Lương Quốc Thắng sinh năm 1959 tại Sài Gòn. Đi bộ đội và công tác ở Poipet, Campuchia từ năm 1983 đến 1987. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật 1993; tốt nghiệp Cao học Mỹ thuật 2010; là hội viên Hội Mỹ thuật TPHCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Hiện anh đang giảng dạy tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Anh từng đoạt giải đầu tư Hội Mỹ thuật TPHCM 2005, giải 2 Hội Mỹ thuật TPHCM 2006, giải tặng thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2007, giải A Hội Mỹ thuật Việt Nam 2009.
* PV: Không phải là người sớm tìm đến chất liệu sơn mài nhưng anh đã chứng tỏ sự thành công qua những cuộc triển lãm trước đây. Điều gì được gửi gắm qua cuộc triển lãm cá nhân lần đầu tiên của họa sĩ? (*)
* PV: Không phải là người sớm tìm đến chất liệu sơn mài nhưng anh đã chứng tỏ sự thành công qua những cuộc triển lãm trước đây. Điều gì được gửi gắm qua cuộc triển lãm cá nhân lần đầu tiên của họa sĩ? (*)
- Họa sĩ Lương Quốc Thắng: Trình làng hơn 20 tác phẩm sơn mài lần đầu tiên như một cách đối thoại giữa nghệ sĩ với công chúng, đó là điều tôi rất vui. Bởi đi tìm, thử nghiệm chất liệu mới cho tranh sơn mài thật là công việc rất đam mê và cũng đầy gian nan; nó đòi hỏi sự kiên trì, khám phá và kiểm nghiệm hiệu quả thực hiện như làm khoa học. Sơn mài là một thể chất thâm trầm. Vàng, son mang đến sự lộng lẫy. Tính quý của đường nét mang lại sự quyến rũ. Tiết độ trong cảm xúc nghệ sĩ rất kín đáo. Bốn yếu tố thâm trầm, lộng lẫy, quyến rũ, kín đáo là một nội dung lớn mà các nghệ sĩ sơn mài Việt Nam phải phấn đấu cả đời.
Tác phẩm “Con đường”, tranh sơn mài của họa sĩ Lương Quốc Thắng. |
Bản thân tôi khi nghiên cứu chì, cho thấy chất liệu này có thể góp phần làm phong phú hơn cho bảng màu sơn mài. Những thử nghiệm thành công đã được thể hiện qua tác phẩm Chì và son trên nền vóc (tác phẩm được gửi tham dự triển lãm sơn mài quốc tế thành phố Hạ Môn, Trung Quốc, 2008) và tiếp tục thể nghiệm trên các tác phẩm sơn mài có chủ đề di sản: Hạt giống nghìn năm, Hạt giống di sản, Tình nguồn. Tôi nghĩ chì sẽ nhanh chóng trở nên chất liệu sánh vai cùng son, then, vàng, bạc, tạo nên vóc hình độc đáo cho sơn mài Việt.
* Quan niệm sáng tác và xu hướng sáng tác của họa sĩ qua những tác phẩm sơn mài cách tân, liệu có xa rời xu hướng sơn mài truyền thống?
- Theo tôi, nghệ sĩ dù vẽ theo xu hướng nào cũng đều bắt nguồn từ một phương pháp và một tiến trình nhất quán trên nền tảng hiện thực. Bắt đầu từ vẽ phẳng mài nhẵn, bắt đầu từ nghiên cứu và kết thúc bằng hệ quả của cảm thức sáng tạo: tranh. Tranh sơn mài cũng hết sức đa dạng phong cách, bút pháp hiện thực, tượng trưng, trừu tượng, bán trừu tượng, thậm chí có sự đan xen giữa hội họa giá vẽ và sắp đặt…
Với quan niệm này, qua nhiều năm tôi đã thể hiện qua tác phẩm: Hoa, Lá, Nắng; Hạt giống di sản; Múa tiên, Cây đa bến nước, Chim Việt cành Việt; Tình nguồn… Và, dù vẽ theo lối nào, sơn mài cũng thấm đẫm hồn Việt từ chất liệu Việt.
* Được bạn bè thời đi học và cả thời trong quân đội nhận xét, ngoài nghề vẽ, anh là người khá đắm say với âm nhạc. Phải chăng, tính nhạc, nhịp điệu trong tranh Lương Quốc Thắng cũng là một yếu tố được anh khá chú trọng?
- Nhịp điệu trong tranh là một trong những yếu tố nghệ thuật được nghệ sĩ quan tâm nói chung. Âm nhạc là một nghệ thuật rất cần thiết của cuộc sống. Điều này đối với tôi đôi khi còn là sự song hành: âm nhạc đan xen trong lúc vẽ. Ví dụ khi vẽ một bức tranh, tôi luôn chú ý đường nét, ánh sáng nào tạo thành nhịp chủ đạo; hình ảnh, hoa văn hình học nào ẩn hiện tạo nhịp đồng hành, bè phụ…
Thật thú vị khi tôi thực hiện nhịp điệu trong tác phẩm Múa tiên, nhân chuyến đi thực tế ở chùa Tây Phương, Hà Tây; hay qua một tác phẩm khác, bức Phiên chợ toàn hoa, sự thể hiện nhịp điệu là nhịp sống của người dân nông thôn trên những bến thuyền ngược xuôi, những bến đò ngang, đầy ấp giọng nói, tiếng cười đầy tính văn hóa dân gian…
* Sinh ra trên mảnh đất Sài Gòn - TPHCM, nhưng dường như, đề tài này chưa được anh khai thác nhiều trong chủ đề quê hương nói chung?
- Không hẳn vậy. Sài Gòn gắn bó với tôi qua nhiều con đường, ngõ phố, bờ kênh… Sài Gòn không êm đềm, lãng mạn như Hà Nội nhưng nó vừa thâm trầm, vừa sôi động, chợt nắng, chợt mưa thật đáng yêu, đáng nhớ. Thuở mới bắt đầu bước vào trường Mỹ thuật Gia Định năm 1974, tôi đã để ý đến Sài Gòn - “hòn ngọc Viễn Đông” xưa; rồi một Sài Gòn của những ngày đầu mới giải phóng và TPHCM của thời thanh niên khi thế hệ chúng tôi lớn lên.
Giờ, mỗi lần có dịp đưa sinh viên đi thực tập ở nhiều khu vực Thủ Thiêm, Bình Tây, Chợ Lớn…, tôi vẫn ngắm, vẫn nghĩ nhiều về những hình ảnh xưa thấp thoáng ẩn hiện qua hình ảnh đổi mới của thành phố. Sài Gòn luôn làm người ta xốn xang trong lòng vì sự “cựa mình, thức dậy” của nó.
Hiện nay, tôi đã có dự án vẽ về Sài Gòn xưa và nay, với vốn sống, vốn tư liệu và nhiều hình ảnh ký họa được tích lũy. Trong tương lai không xa, tôi sẽ trở lại đề tài này một cách hệ thống và tôi nghĩ đó là cách bộc lộ tình cảm, trách nhiệm của một người con Sài Gòn đối với quê hương, với thành phố mình đã được sinh ra và lớn lên.
(*) Triển lãm đang diễn ra tại gallery Tự Do, 53 Hồ Tùng Mậu, quận 1.
KIM ỬNG// SGGP
0 nhận xét