Trong suốt ba thế kỷ qua, thành phố Ulan Ude thuộc nước Cộng hòa Buryatia của Nga dường như bị lãng quên. Tuy nhiên, trong một động thái bất thường, các nhà lãnh đạo Nga mới đây nhóm họp tại Ulan Ude để đánh dấu kỷ niệm năm thứ 350 ngày Cộng hòa Buryatia gia nhập liên bang Nga. Đằng sau những lời ca và các điệu múa là những vấn đề địa chính trị.
Không quản ngại chặng đường dài bay qua 5 múi giờ để đến Buryatia, Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố, giới lãnh đạo tại Buryatia sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ giữa Nga và châu Á.
“Đây là một cửa ngõ có ý nghĩa quan trọng về mặt địa chính trị. Cửa ngõ này sẽ giúp củng cố các đường biên giới phía Đông của Nga và tăng cường sự hiện diện của Nga tại châu Á”, ông Putin nhấn mạnh.
Nga tập trung phát triển Ulan Ude thành cửa ngõ vào châu Á. |
Bộ trưởng Tài Chính Nga Alexei Kudrin cũng ca tụng Ulan Ude là một trung tâm Phật giáo tại nước Nga. Theo ông, những bài ca, điệu múa và nét mặt Mông Cổ thể hiện dấu ấn Á châu đậm nét ở thành phố này.
Ông Alexei Kudrin tiết lộ, Moscow đang triển khai kế hoạch chi 500 triệu USD để nâng cấp hệ thống đường sá, sân bay và khách sạn ở Ulan Ude để du khách người châu Á được phục vụ theo tiêu chuẩn quốc tế khi đến viếng thắng cảnh hồ Baikal.
Ngoài ra, dự kiến, thành phố Ulan Ude sẽ chủ trì một hội nghị Bộ trưởng Tài chính đến từ 21 nước ven Thái Bình Dương tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm tới. Ông Kudrin hy vọng, sau hội nghị này, du khách cũng như giới đầu tư Á châu sẽ “để ý” hơn đến Ulan Ude.
Vì vậy, Bộ trưởng Tài chính Nga khuyến khích giới lãnh đạo Buryatia tích cực thể hiện những truyền thống văn hóa phong phú, trong đó có nhiều nét tương đồng với các quốc gia châu Á, của mình.
Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chiến lược của Nga. |
Theo giới phân tích, sở dĩ Chính phủ Nga chuyển hướng phát triển Ulan Ude là bởi sức hút quá mạnh mẽ của châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Trong chuyến viếng thăm St. Petersburg, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng đề cập đến mục tiêu tăng gấp bốn lần kim ngạch thương mại song phương Trung-Nga trong thập niên này, lên tới 200 tỷ USD vào năm 2020.
Ngoài ra, theo thỏa thuận khổng lồ về khí đốt, Trung Quốc sẽ mua khoảng 1.000 tỷ USD khí đốt từ Siberia của Nga trong vòng 30 năm, bắt đầu vào năm 2015. Số lượng khí đốt này tương đương với gần một nửa số khí đốt hằng năm Nga bán cho châu Âu và mức tiêu thụ này có thể ngang ngửa với mức tiêu thụ của toàn châu Âu vào năm 2035.
0 nhận xét