LTS: Ngay sau khi đăng bài viết Day dứt Hà Nội của bà Debra Efroymson (Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge của Canada), ngày 26/6/2011, Tuần Việt Nam chúng tôi nhận được bài viết sau đây của kiến trúc sư Trần Huy Ánh, với những kiến giải để Hà Nội trở thành một đô thị có môi trường trong lành hơn, có nhiều điều kiện sống tốt hơn, xứng tầm một Thủ đô.
Và rất mong được chính quyền Thủ đô, cùng đông đảo người dân ở Hà Nội hưởng ứng, suy nghĩ trước một giải pháp (kết hợp với nhiều giải pháp khác), có khả năng biến ước mong thành hiện thực đời sống.
Hà Nội - thành phố đáng yêu của xe đạp
Trước những năm 1980, cả Hà Nội gò lưng trên những chiếc xe đạp xập xệ với cặp lồng cơm treo trên ghi đông... Chúng ta rất ngạc nhiên thấy các người bạn ngoại quốc hào hứng yêu Hà Nội cổ kính, dày đặc xe đạp. Lúc ấy, ta không hiểu được vì sao những ông tây bà đầm béo tốt suy tính những gì, có thực lòng không khi hào hứng ngợi ca cái vất vả, lam lũ đạp xe mỗi ngày của người Hà Nội.
|
Hà Nội 1980-1990: Xe đạp và tầu điện (Ảnh: Hữu Cấy và của nhà báo người Đức) |
Mươi năm gần đây, Hà Nội mơ tới viễn cảnh thành phố xa lộ thẳng tắp, nườm nượp ô tô lao vun vút dưới rừng cao ốc bóng nhoáng kính thép... bắt chước các thành phố phương Tây.
Ngược lại, các thành phố nổi tiếng châu Âu đang nỗ lực tái tạo hình ảnh mới của mình bằng cách đi bộ và xe đạp: Paris, Lyon, London, Amxterdam, Berlin... Danh sách thành phố không ô tô đang nối dài sang các quốc gia ở châu Á: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Mông Cổ... biết đâu đấy một ngày kia sẽ là Việt Nam, nơi mà hơn 20 năm trước xe đạp đi bộ rất phổ biến.
Hình ảnh mới của thành phố hiện đại
Paris không chỉ nổi tiếng với Eiffel, sông Seine... mà đang tự hào với hệ thống "Vélóv" đó là những chiếc xe đạp duyên dáng có mặt khắp mọi nơi, kết nối với xe bus, tầu điện ngầm hoặc nổi, thành một hệ thống giao thông công cộng thuận tiện. Nhưng vượt hơn cả Paris, Lyon mới là thành phố có hệ thống hoàn chỉnh.
|
Paris 2011: Trạm cung cấp xe đạp Vélóv liền với ga xe bus. Đường riêng xe đạp |
Nước Pháp khuyến khích cư dân sử dụng những cự ly ngắn, đảm bảo phối hợp với xe bus, tramway, tầu điện ngầm hay taxi...để các phương tiện phát huy tối ưu năng lực phục vụ công cộng nhưng không triệt tiêu nhau.
Được đầu tư bởi doanh nghiệp quảng cáo (lợi nhuận quảng cáo thu lại chi phí), vận hành bởi doanh nghiệp công ích (phi lợi nhuận ) trực thuộc tòa thị chính, Lyon đang là mẫu hình cho một loạt các thành phố Nhật Bản học tập: Tokyo, Yokohama, Osaka, Kumagaya, Hokkaido....
Hãy hành động vì một thành phố không khói xe!
Thay đổi phương tiện đi lại đang tác động tích cực tới quá trình tái tạo khung cảnh đô thị. Vắng bóng ô tô, thành phố trở nên bình yên và lãng mạn hơn nhiều với vòi phun nước, quảng trường đi bộ, những cây cầu gỗ bắc qua rãnh nước ...
Thành phố ở quốc gia này- Nhật Bản- đang dần trở thành nơi cư trú lý tưởng, hòa hợp, thân thiện giữa con người và thiên nhiên. Giữa thực tại với tương lai, đôi khi ta còn có cơ hội trở lại những khoảnh khắc quá khứ mến thương.
| |
| |
Thiết kế đô thị ga xe bus và quảng trường tại Choisi City (Nhật Bản): Ưu tiên xe đạp với những quảng trường, cây cầu và lối vào siêu thị |
Thay vì than vãn, Hà Nội và người sống ở Hà Nội cố làm thử một vòng quanh Hồ Gươm, kết hợp đường đi bộ do Công an Hà Nội đề xuất tháng 5/2011. Được biết, các bạn Nhật Bản trong mạng lưới "Thành phố không khói xe- Free car day" cũng rất sẵn lòng giúp đỡ thử nghiệm. Nếu là người đã từng "day dứt Hà Nội", bạn có sẵn lòng tham gia?
* Nguồn minh họa trong bộ tài liệu của "European mobility week national coordinator for Japan" do KTS Shinichi Mochhizuki cung cấp
Tác giả: Trần Huy Ánh (Tuần Việt Nam)
0 nhận xét