Tệ nạn ma túy bùng phát với nhiều loại ma túy tổng hợp; mại dâm biến tướng tràn lan ở các dạng thức khác nhau
Nhiều trăn trở, lo lắng về tình trạng các tệ nạn xã hội đang gia tăng trên địa bàn TPHCM được đưa ra tại cuộc họp sơ kết công tác cai nghiện ma túy, phòng chống mại dâm và mua bán người do Sở LĐ-TB-XH TPHCM tổ chức ngày 22-7.
Lo ma túy tái bùng phát
Theo thượng tá Ngô Văn Thêm, Phó trưởng Công an quận 6, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2011, số vụ mua bán, sử dụng ma túy được phát hiện trên địa bàn quận bằng cả năm 2010. Những điểm tập trung nhiều đối tượng tiêm chích, mua bán ma túy là các cây cầu nối qua quận 8. Nhiều loại ma túy tổng hợp được thay thế dần cho heroin khiến cơ quan công an rất khó xử lý, kể cả mặt văn bản lẫn kỹ thuật.
Có những loại ma túy test không có kết quả trong khi que chuyên dùng phát hiện hàng “đá” lại rất hạn chế về số lượng, nếu dùng test đối tượng mà có kết quả âm tính thì phải tự bỏ tiền túi ra thanh toán (100.000 đồng/que). “Thanh thiếu niên hiện sử dụng hàng “đá” rất nhiều, họ thuê phòng khách sạn có khi hàng tuần liền để hoạt động phạm pháp. Có nhóm còn thuê nhà chung cư trên lầu cao và mướn cả kỹ sư hóa chất để chế biến ma túy tổng hợp. Tình hình ngày càng phức tạp”- ông Thêm nói.
Cơ quan chức năng đang lập biên bản vi phạm đối với các tiếp viên
một quán karaoke ôm trên đường Lê Hồng Phong, quận 5-TPHCM
Phó Phòng LĐ-TB-XH quận Tân Bình, bà Nguyễn Minh Hiền, cho biết chỉ trong một con hẻm số 6 Bùi Thị Xuân (phường 2, quận Tân Bình) có đến 334 người liên quan đến ma túy. Đặc biệt có một phụ nữ từng 7 lần vào tù vì buôn bán ma túy, mỗi lần bị bắt giam, bà ta tìm cách mang thai để được thả ra. Hẻm “thần chết” này chỉ được khống chế và chuyển hóa dần khi quận Tân Bình tập trung gần như 100% lực lượng, chốt chặn kiểm soát 24/24 giờ.
Điều khiến các địa phương đau đầu nhất trong công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy là quản lý người sau cai nghiện tại cộng đồng. Thực trạng tái nghiện phổ biến và rất nhiều người sau cai lọt ra khỏi tầm kiểm soát của địa phương làm dấy lên lo ngại về tội phạm trộm cắp, cướp giật. “Chúng tôi xác định rõ những tác hại đó và đã rất nỗ lực quản lý người sau cai khi họ trở về địa phương nhưng cuối cùng cũng… bó tay!”- bà Nguyễn Thị Hồng Phượng, Phó Phòng LĐ-TB-XH quận 12, chia sẻ.
Khó xử lý mại dâm
Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TPHCM, hiện có 10 quận, huyện hoàn toàn không có điểm, tụ điểm hoạt động mại dâm. Ở những địa phương khác, ngoài Phú Nhuận (15 điểm) và Bình Thạnh (7 điểm), con số thống kê được rất ít.
Mặc dù thống kê tăng 3,77% so với năm ngoái, số đối tượng mại dâm được quản lý cũng chỉ là 102 người. Từ đầu năm đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành các cấp từ TP đến quận-huyện, phường-xã-thị trấn đã kiểm tra trên 6.000 lượt đối với các điểm kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như nhà hàng, nhà trọ, bar, cà phê, karaoke, massage, tiệm hớt tóc... Kết quả phát hiện 4.252 trường hợp vi phạm.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội cũng đã phối hợp với ngành công an phá 37 án mại dâm, xử lý 141 người liên quan. Ông Lê Văn Khá, đại diện Phòng LĐ-TB-XH huyện Củ Chi, cho rằng dư luận phản ánh rất nhiều về tệ nạn mại dâm và thực tế nó hoạt động tràn lan ở nhiều địa phương nhưng phần phát hiện, xử lý rất hạn chế. “Số đối tượng mại dâm đưa vào quản lý giáo dục chỉ có 102 người trong 6 tháng là rất ít. Nếu chỉ chừng ấy số tụ điểm mại dâm như báo cáo nêu thì tôi chắc chỉ trong một tháng là xóa sạch tệ nạn này”- ông Khá đặt nghi vấn.
Nhiều đại biểu cho rằng muốn kéo giảm tệ nạn mại dâm, trước hết phải kiểm soát được hệ thống nhà nghỉ đã và đang mọc lên như nấm trên địa bàn TP. Đây chính là những “bãi đáp” chủ yếu của các cuộc mua bán dâm. “Ở quận 12 thì làm gì có nhiều khách du lịch lưu trú, thế mà khách sạn mini mọc rất nhiều. Có những chủ nhà nghỉ ở vị trí tận trong hẻm nhỏ mà có đến 2-3 cơ sở chi nhánh”- bà Nguyễn Thị Hồng Phượng nêu thực trạng. Trong khi đó, thượng tá Thêm cho biết dù rất muốn nhưng không thể rút giấy phép kinh doanh các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn có xảy ra hoạt động tệ nạn bên trong, do vướng Nghị định 73 của Chính phủ.
Không để tệ nạn tràn lan Báo cáo của Sở LĐ-TB-XH cho thấy trong số hơn 8.000 đối tượng tệ nạn xã hội đang được quản lý, giáo dục tại hệ thống các trường, trung tâm cai nghiện, phục hồi nhân phẩm, có đến trên 7.900 người liên quan đến ma túy. Trước phản ứng của đại diện các địa phương cho rằng những con số thống kê về tệ nạn xã hội của Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội thiếu thực tế, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, đề nghị cần phải khảo sát kỹ lưỡng, phản ánh một cách trung thực tình hình thực tế để đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của các tệ nạn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Văn Minh kêu gọi phải hành động quyết liệt để chống tệ nạn xã hội với tất cả lương tâm, trách nhiệm trước nhân dân. TPHCM đang xây dựng TP văn minh, không thể để tệ nạn xã hội tràn lan. |
Bài và ảnh: QUÝ LÂM
Theo NLĐ
0 nhận xét