ảnh minh họa (internet) |
Chỉ trong vòng 3 năm, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường tại TPHCM đã tăng lên gấp đôi và nay đã trên 8%. Trong khi đó, với 4% dân số mắc phải từ năm 2001, hiện tỷ lệ này ở Việt Nam đã là hơn 6%. Mặc dù hàng trăm câu lạc bộ dành cho bệnh nhân tiểu đường ra đời ở các bệnh viện nhằm ngăn chặn căn bệnh khó trị này nhưng bệnh tiểu đường vẫn phát triển với mức độ chóng mặt.
Không chỉ người lớn mới mắc bệnh tiểu đường mà ngay chính trẻ em hiện đã xuất hiện bệnh này. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM dẫn chứng một trường hợp đã nhập BV Nhi đồng 1 TPHCM gần đây do bệnh tiểu đường. Đó là bệnh nhi T.M.L. (ngụ TPHCM) mới 2 tháng tuổi. Đây được xem là ca bệnh hiếm gặp nhất được phát hiện từ trước đến nay. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng thở mệt, bị mất nước kèm lơ mơ khi đường huyết tăng cao vượt mức cho phép (400mg%, trong khi bình thường là 80mg%-120mg%)…
Một trường hợp khác là bé Phan Thị M. 4 tuổi ngụ tại quận 12, TPHCM bị hôn mê, khó thở, tím tái do nhiễm toan cetone máu đái tháo đường cũng đã được điều trị tại BV Nhi đồng 1 cách nay chưa lâu…
Theo BS Diệp, cách đây 10 năm, tiểu đường chỉ xuất hiện ở độ tuổi từ 30 - 65, nhưng giờ đây tỷ lệ bệnh nhân từ 25 - 35 tuổi chiếm khá cao, khoảng 3%. Ngay cả trẻ 4 tuổi cũng mắc. Điều này cho thấy bệnh tiểu đường đang trẻ hóa. Tại BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, các bác sĩ thỉnh thoảng vẫn tiếp nhận những bệnh nhi nhỏ tuổi mắc bệnh tiểu đường, không ít trường hợp nguy kịch do nhập viện muộn. Thậm chí còn phát hiện tiểu đường trong thai kỳ, xảy ra trong lúc phụ nữ mang thai.
Các chuyên gia về nội tiết nhìn nhận, nguyên nhân mắc bệnh tiểu đường là do gen di truyền nhưng giờ đây môi trường sống cũng được xác định là thủ phạm. “Con người thiếu hoạt động thể lực, lười vận động cộng với chế độ dinh dưỡng bất hợp lý và cuộc sống thường xuyên bị stress làm tăng mức đường huyết là một trong những yếu tố gây gia tăng nhanh bệnh hiện nay”, BS Nguyễn Vinh Quang, BV Nội tiết Trung ương phân tích.
Trong khi đó nghiên cứu của các bác sĩ BV Nhi đồng 1 TPHCM cho thấy, tần suất bệnh cao nhất ở nhóm trẻ bị bệnh tiểu đường là từ 5-7 tuổi, tương ứng với thời điểm tăng tiếp xúc với các tác nhân nhiễm trùng khi bắt đầu đi học và nhóm tuổi dậy thì tương ứng với lúc tăng tiết hormone sinh dục, hormon tăng trưởng và các stress ở lứa tuổi này. Ngoài ra, còn phát hiện số ít trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thường ở trẻ dư cân, béo phì.
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho rằng, lối sống cứ “nạp” nhiều chất dinh dưỡng nhưng ít hoạt động, cộng với hút thuốc lá và dùng thuốc men có tính sinh tiểu đường cũng là các thay đổi về yếu tố môi trường gây ra tiểu đường. “Ngoài bị hạ đường huyết, hôn mê, tiểu đường còn gây nên biến chứng bệnh lý võng mạc, thận, tim mạch và bệnh thần kinh, thậm chí nhiều bệnh nhân bị loét do biến chứng bệnh mạch vành, mạch máu ngoại vi nên phải đoạn chi”, BS Diệp nói.
Bộ Y tế đã triển khai dự án phòng chống bệnh đái tháo đường quốc gia từ cách nay hơn 10 năm. Theo điều tra của BV Nội tiết Trung ương, năm 2001, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường của người dân Việt Nam chỉ chiếm 4% thì đến nay đã phát triển lên trên 6% với khoảng gần 5 triệu người mắc. Qua nghiên cứu cho thấy, 80% người dân Việt Nam không biết thông tin về yếu tố nguy cơ gây nên căn bệnh đái tháo đường và không có kiến thức phòng bệnh. Tại TPHCM, ghi nhận năm 2010 cho thấy tốc độ người mắc bệnh tiểu đường tăng nhanh chóng với tỷ lệ trên 8%, tăng gấp đôi so với năm 2007.
Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh tiểu đường, Việt Nam không được xếp vào tốp những nước có tỷ lệ người mắc căn bệnh này cao của thế giới nhưng được xem là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh của bệnh này.
Cứ 30 giây có một người bị cắt cụt chân vì tiểu đường Ở Việt Nam, người mắc tiểu đường sẽ tăng lên khoảng 7-8 triệu dân vào năm 2025, trong đó tiểu đường tuýp 2 sẽ chiếm trên 90%. Bệnh tiểu đường đang gia tăng cả về số lượng và biến chứng. Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới, sẽ có 221 triệu người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới vào năm 2011 và mỗi năm có 3,2 triệu người chết vì các bệnh liên quan đến đái tháo đường. Hiện trên thế giới cứ 30 giây lại có một người mắc căn bệnh này phải cắt cụt chân. (nguồn: Viện Nghiên cứu chiến lược phòng chống bệnh tiểu đường) |
TƯỜNG LÂM
SGGP
0 nhận xét