"Chúng ta cần minh bạch thông tin. Tuy nhiên, minh bạch phải đảm bảo 2 điều kiện: công chúng khái quát được tình hình và thông tin không thể hiểu theo nhiều nghĩa". Đó là quan điểm của TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trong cuộc trao đổi về chủ đề nợ xấu với ĐTCK.
Theo NHNN, nợ xấu của hệ thống ngân hàng là dưới 3%. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn và đáng lo ngại là nợ xấu đang tăng khá nhanh. Ông bình luận gì về việc này?
Nợ xấu của Việt Nam không phải là câu chuyện mới nổi lên. Giữa những năm 1990, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam dần lên cao và đạt trên 13% vào cuối những năm 1990. Khi đó, Việt Nam cùng với IMF có một chương trình cải tổ hệ thống NHTM, đưa một số ngân hàng vào diện giám sát đặc biệt và cải cách DNNN.
Đến cuối năm 2010, tỷ lệ nợ xấu theo cách tính của Việt Nam là 2,5%. Còn nếu tính toàn bộ dư nợ của hệ thống ngân hàng đối với Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là 0,7% thì nợ xấu của năm 2010 vào khoảng 3,2%. Trong môi trường hiện nay, xu hướng nợ xấu và nợ quá hạn tăng lên là điều có thể nhìn thấy, bởi môi trường kinh doanh rất khó khăn trong điều kiện chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt, đầu tư công giảm, chi phí đầu vào tăng.
Theo NHNN, hiện tại nợ xấu của hệ thống ngân hàng xung quanh mức 3% và mục tiêu cơ quan này đề ra cho năm nay là trường hợp xấu nhất thì cũng chỉ dưới 5%. Bản thân mục tiêu đề ra như vậy cũng cho thấy vấn đề nợ xấu có chiều hướng tiếp tục tăng.
Vậy điều đó có nguy hiểm không, thưa ông?
Nếu chỉ nhìn con số tổng thể đó thì không có gì là ghê gớm, nhưng đi sâu vào phân tích thì thực sự có không ít vấn đề.
Thứ nhất, rủi ro của hệ thống tài chính và ngân hàng mang tính hệ thống, nghĩa là một đổ vỡ nào đó nếu không được xử lý tốt sẽ khiến cả hệ thống bị ảnh hưởng theo. Cho nên, bên cạnh con số trung bình đó, phải nhìn con số của từng định chế tài chính riêng biệt. Con số trung bình chưa nói lên được nhiều điều. Nếu định chế tài chính lớn mà nợ xấu lớn thì mức công phá, lan toả của sự rủi ro lớn, còn nếu định chế nhỏ thì dễ "thoát hiểm" hơn. Đằng sau đó là hệ thống cảnh báo, khắc phục như thế nào thì Việt Nam cũng ít nhiều đã có kinh nghiệm, cũng như những bài học của nhiều nước trong các cuộc khủng hoảng tài chính.
Thứ hai, gắn với rủi ro liên quan đến bất động sản, vì đó thường là các khoản vay lớn và tính lành mạnh của NHTM phụ thuộc vào sự lên dốc và xuống dốc của bất động sản, cũng như tài sản được thế chấp vào ngân hàng. Cái đẹp, cái tốt hay cái xấu trong bản cân đối tài sản NHTM phụ thuộc không nhỏ vào biến động của thị trường bất động sản.
Thứ ba, đặc thù ở Việt Nam là mối quan hệ giữa tín dụng và DNNN. Mặc dù tỷ trọng cho vay đối với khu vực này nhỏ dần, từ 70 - 80% đầu những năm 1990 nay còn 30 - 35% trong tổng tín dụng, nhưng vẫn là con số lớn. Những yếu kém của khu vực DNNN, sự đổ vỡ của Vinashin, nguy cơ rủi ro của một vài tập đoàn sau khi được kiểm toán là những mầm mống chứa đựng rủi ro tín dụng, nợ xấu tăng của hệ thống NHTM.
Thứ tư, độ chính xác và minh bạch thông tin. Ví dụ, con số nợ xấu/nợ quá hạn từ trước đến nay vẫn nói là theo thông lệ Việt Nam. Thông lệ này đang dần được hoàn thiện theo chuẩn mực quốc tế, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách khá lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tính theo đúng chuẩn quốc tế thì tỷ lệ nợ xấu và quá hạn của Việt Nam sẽ cao gấp khoảng 3 lần con số được công bố. Điều quan trọng nữa, như đã nói ở trên, là con số đó ở từng định chế tài chính là bao nhiêu. Nói chung, trong số các rủi ro của hệ thống NHTM Việt Nam, nợ quá hạn và nợ xấu vẫn là một rủi ro tiềm ẩn và phải hết sức quan tâm.
Vậy cần có giải pháp gì để ngăn ngừa nợ xấu gia tăng, cũng như hạn chế rủi ro, thưa ông?
Hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay có 4 rủi ro: thanh khoản, sai lệch cơ cấu thời hạn, sai lệch cơ cấu đồng tiền và nợ xấu. Tuỳ thời điểm mà rủi ro nào tăng lên, nhưng tất cả các nguy cơ đều đang tồn tại. Lý do bởi yếu kém về những nền tảng kinh tế vĩ mô, mức độ đô la hóa cao, biến động khó lường của môi trường kinh tế trong và ngoài nước, năng lực hạn chế trong quản trị của doanh nghiệp... Đặc biệt, hệ thống tài chính - ngân hàng mặc dù đã "tinh xảo" hơn, nhưng quản trị rủi ro và năng lực giám sát vẫn còn nhiều điều phải hoàn thiện.
Do vậy, để ngăn ngừa nợ xấu và rủi ro khác gia tăng, trước hết cần phải nhanh chóng nâng cao nâng cao năng lực quản trị rủi ro của các định chế tài chính và hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam, trong đó có NHNN. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống cảnh báo sớm cùng những phương án xử lý nếu xảy ra sự cố "đổ vỡ" nào đó trong hệ thống tài chính - ngân hàng, để hạn chế thiệt hại của những bên trực tiếp liên quan và đặc biệt là giảm thiểu rủi ro mang tính hệ thống do tính lan toả của rủi ro tài chính.
Hậu quả của sự cố đổ vỡ là bản thân NHTM, những doanh nghiệp đang làm ăn, cả tốt và xấu, với ngân hàng đều thiệt hại. Người gửi tiền, dù được bảo hiểm, cũng thường phải chịu "mất mát", hoặc do mức độ bảo hiểm tiền gửi hạn chế, hoặc do chi phí về thời gian. Tuy nhiên, thiệt hại lớn nhất là nếu không được xử lý kịp thời, rủi ro có tính hệ thống sẽ gia tăng, dẫn đến khủng hoảng tài chính, kinh tế. Khi đó toàn bộ nền kinh tế và xã hội sẽ phải chịu thiệt hại rất lớn.
Trên thực tế, khi định chế tài chính, NHTM sụp đổ, Chính phủ thường giơ tay ra cứu. Đây không phải là sự ưu ái, mà chỉ để tránh một sự sụp đổ lớn hơn đối với cả một hệ thống, một nền kinh tế. Chính câu chuyện này cũng dẫn đến một điều là "rủi ro đạo đức". Một số định chế tài chính, NHTM có thể "làm ăn liều", bởi họ cho rằng, kiểu gì Chính phủ cũng phải cứu khi họ có vấn đề, bởi nếu không cả hệ thống sụp đổ. Do vậy, quay lại câu chuyện đã bàn là phải tăng cường giám sát, hạn chế "rủi ro đạo đức".
Nhiều ý kiến cho rằng, việc minh bạch thông tin, đặc biệt là thông tin nợ xấu cần hết sức thận trọng, nếu không có thể xảy ra những hậu họa khó lường. Vậy theo ông thì thế nào?
Tôi thiên về quan điểm rằng, chúng ta cần minh bạch thông tin, kể cả thông tin có phần nhạy cảm như thông tin nợ xấu. Đồng thời, phải hiểu thế nào là minh bạch? Minh bạch không có nghĩa là các quốc gia, các định chế tài chính không có vấn đề bí mật. Quốc gia nào, định chế tài chính nào cũng có những bí mật riêng.
Minh bạch không hoàn toàn có nghĩa là phải công bố mọi thứ. Tuy nhiên, minh bạch phải đảm bảo 2 điều kiện: Một là, thị trường và công chúng phải đủ thông tin ở mức nào đó để có nhận định không sai lệch, khái quát được tình hình. Hai là, khi đã công bố thì không thể hiểu theo nhiều nghĩa.
Minh bạch không hoàn toàn có nghĩa là phải công bố mọi thứ. Tuy nhiên, minh bạch phải đảm bảo 2 điều kiện: Một là, thị trường và công chúng phải đủ thông tin ở mức nào đó để có nhận định không sai lệch, khái quát được tình hình. Hai là, khi đã công bố thì không thể hiểu theo nhiều nghĩa.
Lưu ý là ngay cả trong các nền kinh tế được xem là có độ minh bạch cao thì lựa chọn cách công bố thông tin, chẳng hạn về mục tiêu chính sách, cũng có thể khác nhau. Ví dụ, mục tiêu (trung gian) của chính sách tiền tệ Singapore là tỷ giá, nhưng NHTW không nêu rõ con số tỷ giá mục tiêu, mặc dù có thể nhấn mạnh tầm quan trọng mục tiêu đó đối với khả năng cạnh tranh, xuất khẩu hay lạm phát, tùy thời điểm.
Vấn đề là đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của chính sách, nhưng nói như vậy không có nghĩa Singapore không minh bạch. Điều cũng không kém phần quan trọng là trong nhiều trường hợp, cách lựa chọn công bố thông tin của cơ quan công quyền còn là nghệ thuật cân bằng giữa những khía cạnh kỹ trị và chính trị.
Vấn đề là đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của chính sách, nhưng nói như vậy không có nghĩa Singapore không minh bạch. Điều cũng không kém phần quan trọng là trong nhiều trường hợp, cách lựa chọn công bố thông tin của cơ quan công quyền còn là nghệ thuật cân bằng giữa những khía cạnh kỹ trị và chính trị.
(Theo ĐTCK)
0 nhận xét