Người tiêu dùng bình dân khó tiếp cận hàng bình ổn do giá cao hơn thị trường, hàng không hợp nhu cầu…
Lâu nay, người tiêu dùng luôn kỳ vọng sẽ mua được hàng hóa bình dân với giá thấp tại các điểm bán hàng bình ổn giá. Thế nhưng khảo sát tại thị trường Hà Nội, nhiều mặt hàng trong danh mục hàng bình ổn còn cao hơn giá thị trường.
Hàng bình ổn giá được bán trong một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: NGỌC DUNG
Cao giá hơn thị trường
Ghi nhận tại nhiều điểm bán hàng bình ổn tại Hà Nội như siêu thị Fivimart, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), siêu thị BigC, Intermex…, các nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đều đã được bình ổn giá. Tuy nhiên trong từng nhóm hàng, cơ cấu mặt hàng lại không thông dụng. Tại các điểm bán hàng này thực hiện bình ổn giá với gạo Thái đỏ Yamada, gạo Thái xanh Yamada, gạo tám xoan, gạo tám Điện Biên… trong nhóm gạo tẻ. Với nhóm thủy hải sản tươi, đông lạnh, các mặt hàng bình ổn giá gồm: tôm sú tươi, tôm sú hấp, cá basa… Tương tự, Hapro Thành Công cũng bình ổn giá với các mặt hàng đóng hộp như thịt kho tàu, thịt xay, thịt bò… Theo đánh giá của một số người tiêu dùng, các mặt hàng bình ổn dường như mới chỉ phục vụ một nhóm người tiêu dùng nhỏ, có thu nhập nhỉnh hơn một chút bởi giá bán các mặt hàng này khá cao, thậm chí còn cao hơn giá thị trường.
Chị Nguyễn Thu Hằng, ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, ví dụ: Trứng gà bán giá bình ổn lên đến 32.500 đồng/chục, trong khi giá thị trường chỉ có 30.000 đồng/chục; trứng vịt giá bình ổn lên đến 29.500 đồng/chục, giá trên thị trường chỉ có 26.000 đồng/chục. Với mặt hàng dầu ăn giá cũng cao hơn, còn mặt hàng rau ở siêu thị chỉ bình ổn với hàng rau sạch, rau an toàn. Theo chị Hằng, so với các chợ lẻ, mặt hàng thực phẩm tươi sống ở các điểm bán hàng bình ổn “yếu thế” hơn và người tiêu dùng không có nhiều chọn lựa, trong khi đó giá lại cao hơn ở chợ.
Bán cái mình có
Khảo sát tại điểm bình ổn Hapro (Thành Công, Hà Nội), giá các loại dầu ăn: Simply, Neptune… có giá bán tương ứng là 45.000 đồng và 44.000 đồng/chai 1 lít, với can 2 lít, giá bán là 89.000 đồng và 87.000 đồng/can. Tại Fivimart (đường Lê Đức Thọ), dầu ăn Neptune 1 lít bán với giá 43.600 đồng/chai, loại 2 lít có giá 88.900 đồng/can; dầu Simply 1 lít giá 44.800 đồng/chai và 89.800 đồng/can 2 lít. Mức giá bán này cao hơn so với giá bán ngoài thị trường khoảng 3.000 đồng/lít. Với mặt hàng rau muống, tại siêu thị Fivimart bán giá 12.700 đồng/kg; mồng tơi 12.500 đồng/kg; bí xanh và bí ngô 9.000 đồng/kg; dưa chuột giá 11.900 đồng/kg, cao hơn từ 5.000 - 1.500 đồng/kg so với cùng loại rau ngoài thị trường…
Đầu tháng 5-2011, UBND TP Hà Nội đã chi 475 tỉ đồng để bình ổn giá. Mười nhóm mặt hàng cần tập trung bình ổn gồm: gạo tẻ; thịt heo; thịt gà, vịt; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá; thủy hải sản tươi, đông lạnh; dầu ăn; đường RE; rau củ tươi; giấy vở học sinh. Từ nguồn này, các doanh nghiệp tạm ứng dự trữ hàng bình ổn, gồm 6.400 tấn gạo tẻ thường (giá trung bình 13.000 đồng/kg), thịt heo 1.350 tấn (giá 70.000 đồng/kg), thịt gà, vịt 500 tấn (85.000 đồng/kg), trứng gà, vịt 8 triệu quả (2.500 đồng/quả), thủy hải sản 800 tấn (74.000 đồng/kg), rau củ 2.500 tấn (14.000 đồng/kg)…
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận định cơ cấu mặt hàng bình ổn vẫn chưa nhằm vào đại đa số người dân, vẫn chưa đúng đối tượng. “Tôi cho rằng nên hỗ trợ tiền trực tiếp cho người nghèo, người thu nhập thấp ở vùng nông thôn và hướng dẫn cho họ về những nơi có thể mua hàng với giá hợp lý, cạnh tranh. Hiện giờ bình ổn theo kiểu cứ bắt người ta phải mua hàng này, hàng nọ. Chẳng hạn, người nghèo cần mua gạo tẻ thường thì siêu thị lại bình ổn giá gạo tám Điện Biên, tám xoan; người dân cần mua “con cá, lá rau” tươi sống, thông dụng thì siêu thị lại bình ổn hàng thủy hải sản đông lạnh …”- ông Phú dẫn chứng.
Chưa “trúng” nhu cầu người dân Ông Vũ Vinh Phú cho rằng hàng bình ổn chỉ chiếm 10% hàng hóa lưu thông trên thị trường, trong khi đó lại không tham gia đấu thầu nên có những nơi nhận hàng bình ổn có giá còn cao hơn nơi không nhận hàng bình ổn. Lẽ ra 80% hàng bình ổn phải về nông thôn thì phần lớn lại ở siêu thị hoặc chợ nội thành, trong khi đối tượng cần tiếp cận là dân nghèo và người thu nhập thấp. Cũng theo ông Phú, có những nhóm hàng bình ổn còn chưa “trúng” với nhu cầu tiêu dùng của người dân. |
Khánh Anh
NLĐO
0 nhận xét