Số liệu khảo sát cho thấy, 36% người tham gia khảo sát nói không dùng thẻ tín dụng vì chưa có nhu cầu, 19% thiếu thông tin, 18% thủ tục bất tiện, phức tạp và 7% là do áp phí cao.
Đại lý chấp nhận thẻ vẫn “cổ vũ” dùng tiền mặt
Hiện chưa có nhiều người dùng dịch vụ này do vẫn chưa thực sự tiện lợi như khi dùng tiền mặt. Một trong những nguyên nhân khiến những người dùng thẻ tín dụng vẫn "cất thẻ vào bóp" là các đơn vị chấp nhận thẻ tại Việt Nam vẫn có nơi tính phí đối với khách hàng dùng thẻ tín dụng để thanh toán.
Chị Nhân, một nhân viên ngân hàng ở TP.HCM cho biết chị khá bực mình về chuyện bị tính thêm phí khi sử dụng thẻ tín dụng thanh toán tiền phòng ở một số khu resort tại Bình Dương, Phan Thiết, thậm chí là một số điểm mua hàng trong TP.HCM. Mặc dù tại các địa điểm này đều có treo bảng chấp nhận thanh toán thẻ nhưng khi thanh toán họ lại "thích" khách hàng thanh toán bằng tiền mặt, còn nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng thì phải chịu phí lên tới 3%, chị Nhân cho biết.
Mặc dù có nhiều tiện lợi nhưng thẻ tín dụng vẫn chưa thu hút nhiều người dùng. Theo Nielsen, 36% người tham gia khảo sát nói không dùng thẻ tín dụng vì chưa có nhu cầu. Ảnh: CTV |
Khảo sát thực tế tại một số cửa hàng trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (TP.HCM), chúng tôi cũng được phần lớn các chủ cửa hàng ở đây "khuyến khích" dùng tiền mặt, nếu không sẽ bị tính phí. Khi được hỏi lý do, trong khi các ngân hàng phát hành đều cho rằng đây là việc làm không đúng theo quy định, thì các chủ cửa hàng lý giải: Ngân hàng thanh toán sẽ thu phí giao dịch từ 2 - 3% trên giá trị giao dịch với mỗi hoá đơn thanh toán bằng thẻ tín dụng. Ở những nơi có khách hàng thanh toán thẻ thường xuyên, phần phí trên thường được cộng vào giá niêm yết. Trong khi đó, lượng khách hàng thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng ở đây chiếm đến 95% nên giá bán là giá chưa tính thêm phần phí ngân hàng sẽ thu, vì vậy họ phải thu thêm từ khách hàng thanh toán bằng thẻ, nếu không họ sẽ lỗ.
Mặt bằng lãi suất thẻ tín dụng đang cán mức từ 22 - 24%, thậm chí có ngân hàng lên đến 28% đang thực sự khiến khách hàng ngần ngại. Khảo sát thực tế tại một số siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM, phần lớn các chủ cửa hàng đều cho biết, số khách hàng dùng thẻ tín dụng thanh toán gần đây giảm nhiều, vào khoảng 15%. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương cho rằng tâm lý người Việt Nam ngại vay nợ, dù vay bằng thẻ. Nếu lãi suất cao quá thì người tiêu dùng dễ trở lại thói quen dùng tiền mặt. Chúng ta chỉ mới có khoảng 3 triệu thẻ tín dụng mà ai cũng cất thẻ trong bóp, thì rất khó để thị trường thẻ phát triển.
Khách hàng có quyền khiếu nại đại lý
Theo quy định của hiệp hội Thẻ Việt Nam và tổ chức Thẻ quốc tế thì các đại lý chấp nhận thẻ không được tính phí khách hàng. Ngân hàng thanh toán (ngân hàng cấp máy cho các đại lý - PV) phải có nhiệm vụ kiểm tra và phạt các đại lý chấp nhận thẻ thu phí của khách hàng. Sau ba lần bị phát hiện thì phải có biện pháp như thu máy, chấm dứt không cho chấp nhận thẻ... với đại lý đó.
Tuy nhiên, thực tế các ngân hàng thanh toán không thực hiện tốt vai trò này vì nhiều lý do, nên số lượng đại lý thu thêm phí của khách hàng thanh toán bằng thẻ vẫn còn phổ biến ở các thành phố có khách du lịch nhiều như Hà Nội, Hội An và TP.HCM... trưởng phòng dịch vụ thẻ của một ngân hàng thương mại cổ phần ở TP.HCM cho biết. Hiện nay, uỷ ban Phòng chống thu phí của tổ chức Thẻ quốc tế Visa đã hoạt động ở Việt Nam, chuyên kiểm tra giám sát các đại lý chấp nhận thẻ và thông báo đến ngân hàng thanh toán có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện sai phạm của đại lý. Về phần mình, các khách hàng khi bị đại lý nào tính phí thì nên giữ hoá đơn, bảng kê mua hàng để gửi đến ngân hàng phát hành thẻ khiếu nại để được hoàn trả phí.
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều ân hạn lãi suất cho khách hàng thẻ tối đa là 45 ngày kể từ ngày giao dịch, lãi suất áp dụng khi khách hàng không thanh toán đầy đủ giá trị giao dịch tháng trước thường chỉ xấp xỉ lãi suất cho vay tín chấp của ngân hàng.
Theo SGTT
0 nhận xét