Thời hạn 30-6 để các ngân hàng (NH) phải đưa tín dụng phi sản xuất về dưới 22% đã qua. Tuy nhiên, đến nay nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được yêu cầu này. Con đường đưa tín dụng phi sản xuất về 16% vào cuối năm vẫn còn không ít gian truân. Mặc dù nhiều người kỳ vọng với chính sách này, dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất sẽ nhiều hơn và phục vụ phát triển kinh tế nhiều hơn. Song thực tế có suôn sẻ như vậy?
Giao dịch tín dụng tại Eximbank. Ảnh: CAO THĂNG |
Để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều NH đã gấp rút giảm tín dụng phi sản xuất về mốc 22% vào đúng “giờ G”. Trong khi đó, thực tế là các hợp đồng cho vay phi sản xuất trong đó phần lớn là bất động sản thường có kỳ hạn khá dài, thậm chí có hợp đồng đến 10 năm và tập trung vào các dự án nhà ở, chung cư cao cấp nên việc thu hồi vốn khó có thể thực hiện trong một sớm một chiều.
Từ chỗ tỷ lệ cho vay bất động sản ở mức 30%-40%, thậm chí 50% trước đây phải gấp rút đưa về con số 22% theo quy định khiến nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngờ. Tình hình thực tế cho thấy thị trường bất động sản đang đóng băng, thị trường chứng khoán vẫn ảm đạm, việc rút vốn đột ngột phi sản xuất là không hề dễ dàng. Do vậy, nhiều ý kiến nghi ngờ một số NH đã phải “phù phép” các khoản vay.
Để làm được điều này, các NH và khách hàng có thể dàn xếp với nhau và làm lại các hợp đồng để thay đổi mục đích vay. Về vấn đề này, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm từng phát biểu rằng: NH sẽ không thu nợ, không bắt nợ, mà chuyển nợ sang một hình thức khác ví như có một khoản trả thế vào sau đó vay lại. Như vậy, nếu giả thiết này được một số NH áp dụng thì dòng tiền thực sự vẫn chưa rời khỏi khu vực phi sản xuất, đồng nghĩa với tiền đó khó có thể chảy vào lĩnh vực sản xuất như mong đợi. Mặt khác, tín dụng vào sản xuất cũng khó tăng mạnh bởi hiện tại lãi suất vẫn còn quá cao, do đó doanh nghiệp (DN) cũng không mặn mà vay tiền để mở rộng kinh doanh.
Thông điệp từ Nghị quyết 11 của Chính phủ ưu tiên kiềm chế lạm phát, các địa phương phải cắt giảm những dự án chưa cấp bách và kém hiệu quả, DN phải thắt chặt chi tiêu. Kết quả kinh doanh của các DN cũng sẽ không mấy thuận lợi trước áp lực từ giá cả nguyên liệu tăng nhanh và lãi suất cao. Riêng đối với các DN bất động sản cũng phải tự cứu mình bằng cách phải giãn tiến độ các dự án và chỉ tập trung vào những dự án sinh lời cao. Với kết quả kinh doanh như vậy thì các DN cũng không thể mạnh dạn vay vốn để mở rộng sản xuất. Xu thế vay bổ sung vốn lưu động để chống chọi vượt qua “bão tố” vẫn là chủ đạo.
Cũng theo Nghị quyết 11, NHNN đã áp trần tăng trưởng tín dụng 20% cho tất cả các NH. Từ thực tế trên, vẫn chưa thể kỳ vọng nhiều vào tín dụng sản xuất sẽ tăng mạnh trong ngày một ngày hai. Hình thức phạt bằng cách nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NH không đưa được tín dụng phi sản xuất về 22% đúng thời hạn, thì việc một số NH phải “đua” lãi suất huy động là không thể tránh khỏi. Điều này sẽ làm cho chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ càng đối mặt với nhiều trở ngại. Đến đây, các DN sản xuất lại chính là đối tượng bị ảnh hưởng.
Theo lộ trình, tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 22% đã hết hạn vào ngày 30-6 và tiếp tục giảm xuống còn 16% đến cuối năm 2011. Điều này là một thách thức không nhỏ đối với các NH, mặc dù biện pháp này là cần thiết để phát triển an toàn và giảm rủi ro. Đối tượng trong vùng liên đới là các DN bất động sản, các công ty chứng khoán cũng sẽ phải trải qua thời kỳ chật vật không kém vì phải rơi vào tình trạng cạn vốn.
Các chính sách khi áp dụng vào thực tế đều có độ trễ nhất định để phát huy tác dụng. Với việc các lợi ích và rủi ro quấn lẫn nhau như hiện nay sẽ khiến cho dòng tiền thực sự chảy vào khu vực sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế như mong muốn phải có thời gian mới biến thành hiện thực.
Phú Thuận
Theo SGGP
0 nhận xét