Các nước không đăng ký nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa thực vật với cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ không được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo Thông tư số 13, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu gồm sản xuất tại quốc gia được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn thực phẩm hàng hóa; bao gói hoặc chứa đựng trong các phương tiện phù hợp; ghi nhãn bằng tiếng Việt hoặc có nhãn phụ tiếng Việt; đã được kiểm tra và chứng nhận an toàn thực phẩm.
Hàng hóa nhập khẩu có chứa thành phần biến đổi gen, hoặc được chiếu xạ, hoặc được sản xuất theo công nghệ mới phải có thêm giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu.
Đối với hàng hóa đã qua chế biến bao gói sẵn nhập khẩu, trước khi lưu thông còn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định hiện hành.
Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho biết Việt Nam thực hiện việc này theo đúng cam kết với WTO, và cũng là thể hiện sự bình đẳng trong thương mại giữa các nước. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải tuân theo nhiều quy định, nhiều khâu kiểm tra gắt gao của các nước mới được vào thị trường của họ.
Ông Diệp Kỉnh Tần cho biết, trước đó Việt Nam đã thực hiện đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu và mọi việc đang đi vào nề nếp.
Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, ông Nguyễn Như Tiệp cho hay, truy xuất nguồn gốc là yêu cầu cơ bản quan trọng, quy định áp dụng đối xử bình đẳng giữa các quốc gia. Việt Nam có đủ điều kiện để kiểm tra tận gốc đối với hàng hóa thực vật nhập khẩu từ các nước.
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, đến ngày 30-6 mới có bốn nước là: Mỹ, Canada, Australia và Thái Lan có đăng ký với cơ quan chức năng của Việt Nam.
Theo Vietnam+
0 nhận xét