với các đối thủ, chỉ vỏn vẹn có 1% thị phần trên thị trường di động tại Mỹ. Như vậy, kể từ khi Windows Phone 7 xuất hiện, thị phần của Microsoft trong lĩnh vực hệ điều hành smartphone đã giảm 35%.
Có lẽ chính tình hình Windows Phone không mấy sáng sủa như vậy nên Nokia đã quyết định chi 130 triệu USD để thay đổi hình ảnh cho các sản phẩm chạy trên Windows Phone sắp ra mắt của hãng. Chiến dịch này có phạm vi trên toàn cầu và kéo dài trong vòng 6 tháng kể từ tháng 10/2011.
Với chiến dịch này, các chuyên gia cho rằng, Nokia sẽ giúp tiếp đà cho hệ điều hành của đối tác Microsoft sau bước khởi đầu chậm chạp và hy vọng sẽ mang lại vận may cho cả hai, để có thể cạnh tranh cùng các các đối thủ “nặng ký” khác.
RIM bừng tỉnh với loạt smartphone mới
Từng nổi tiếng với các dòng sản phẩm smartphone dành cho phân khúc doanh nghiệp nhưng chính trong phân khúc này, RIM đang phải chịu sức ép cạnh tranh từ các đối thủ khác như Apple và các hãng sản xuất điện thoại Android khác. Còn trong phân khúc bình dân, điện thoại Android giá rẻ đang tràn ngập tại Châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Âu. Chúng đã và đang đe dọa những chiếc điện thoại giá rẻ của RIM.
Trong vòng hai năm qua, thị phần của RIM tại Bắc Mỹ đã giảm từ 54% xuống còn 13%, theo Pierre Ferragu, nhà nghiên cứu tại Sanford C. Bernstein & Co. RIM đang mất dần khách hàng bởi những chiếc iPhone bóng bẩy và điện thoại chạy Android. Từ tháng 8 năm trước tới nay, hãng chưa giới thiệu một chiếc điện thoại đỉnh cao nào.
Trong khi đó, mới đây, Apple đã giới thiệu hệ điều hành iOS mới với nhiều tính năng được vay mượn từ RIM như chức năng chat iMessage và nhiều tính năng phục vụ cho người dùng doanh nghiệp. Apple và các hãng sản xuất Android đang ngấp nghé phân khúc này như một miếng mồi béo bở để bành chướng thêm thị phần.
Có lẽ chính vì vậy, RIM đã phải quyết định “trở lại cuộc chiến” với 7 chiếc điện thoại BlackBerry mới. Hãng dự kiến sẽ cho ra mắt 7 “chiến binh” này vào cuối năm nay nhằm cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường, đồng thời sẽ cải tiến hệ điều hành của chính hãng để có thể đuổi kịp các gã khổng lồ khác trong phân khúc “nóng bỏng” này. Đây có thể là bước khởi đầu mới mà RIM đang cần để vực dậy một thời vàng son của dòng BlackBerry.
Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục thua trong “cạnh bạc” này, cả RIM và Nokia đều sẽ mất dần chỗ đứng trong cuộc chiến di động đang thay đổi chóng mặt, đồng thời nguy cơ bị “thôn tính” đang chờ đợi phía trước khi đà sụt giảm mạnh thị phần tiếp diễn.
Tuệ Minh - (Tổng hợp)
Theo VnMedia
0 nhận xét