Nguồn vốn ngân hàng có lãi suất cao và khó tiếp cận khiến cho một bộ phận đáng kể doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động
Bán hàng bình ổn giá là một trong những biện pháp giảm gánh nặng lạm phát đối với người dân. Ảnh: Hồng Thúy
Ngày 30-6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã xem xét các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các ủy ban của QH về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011 và giải pháp 6 tháng cuối năm.
CPI vẫn ở mức cao
Báo cáo trước Ủy ban TVQH về chỉ tiêu kiểm soát lạm phát (CPI) trong năm nay “sẽ ở mức khoảng 15% - 17%” song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng nói thật rằng “17% là con số phấn đấu”. Trước đó, Chính phủ đã thống nhất mục tiêu kiểm soát lạm phát chặt chẽ hơn, ở mức 15%. Ông Phúc cho biết tốc độ tăng giá đã có xu hướng giảm dần. So với tháng 12-2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2011 tăng 13,29%. Tuy nhiên, vị “tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư này cho rằng kiềm chế được lạm phát cả năm ở mức 17% là rất khó khăn. “Đây cũng là con số phấn đấu, chứ khả năng giữ được ở 17% - 18% cũng là tốt”- ông Phúc nhìn nhận.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH nhận định tình hình kinh tế - xã hội những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực. Thị trường ngoại hối và tỉ giá khá ổn định. Mặc dù điều kiện sản xuất kinh doanh không thuận lợi nhưng thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao (55,1% so với dự toán), các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được triển khai tích cực. Tuy vậy, CPI vẫn còn ở mức rất cao, gây nhiều khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, nguồn vốn ngân hàng có lãi suất cao và khó tiếp cận khiến cho một bộ phận đáng kể doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động. Một số hàng hóa xa xỉ, cần hạn chế nhập khẩu lại tăng mạnh.
Cắt giảm đầu tư công còn hạn chế
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, việc cắt giảm đầu tư công là chủ trương đúng đắn nhưng việc thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Tính đến hết tháng 5, nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có số liệu bổ sung, hoàn chỉnh, trong khi thời hạn báo cáo với Thủ tướng Chính phủ là tháng 3. Với hơn 100 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cơ quan chức năng cũng chỉ mới tổng hợp được báo cáo của 23 đơn vị.
Về cân đối ngân sách Nhà nước, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển, thu ngân sách đạt khá, đáp ứng được các nhiệm vụ chi theo dự toán cũng như các khoản chi phát sinh. Tuy nhiên, nỗ lực thắt chặt đầu tư công và tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên chưa lớn, còn nhiều khoản đã có trong dự toán nhưng chưa chi hoặc chưa đủ điều kiện để chi; khả năng giảm bội chi chủ yếu trông chờ vào yếu tố tăng thu ngân sách Nhà nước...
Ủy ban Kinh tế đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, thận trọng và chính sách tài khóa chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đề ra, Chính phủ cũng cần có giải pháp hiệu quả nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận vốn, dãn giảm thuế…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng công tác quản lý, điều hành thời gian tới cần phải tập trung xử lý không ít vấn đề nóng như lạm phát tăng cao, đồng Việt Nam giảm giá; lãi suất cho vay ngân hàng cao, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống thực tế của nhân dân; gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp...
Cùng ngày, Ủy ban TVQH đã xem xét đề nghị thành lập Viện Kiểm sát quân sự thủ đô Hà Nội và thông qua Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Có thể điều chỉnh giá xăng dầu Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: “Đáng lo ngại nhất là nhóm hàng hóa nguyên - nhiên - vật liệu, nhất là xăng dầu. Nhiều tháng nay, dầu thô giữ mức giá cao, trên 100 USD/thùng; gần đây có hạ, nhưng có nghịch lý là dầu thô hạ nhưng giá dầu tinh vẫn đắt. Nếu giá dầu thô tiếp tục ở vào khoảng 97 – 100 USD/thùng sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu. Ngoài ra, ngành điện cũng đang lỗ lớn. Phải đến năm 2013, giá điện mới có thể tính theo giá thị trường”. |
Bài và ảnh: Thế Dũng
Theo NLĐ
0 nhận xét