Từ nhiều tháng nay, người dân Ấn Độ đã có thể tố cáo tình trạng tham nhũng, nhận hối lộ trong bộ máy công quyền trên trang web ipaidabribe.com (Tôi đã hối lộ). Trang web ra đời theo sáng kiến của tổ chức phi lợi nhuận có tên Janaagraha, đặt tại Bangalore nhằm giúp người dân giải tỏa những bức xúc khi bị buộc phải hối lộ để công việc được trôi chảy; hướng dẫn người dân những biện pháp tránh phải hối lộ. Song song đó, trang web kêu gọi chính phủ hãy lưu tâm hơn đến tiếng nói của người dân, xử lý những vị quan chức bị tố cáo thường xuyên nhận hối lộ, tham nhũng.
Người dân Ấn Độ tuần hành chống tham nhũng. |
Trên trang web có thể bắt gặp những câu chuyện do người dân kể lại như đưa 2.000 rupee (44 USD) để khỏi bị cảnh sát bắt sau khi va chạm với xe người khác, 5.000 rupee để được cấp hộ chiếu sau 5 tháng chờ đợi, 10.000 rupee để hải quan khỏi tịch thu máy tính xách tay ở sân bay. Khi xin giấy phép hoạt động cũng phải để cái gì đó đi trước rồi giấy phép mới đến sau, nếu đi bệnh viện công sẽ phải chờ dài cổ mới được chăm sóc, trừ phi có quen biết bác sĩ hay lót tay họ. Xây sửa nhà cũng gặp khó nếu không có chút tiền cho những người cấp phép hài lòng… điều này đã trở thành một phần của cuộc sống.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh từng cảnh báo rằng nạn tham nhũng, hối lộ đang làm tổn hại uy tín của Ấn Độ ở nước ngoài, khiến các nhà đầu tư quốc tế e ngại, tạo ra suy nghĩ sai lệch trong xã hội khi nảy sinh suy nghĩ có “chung chi” thì việc mới trôi chảy. Ông nhấn mạnh: “Tham nhũng lan tràn đang làm lu mờ hình ảnh đất nước chúng ta. Hiện tượng này đang làm nản lòng các nhà đầu tư, những người luôn mong muốn sự đối đãi công bằng và minh bạch, làm tổn hại đến sự tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ theo nhiều cách khác nhau, cũng như cản trở những nỗ lực của chúng ta trong quá trình xây dựng một xã hội bình đẳng, công bằng và vô tư”.
Website ipaidabribe.com ra đời đã thật sự đáp ứng mong mỏi của người dân Ấn Độ. Nó trở thành diễn đàn quen thuộc để người dân chia sẻ những câu chuyện xung quanh việc hối lộ, tham nhũng và trao đổi những biện pháp để tránh bị buộc phải hối lộ. “I Paid a Bribe” còn gây được sự chú ý của nhiều quan chức. Tính tới nay, trang này đã ghi nhận gần 10.000 vụ hối lộ trên khắp 347 thành phố và 19 cơ quan chính phủ. Đã có nhiều trường hợp dựa trên lời tố cáo của những người dân trên trang web bị đưa ra ánh sáng và xét xử theo pháp luật. Nhận thấy sự bức xúc của nhiều người dân trong xã hội, Chính phủ Ấn Độ đã thúc giục các cơ quan thẩm quyền nhanh chóng điều tra những hành vi sai trái mà không có bất kỳ sự nể nang nào, để qua đó những công chức quan liêu và lười biếng không có cơ sở để “dựa dẫm”.
Tiếng vang của “I Paid a Bribe” đã vượt ra khỏi biên giới nước Ấn. Mô hình những trang web tố cáo tham nhũng, hối lộ như “I Paid a Bribe” đã được nhân rộng tại nhiều quốc gia khác trên thế giới. Giải quyết vấn nạn hối lộ, tham nhũng không thể hoàn thành trong một sớm một chiều. Nhưng với sự ra đời của “I Paid a Bribe”, người dân có thể từ vị trí của nạn nhân trở thành một phần của giải pháp chống tham nhũng, hối lộ đang trở thành một lực cản cho nền kinh tế đang phát triển của quốc gia này.
Thanh Hằng
Theo SGGP
0 nhận xét